Mòn mỏi chờ thịt hữu cơ

Mòn mỏi chờ thịt hữu cơ
Các đơn vị sản xuất và nhập khẩu thịt lớn tại Việt Nam vẫn chưa có sản phẩm thịt hữu cơ ra thị trường

Gõ từ khóa "thịt hữu cơ" trên thanh công cụ tìm kiếm của Google, chỉ trong 0,33 giây đã có hơn 9.900 kết quả; nếu tìm chi tiết "thịt heo hữu cơ", trong 0,56 giây có 16.800 kết quả với rất nhiều cửa hàng thực phẩm rao bán dòng sản phẩm này. Tuy nhiên, khi đọc kỹ thông tin về sản phẩm được rao bán thì phần lớn là thịt hữu cơ tự xưng, không có chứng nhận đi kèm.

Mòn mỏi chờ thịt hữu cơ - Ảnh 1.

Trong khi chờ thịt heo hữu cơ ra thị trường, thịt heo VietGAP đang là lựa chọn của nhiều khách hàng

Quản lý một cửa hàng bán thực phẩm sạch tại quận 2, TP HCM cho biết nếu minh bạch thông tin thì đa số thịt sản xuất trong nước bán ở các cửa hàng cao cấp là heo, gà, bò nuôi theo phương thức truyền thống chứ chưa đạt chuẩn hữu cơ theo quy định. Dù vậy, dòng sản phẩm này cũng đang có giá cao hơn thịt chăn nuôi công nghiệp 20%-100%. Một số đơn vị kinh doanh thịt có công bố chứng nhận hữu cơ như thịt heo AusFarm (trang trại trong nước theo tiêu chuẩn Canada), thịt bò Acres nhập khẩu (theo tiêu chuẩn của Úc).

Với kinh nghiệm nhiều năm trong nghề, ông N.T.K, giám đốc một công ty nhập khẩu thịt lớn tại TP HCM, rất hoài nghi về các sản phẩm thịt hữu cơ nhập khẩu đang bán trên thị trường. "Trên thế giới, số lượng trang trại có chứng nhận hữu cơ rất hạn chế, nguồn cung hiếm, giá thành cao và chủ yếu tiêu thụ tại chỗ. Tôi có hỏi chứng từ của một số nơi bán nhưng họ trả lời rất ấm ớ. Vì vậy, người tiêu dùng khi mua phải xem xét kỹ và mua ở những nơi có uy tín để không bị hớ" - ông K. khuyến cáo.

Bà Phan Thị Hồng Quyên, đồng sáng lập Công ty TNHH Solomon International (TP HCM, chuyên nhập khẩu các sản phẩm từ sữa hữu cơ), dự định sẽ nhập khẩu thịt hữu cơ về Việt Nam do nhu cầu thị trường lớn. Tuy nhiên, theo bà Quyên, việc nhập khẩu chính ngạch mặt hàng thịt đòi hỏi thủ tục rất phức tạp, phía nhà máy xuất khẩu tại nước ngoài phải được cơ quan chức năng Việt Nam kiểm tra, cấp phép nên chưa rõ thời gian có thể đưa hàng về Việt Nam kinh doanh.

Hiện tại, Việt Nam đã có một số đơn vị đầu tư trang trại chăn nuôi hữu cơ nhưng vẫn đang trong giai đoạn chuyển đổi để xin cấp giấy chứng nhận. Trong đó có một doanh nghiệp (DN) lớn trong ngành chăn nuôi Việt Nam đã thực hiện dự án chăn nuôi heo hữu cơ nhiều năm nhưng vẫn chưa thành công. Trao đổi với phóng viên, lãnh đạo một DN cho biết chưa thể công bố thông tin vì quá trình thực hiện còn nhiều khó khăn. "Chăn nuôi hữu cơ rất khó, từ con giống, thức ăn, diện tích chăn thả và cách kiểm soát dịch bệnh. Chúng tôi cần thời gian để đàn heo đạt đến quy mô bảo đảm sản lượng cung cấp hằng ngày, không thể để đứt hàng" - lãnh đạo DN tiết lộ.

Công ty CP Vinamit là một DN hiếm hoi đã có chứng nhận hữu cơ theo tiêu chuẩn của Mỹ và châu Âu đối với nhóm sản phẩm thịt nhưng người tiêu dùng vẫn chưa thấy sản phẩm này được bày bán. Ông Nguyễn Lâm Viên, Tổng Giám đốc Công ty CP Vinamit, xác nhận DN vẫn đang trong giai đoạn chuẩn bị nên chưa tung sản phẩm ra thị trường.

Cũng chính vì những vướng mắc này mà đến nay, các nhà kinh doanh, trong đó có Liên hiệp HTX Thương mại TP HCM (Saigon Co.op), vẫn chưa thể đưa mặt hàng thịt heo hữu cơ vào danh mục sản phẩm dù đã nhiều lần "lỗi hẹn" với khách hàng. 

Mòn mỏi chờ thịt hữu cơ - Ảnh 2.
 
Mòn mỏi chờ thịt hữu cơ - Ảnh 3.
 
Mòn mỏi chờ thịt hữu cơ - Ảnh 4.
 
Mòn mỏi chờ thịt hữu cơ - Ảnh 5.
 
Mòn mỏi chờ thịt hữu cơ - Ảnh 6.
 
 
Bài và ảnh: Vương Ngọc/nld.com.vn