Nâng tầm các sản phẩm OCOP từ dược liệu

Các doanh nghiệp sản xuất sản phẩm OCOP của tỉnh đang có sự chuyển mình, hướng đi đúng đắn khẳng định chất lượng, thương hiệu sản phẩm, đặc biệt là xu hướng nguyên liệu thô được thay thế bằng các sản phẩm tinh chế, dần chiếm lĩnh thị trường.
Nhiều đơn vị sản xuất sản phẩm dược liệu đã có sự đầu tư để nâng cao chất lượng sản phẩm. (Ảnh: Đầu tư thiết bị tách lọc tinh dầu ở HTX Nông dược xanh Tinh Hoa, Hoành Bồ).

Theo khảo sát thực tế, sản xuất các sản phẩm OCOP về dược liệu ở các đơn vị trên địa bàn tỉnh phần lớn đã đảm bảo quy trình khép kín. Doanh nghiệp đã chủ động về vùng nguyên liệu và có chiến lược phát triển vùng nguyên liệu đảm bảo nguồn cung cho sản xuất. Tiêu biểu như: HTX Dược liệu xanh Đông Triều (Tràng Lương, Đông Triều) trồng ba kích, trà hoa vàng, kim ngân, hà thủ ô, địa hoàng, đinh lăng, diện tích gần 3ha; HTX Nông dược xanh Tinh Hoa (Quảng La, Hoành Bồ) cũng xin dự án khoảng 25ha trong đó phần lớn là trồng các loại cây dược liệu đặc trưng địa phương như: Trinh nữ hoàng cung, nhân trần, kim ngân hoa... Công ty TNHH Nuôi trồng, Sản xuất và Chế biến dược liệu Đông Bắc (TP Cẩm Phả) là đơn vị đầu tiên đưa về và trồng thành công cây giảo cổ lam ở Quảng Ninh cùng nhiều loại dược liệu khác tạo vùng nguyên liệu ở Tiên Yên, Bình Liêu...

Ở giai đoạn đầu của chương trình OCOP khá nhiều sản phẩm dược liệu sơ chế xuất hiện trên kệ bán sản phẩm OCOP. Việc sơ chế rồi bán hoặc bán nguyên liệu thô cho các đối tác... còn phổ biến khi đơn vị còn đang phát triển vùng nguyên liệu hoặc khi năng lực sản xuất chế biến chưa lớn. Sản phẩm sơ cấp dạng này chủ yếu là các loại thuốc dân gian, dược liệu đóng gói, rượu thuốc, bột thuốc, dầu xoa... Tuy nhiên, các sản phẩm sơ chế hoặc bán nguyên liệu thô không phải ưu tiên của các đơn vị vì hiệu quả kinh tế thấp, tính cạnh tranh của sản phẩm không cao. Theo tính toán, giá trị kinh tế dạng sản phẩm thô chỉ bằng 15-20% so với các sản phẩm tinh chế. 

Giai đoạn hiện nay, các đơn vị đã có sự chuyển mình rõ rệt, đầu tư bài bản về công nghệ, dây chuyền sản xuất, năng lực thương mại sau khi ổn định vùng nguyên liệu. Vì thế, các sản phẩm sơ chế đã dần được thay thế bằng các sản phẩm tinh chế, có hàm lượng công nghệ cao, tiện dụng và chất lượng tốt hơn. Một tín hiệu đáng mừng là nhiều đơn vị đã có sự đầu tư lớn, bước đi bài bản trong hợp tác nâng cao chất lượng sản phẩm thay đổi quy cách sản xuất, bao bì nhãn mác và cả thị trường. 

Ngoài đầu tư lớn, nâng cao năng lực từ việc chuyển giao công nghệ, hợp tác về chuyên môn cũng là cách làm được một số đơn vị chọn. Tiêu biểu như: HTX Dược liệu xanh Đông Triều (Tràng Lương, Đông Triều) đã có sự hợp tác, liên kết về chuyên môn của Viện Dược liệu, Công ty CP Dược Khoa (Hà Nội). Đây là những đơn vị có kinh nghiệm uy tín hàng đầu trong lĩnh vực chế biến dược liệu và năng lực thương mại sản phẩm. Vì thế, những sản phẩm từ đơn giản như: Chè túi lọc tới các sản phẩm kẹo, cao ba kích, trà hoa vàng, actiso... đều được đánh giá cao, được bán rộng rãi ra các thị trường trong và ngoài tỉnh theo hệ thống tiêu thụ của các đối tác hợp tác. Đối với Dược liệu Đông Bắc, đơn vị đã hợp tác với các chuyên gia đầu ngành ở Đại học Dược, Học viện Y học dân tộc. Việc tiếp thị, bán sản phẩm cũng được các đối tác thực hiện bài bản, trên toàn quốc và qua các kênh bán hàng online.

FAF
Các sản phẩm chất lượng cao, được đầu tư công phu chiếm ưu thế so với các sản phẩm dược liệu sơ chế tại các kỳ hội chợ, Tuần kết nối người tiêu dùng sản phẩm OCOP.

 

Theo thống kê sơ bộ cho tới nay, trong khoảng gần 200 doanh nghiệp, HTX, cơ sở, hộ sản xuất tham gia sản xuất các sản phẩm OCOP thì có hơn 10 tổ chức, đơn vị sản xuất sản phẩm OCOP về dược liệu. Các đơn vị này sản xuất khoảng 30 đầu sản phẩm OCOP về dược liệu. Nhiều sản phẩm tinh chế trong số này được đánh giá cao, xếp hạng từ 3-4 sao. Với hướng đi này, các đơn vị sản xuất sản phẩm OCOP về dược liệu chiếm được thị trường khá tốt trong tỉnh, có sức cạnh tranh rộng toàn quốc.