Nông nghiệp hữu cơ, xu thế nhưng không dễ thực hiện

Nông nghiệp hữu cơ, xu thế nhưng không dễ thực hiện
Ngày 27/12, tại TP.HCM Diễn đàn quốc gia phát triển nông nghiệp hữu cơ lần thứ nhất với chủ đề “Giải pháp phát triển nông nghiệp hữu cơ Việt Nam” được Hiệp hội Nông nghiệp hữu cơ Việt Nam tổ chức. Lần đầu tiên sản xuất nông nghiệp hữu cơ (NNHC) được mổ xẻ.

Xu hướng phát triển, nhưng không dễ thực hiện

NNHC là một xu hướng phát triển của thế giới. Tại Việt Nam, NNHC được xây dựng và phát triển nhiều năm nay. Dù vậy việc sản xuất, phát triển và mang đến lợi nhuận không phải là chuyện dễ dàng.

lua soc trang
Mô hình liên kết sản xuất lúa đặc sản an toàn và hiệu quả trên vùng tôm - lúa

Hội thảo cho biết, hiện cả nước có 26 cơ sở trồng trọt hữu cơ ở 15 tỉnh, thành phố với tổng diện tích gần 4.100 ha. Các mô hình khá hiệu quả như nuôi cá basa hữu cơ tại An Giang, nuôi tôm sinh thái ở rừng ngập mặn Cà Mau đã có chứng nhận hữu cơ khoảng 10.000 ha xuất khẩu sang EU. Ngoài ra còn có 33 cơ sở sản xuất trồng trọt theo hướng hữu cơ, tức là mới chú trọng đến sử dụng phân bón hữu cơ, thuốc bảo vệ thực vật sinh học với gần 1.200 ha lúa, 90 ha rau, 285 ha nho và 79 ha táo. Một số sản phẩm hữu cơ đã có chỗ đứng vững trên thị trường như mật ong, rau, chè, thịt heo, tôm.

Để có sản phẩm NNHC được chứng nhận phải qua nhiều rào cản khác nhau từ khâu chăm sóc, kiểm định cho đến chế biến. Nhất là trong bối cảnh nguồn nước, không khí, điều kiện tự nhiên có nhiều biến động. Điều này đồng nghĩa với việc không phải nơi nào cũng có thể sản xuất NNHC. Anh hùng Lao động Hồ Quang Cua cho rằng để sản xuất NNHC đòi hỏi có thời gian và kiên trì đeo báo. Điều này các doanh nghiệp khó có thể thực hiện do quay vòng đồng vốn rất lâu trong khi sản phẩm NNHC bày bán trên thị trường rất nhiều chất lượng rất…khó nói.

Tại Cà Mau, trang trại Viễn Phú với thương hiệu gạo Hoa Sữa đã được sản xuất nhiều năm nay, nhưng xem ra chưa thật sự hiệu quả. Nguyên nhân là phụ thuộc quá nhiều vào thời tiết của vùng đất U Minh Hạ (Cà Mau). U Minh bây giờ không còn trong lành như trước, chính vì vậy việc chăm sóc NNHC trong điều kiện không thuốc BVTV, không phân hóa học là điều vô cùng khó khăn.

Sản xuất truyền thống rất khó thay đổi

Ông Lê Quốc Phong, Phó chủ tịch Hiệp hội Nông nghiệp hữu cơ Việt Nam, Tổng giám đốc Công ty CP Phân bón Bình Điền cho hay, diện tích đất nông nghiệp trên đầu người của Việt Nam chỉ bằng 8,7% trung bình của thế giới. Để đảm bảo an ninh lương thực, Việt Nam chỉ có một con đường duy nhất là tăng năng suất, mà muốn tăng năng suất thì chỉ có con đường sản xuất hóa học. Đây cũng là xu thế của các nước đang phát triển trên thế giới.

lua huu co tai ca mau
Lúa hữu cơ tại Cà Mau 

Theo ông Phong, nông nghiệp hữu cơ không thể phát triển theo phong trào ồ ạt mà phải dựa trên điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu của từng vùng. Đồng thời, cần xác định, lựa chọn chính xác chủng loại sản phẩm, quy mô, vùng sản xuất sản phẩm thích hợp với nhu cầu của từng thị trường để khai thác lợi thế so sánh về điều kiện tự nhiên, bảo đảm an ninh lương thực quốc gia, ưu tiên sản xuất cây trồng bản địa Việt Nam có giá trị cao, gắn với du lịch sinh thái, tuân thủ chặt chẽ các quy định quốc tế về tiêu chuẩn.

Dù vậy, Bình Điền những năm gần đây đã đẩy mạnh sản xuất phân bón hữu cơ với số lượng từ 40- 50.000 tấn/năm. Sắp tới công ty sẽ xây dựng nhà máy sản xuất phân bón hữu cơ tại Kiên Giang với công suất 200 000 tấn/năm, nâng dần tỷ trọng doanh số kinh doanh phân bón hữu cơ trong tổng doanh thu của công ty.

Được biết, Công ty Bình Điền đã đồng hành với Hiệp hội Nông nghiệp hữu cơ Việt Nam từ khi thành lập (30/10/2011), doanh nghiệp này đã cung cấp nhiều sản phẩm để các nhà sản xuất, trang trại, cơ sở… sản xuất NNHC trong thời gian qua.

Theo Hoàng Huy/nguoitieudung.com.vn