Kỳ vọng lên đời từ lúa sạch

Trong năm 2017, giá lúa gạo và số lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam ổn định ở mức cao. Đây là “gam sáng” đáng ghi nhận trong bối cảnh xuất khẩu gạo chịu nhiều áp lực cạnh tranh trên thương trường. Gạo Việt đang từng bước “mày mò” tạo dựng thương hiệu bằng sản phẩm sạch, hữu cơ…
 

Sản xuất lúa sạch, lúa hữu cơ là hướng đi triển vọng và bền vững

Sản xuất lúa sạch, lúa hữu cơ là hướng đi triển vọng và bền vững

Học người xưa trồng lúa sạch
Những ngày đầu năm 2018, anh Võ Văn Tiếng, nông dân xã Thường Thới Tiền, huyện Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp, cần mẫn đi thăm đồng. Đây là năm thứ 2 anh trồng lúa hữu cơ. Với 40ha đất trồng lúa, hơn 2 năm nay, Võ Văn Tiếng đã bỏ lúa vụ 3, thay bằng nuôi vịt. Cứ 10ha đất trồng lúa, anh đào 1 ao rộng khoảng 5.000m², sâu 3m để chứa nước lũ và thả cá.
Mùa lũ, anh đón nước vào ruộng để lấy phù sa; mùa khô, lượng nước sạch, giàu dinh dưỡng trong ao được bơm vào ruộng. Đất được nghỉ và làm giàu nhờ đón lượng phù sa từ sông trong mùa lũ, từ ao trong mùa khô. 40ha lúa của anh Tiếng gần như không tốn chi phí cho phân bón hay thuốc bảo vệ thực vật.
“Mình nghĩ, quê mình là quê lúa của cả nước, người dân trồng lúa thì nhiều nhưng mà vẫn nghèo, vì sản phẩm tạo ra không có chất lượng. Lượng hóa học quá nhiều nên sản phẩm có thể không an toàn. Hệ lụy có thể gây mất cân bằng sinh thái môi trường. Mình thấy ông bà xưa làm lúa không có phân, thuốc; mặc dù năng suất không cao, nhưng bù lại chất lượng tốt. Mình học hỏi làm theo…”, anh Tiếng tâm sự về lựa chọn sản xuất lúa hữu cơ.    
Trồng lúa không thuốc trừ sâu, không phân hóa học, chàng thanh niên 9X mang dáng rặt ri nông dân Võ Văn Tiếng đã trồng lúa theo cách ông cha để giữ nguyên giá trị và chất lượng hạt gạo. Đó là việc tận dụng thiên địch để trừ sâu. 
Cánh đồng của Tiếng trở thành nơi chim trời, cá tôm, côn trùng hội tụ và “chung sống” hòa thuận với cây lúa. Thuận theo tự nhiên là phương châm mà Tiếng lựa chọn để sản xuất nông nghiệp sạch, nông nghiệp bền vững với môi trường. Tiếng học từ phương pháp canh tác xưa của nông dân quê mình - mỗi năm chỉ trồng 2 vụ.
Dù năng suất chỉ khoảng 4-5 tấn/ha, tức chỉ hơn 50% so với canh tác thông thường, nhưng bù lại giá bán cao gấp đôi so với các sản phẩm cùng loại trên thị trường và lúc nào nguồn cung cũng không đủ cầu. Từ đó, tạo nên thương hiệu gạo hữu cơ nông dân Võ Văn Tiếng.
Thay đổi tư duy
“Trước đây chúng ta lấy sản lượng để quyết định sự tăng trưởng và cứ nghĩ rằng, sản lượng càng nhiều thì nông nghiệp phát triển càng cao, thu nhập của nông dân càng cao, nhưng đến thời điểm này, cách nghĩ đó không còn đúng. Tiêu chuẩn sạch trở thành một xu thế không thể đảo ngược. Tôi muốn nói lại lần nữa, chúng ta đang chuyển dần tư duy chạy theo sản lượng sang chất lượng. Bởi chính đảm bảo chất lượng chúng ta mới tạo được niềm tin của người tiêu dùng và tiến tới xây dựng được thương hiệu hạt gạo cho ĐBSCL”, ông Lê Minh Hoan, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp, nhận định.
Cuối năm 2017, giá lúa gạo ở vựa lúa ĐBSCL tiếp tục ở mức cao. Hiện giá lúa khô tại kho loại thường dao động 6.000 đồng/kg, lúa dài khoảng 6.300 - 6.400 đồng/kg, tăng khoảng 700 đồng/kg so với hồi đầu tháng 10-2017. Có thể nói, việc thay đổi cấu trúc xuất khẩu gạo theo hướng tăng ở thị trường Trung Quốc (chiếm khoảng 40%) đã kích thích giá lúa ở ĐBSCL tốt hơn và duy trì mức giá cao trong năm 2017. Xuất khẩu gạo năm 2017 vượt mức 5,3 triệu tấn, tăng khoảng 400.000 tấn so với năm 2016.
GS-TS Võ Tòng Xuân, Hiệu trưởng Trường Đại học Nam Cần Thơ, cho biết: Gạo ST24 của Việt Nam đã được vinh danh (cùng với gạo Thái Lan và gạo Campuchia) trong “Tốp 3 gạo ngon nhất thế giới” tại Hội nghị quốc tế lần 9 về thương mại gạo tổ chức tại Macau - Trung Quốc (tháng 11-2017). 
Được biết, gạo ST24 do nhóm nghiên cứu gồm kỹ sư Hồ Quang Cua (Sở NN-PTNT tỉnh Sóc Trăng) dẫn đầu, cùng TS Trần Tấn Phương và kỹ sư Nguyễn Thị Thu Hương. Gạo ST24 được chọn bởi hội đồng giám khảo quốc tế gồm những đầu bếp nổi tiếng bình chọn là gạo đạt chuẩn hạt dài, trắng trong, cơm dẻo vừa và có hương thơm mùi lá dứa. 
Đặc điểm gạo thơm ST24 của Việt Nam nổi bật là ngắn ngày (100-105 ngày) so gạo Thái rất dài ngày (khoảng 150 ngày). Đây là dấu son đánh dấu bước tiến của các loại gạo thơm ST do kỹ sư Hồ Quang Cua dày công nghiên cứu lai tạo trong hơn 20 năm qua. 
Tại Hậu Giang, bước đầu một số HTX cũng đã trồng lúa sạch. Cầu nối giữa doanh nghiệp và nông dân làm nông sản sạch không ai khác là chính quyền địa phương. Vì lẽ đó, Hậu Giang đã và đang triển khai nhiều chính sách hỗ trợ, khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp hữu cơ thông qua tín dụng ưu đãi, tiền thuê đất... Đặc biệt, tỉnh đang triển khai thực hiện đề án nâng cao chất lượng hoạt động của các HTX, tổ hợp tác. Tạo nền tảng cho mối liên kết giữa nông dân với doanh nghiệp, góp phần hình thành vùng nguyên liệu sản xuất lúa sạch.
“Muốn có gạo sạch, người dân trước hết phải liên kết sản xuất. Mô hình này muốn thành công phải liên kết từ cấp thấp, tức là nông dân phải liên kết từ tổ hợp tác, HTX. Trên cơ sở liên kết, ngành hữu quan cũng như ngành nông nghiệp sẽ có trách nhiệm tìm đầu ra. Phải xây dựng theo mô hình cánh đồng lớn, rồi kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư, cũng như tìm đầu ra cho nông dân. Phải đồng bộ từ các nhà khoa học, đầu tư hạ tầng cũng như là chuyển giao khoa học kỹ thuật”, ông Nguyễn Văn Đồng, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Hậu Giang, cho biết.
Có thể nói, trong áp lực cạnh tranh, sản xuất lúa gạo Việt Nam đã có bước thay đổi đáng ghi nhận khi hướng tới các giống lúa thơm, chất lượng cao, gắn với an toàn thực phẩm. Xây dựng nền nông nghiệp hữu cơ cho ĐBSCL còn là một hành trình dài với nhiều nỗi gian truân. Những mô hình canh tác thành công, dù nhỏ như anh nông dân Võ Văn Tiếng, cũng đang gieo niềm hy vọng cho sự hình thành một nền nông nghiệp hữu cơ trong tương lai. Hành trình ấy phải được thực hiện bằng tất cả nỗ lực, kiên trì, đầy tâm huyết của những người trong cuộc.

CAO PHONG/sggp.org.vn