Làm OCOP không thể theo mệnh lệnh hành chính, không "đóng khuôn"

Làm OCOP không thể theo mệnh lệnh hành chính, không "đóng khuôn"
Theo Thứ trưởng Bộ NNPTNT Trần Thanh Nam, trong bối cảnh ứng dụng khoa học công nghệ là đòi hỏi tất yếu, chúng ta sẽ triển khai tổ chức sản xuất sản phẩm OCOP theo mô hình nông nghiệp 4.0 với 3 trụ cột quan trọng là Nông trại thông minh - Nông dân thông minh - Công chức thông minh.

1.500 sản phẩm có thể gắn sao

Theo báo cáo của Văn phòng Điều phối nông thôn mới T.Ư, hiện cả nước có 6.270 doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ sản xuất (có đăng ký kinh doanh), trong đó có 3.126 doanh nghiệp, chiếm 76,6% số doanh nghiệp sản xuất nông nghiệp trong cả nước, tổ chức sản xuất 4.823 sản phẩm lợi thế thuộc 6 nhóm: Thực phẩm đồ uống; thảo dược; vải may mặc; đồ lưu niệm, nội thất, trang trí; và dịch vụ du lịch.

 lam ocop khong the theo menh lenh hanh chinh, khong 'dong khuon' hinh anh 1

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ thăm gian hàng OCOP của tỉnh Quảng Ninh. Ảnh: K.N

"Ứng dụng triệt để vận hội của cách mạng công nghiệp 4.0, chúng ta sẽ triển khai tổ chức sản xuất sản phẩm OCOP theo mô hình nông nghiệp 4.0 với 3 trụ cột quan trọng là Nông trại thông minh - Nông dân thông minh - Công chức thông minh (Smart Farm - Smart Farmers - Smart Officer”.

 Ông Trần Thanh Nam -
Thứ trưởng Bộ NNPTNT 

Trên cơ sở những tiềm năng sẵn có tại các địa phương, ngày 7.5.2018, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 490/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) giai đoạn 2018-2020.

Trọng tâm của OCOP là phát triển sản phẩm nông nghiệp, phi nông nghiệp, dịch vụ có lợi thế ở mỗi địa phương theo chuỗi giá trị do các thành phần kinh tế tư nhân và kinh tế tập thể.

Theo Thứ trưởng Trần Thanh Nam, mặc dù hiện nay mới chỉ có 18/63 tỉnh, thành phố phê duyệt đề án OCOP nhưng sản phẩm có khả năng được gắn sao đã lên đến con số 1.579.

“Nếu được chú trọng đầu tư, chỉ đạo tổ chức thực hiện một cách cụ thể, bài bản, đồng bộ thì việc triển khai OCOP sẽ rất thuận lợi, tạo chuyển biến căn bản trong phát triển kinh tế nông thôn, nâng cao thu nhập cho người dân” – ông Nam nói.

Đơn cử như tỉnh Quảng Ninh – địa phương đầu tiên trong cả nước triển khai chương trình OCOP, đến nay, sau hơn 5 năm, tỉnh đã có 130 tổ chức kinh tế tham gia chương trình; phát triển được 322 sản phẩm, trong đó, số sản phẩm đạt sao là 131; doanh số bán hàng của các tổ chức kinh tế tham gia chương trình năm 2017 đạt gần 700 tỷ đồng nhờ gia tăng giá trị sản phẩm trên 30% và tăng về quy mô sản xuất trên 18%. Thu nhập bình quân của người dân khu vực nông thôn được cải thiện đáng kể, từ 10 triệu đồng/người (năm 2010) lên 36 triệu đồng/người (năm 2017).

Nhà nước đóng vai trò kiến tạo

Từ thực tế triển khai tại địa phương, ông Lý Anh Dũng - Phó Trưởng phòng Nghiệp vụ, Ban Xây dựng nông thôn mới tỉnh Quảng Ninh cho rằng, để thực hiện thành công OCOP, Nhà nước đóng vai trò kiến tạo, ban hành khung pháp lý và chính sách để hỗ trợ các khâu đào tạo, tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật, ứng dụng khoa học công nghệ, xây dựng thương hiệu, xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm và định hướng quy hoạch các vùng sản xuất hàng hóa, dịch vụ.

Ngoài ra, các chính sách không nên áp đặt ý chí chủ quan, mệnh lệnh hành chính cho các sản phẩm OCOP, mà cần khuyến khích, hỗ trợ cho các tổ chức kinh tế phát triển sản xuất sản phẩm hướng theo chuỗi giá trị hoàn chỉnh.

“Sở dĩ OCOP ở Quảng Ninh đạt được thành công nhờ chúng tôi coi đó là một chương trình phát triển kinh tế quan trọng của cộng đồng, do đó cần nhận thức đúng về nó, ứng xử với nó đúng các quy luật kinh tế và gắn với lợi ích của đối tượng cần hướng tới; thường xuyên tổ chức truyền thông, nâng cao nhận thức; tổ chức quản lý chương trình khoa học theo hệ thống, từng khâu, từng bước thực hiện; đồng thời, tập trung chỉ đạo điểm tạo bước đột phá ngay từ nhóm sản phẩm OCOP đầu tiên” – ông Dũng nói.

Tại hội thảo quốc tế về chương trình OCOP do Bộ NNPTNT vừa tổ chức, nhiều địa phương kiến nghị, để thúc đẩy chương trình OCOP, Nhà nước cần sớm ban hành các chính sách nhằm nâng cao hiệu quả công tác hỗ trợ đối với sản phẩm OCOP, đặc biệt là các sản phẩm chủ lực của các tỉnh, thành.

Ngoài ra, cần ban hành chu trình OCOP thường niên phù hợp với từng vùng miền địa phương. Hỗ trợ công tác tuyên truyền trên các phương tiện truyền thông, có hướng dẫn cụ thể đối với cộng đồng dân cư, các tổ chức đăng ký sản phẩm mới tham gia chương trình. Hướng dẫn triển khai lập quy hoạch mạng lưới các trung tâm, điểm bán hàng OCOP trên địa bàn cả nước; xây dựng quy định thống nhất chung  trong quản lý đối với các điểm bán hàng.

Theo Thứ trưởng Trần Thanh Nam, OCOP là một chương trình mở, không đóng khuôn và chưa có tiền lệ. Điểm quan trọng trong chương trình là phát triển nhóm sản phẩm dịch vụ du lịch nông nghiệp, là một lợi thế rất lớn của các địa phương, nơi có sự đa dạng đặc biệt lớn về địa lý, bản sắc văn hóa dân tộc, các sản vật vùng miền.

Theo Khánh Nguyên/danviet.vn