Mô hình canh tác lúa hữu cơ

Mô hình canh tác lúa hữu cơ
Dù mới chỉ canh tác ở quy mô nhỏ tại xã Bình Quý, Thăng Bình nhưng mô hình canh tác lúa hữu cơ của nhiều hộ nông dân tại đây đang mở ra một hướng đi mới trong ngành nông nghiệp.
Nông dân Bình Quý chuẩn bị lúa giống hữu cơ để xuống giống vụ hè thu tới. Ảnh: Q.T
Nông dân Bình Quý chuẩn bị lúa giống hữu cơ để xuống giống vụ hè thu tới. Ảnh: Q.T

Nhiều năm qua, người dân canh tác lúa ở đây không thu được hiệu quả cao với chỉ khoảng 2 tạ/sào ruộng. Nhận thấy sự bấp bênh về sản lượng cộng với sự hình thành của Hợp tác xã (HTX) nông nghiệp hữu cơ Bình Quý, Công ty Hưng Trung Việt đã chủ động liên kết với hơn chục hộ dân ở thôn Quý Phước 1 trên địa bàn xã để trồng thử nghiệm giống lúa hữu cơ hay còn gọi là lúa đen. Ông Nguyễn Tấn Chiến - Phó Chủ nhiệm HTX cho hay, đơn vị được thành lập từ năm 2016 chủ yếu sản xuất lúa sạch từ phân hữu cơ. Đầu năm 2018, khi Công ty Hưng Trung Việt đề nghị hợp tác canh tác lúa hữu cơ, các bên thống nhất triển khai trong vụ đông xuân vừa rồi.

Được biết, trong vụ đầu tiên thử nghiệm này, 12 hộ dân tại địa phương đã canh tác khoảng hơn 7ha lúa hữu cơ. Được biết, năng suất lúa hữu cơ canh tác tại Bình Quý cũng chỉ xấp xỉ năng suất lúa truyền thống trước đây tại địa phương nhưng giá thành cao hơn cả chục lần. Thời gian thu hoạch giống lúa hữu cơ này khoảng 75 - 80 ngày, ngắn hơn so với lúa giống truyền thống nên các hộ dân xuống giống chậm hơn để thu hoạch cùng một vụ. Ông Chiến cho biết thêm: “Gia đình tôi hiện vẫn canh tác song song hai loại lúa hữu cơ, truyền thống và nhận thấy thu nhập từ việc canh tác lúa hữu cơ cao hơn nhiều”.

Do có liên kết với phía doanh nghiệp nên hiện gần 40 tấn lúa hữu cơ đều được bao tiêu đầu ra ổn định. Ngay cả khâu giống, chăm sóc trong quá trình sinh trưởng, nông dân cũng được phía doanh nghiệp hỗ trợ tích cực. Qua một vụ mùa triển vọng, người dân ở đây chuẩn bị xuống giống vụ mới. Tuy nhiên, do cam kết với phía doanh nghiệp, các hộ dân ở đây sẽ không vội vàng mở rộng diện tích canh tác để đảm bảo sự ổn định cho đầu ra của sản phẩm. Ông Võ Văn Nghi - Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quảng Nam nói: “Vừa qua, Viện Công nghệ thông tin đã phối hợp với một số cơ quan chức năng tại Quảng Nam tổ chức tập huấn cấp thử nghiệm tem điện tử để truy xuất nguồn gốc nông sản, trong đó có sản phẩm lúa hữu cơ của HTX Nông nghiệp hữu cơ Bình Quý nhằm gia tăng uy tín, giá trị cho nông sản trên địa bàn tỉnh”.

Tác giả bài viết: QUỐC TUẤN

Nguồn tin: baoquangnam.vn