Tái cơ cấu nông nghiệp để phát triển bền vững

Thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, gắn với chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, huyện Ba Tơ (Quảng Ngãi) đã tạo nên sự thay đổi quan trọng trong phát triển kinh tế. Những thay đổi ấy đang từng bước ổn định, nâng cao đời sống người dân.
Người dân huyện Ba Tơ (Quảng Ngãi) vận chuyển cây giống trồng rừng.

Ba Tơ là huyện vùng cao của tỉnh Quảng Ngãi, địa hình phức tạp, nhiều núi cao, suối sâu chia cắt, với số dân hơn 57.600 người, trong đó đồng bào dân tộc Hơ Rê chiếm 84%, còn lại là dân tộc Kinh và các dân tộc khác. Phó Chủ tịch UBND huyện Ba Tơ Bùi Nam Giang cho biết, trước đây, do đời sống nhân dân còn nhiều khó khăn, nguồn thu của huyện hạn chế, cho nên việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng chưa tương xứng với tiềm năng đất đai; chưa thực hiện được chủ trương dồn điền đổi thửa, chỉnh trang đồng ruộng; tình trạng sử dụng đất nông nghiệp mang nặng tính tự phát, không theo quy hoạch, không đúng mục đích sử dụng đất còn xảy ra. Chăn nuôi phát triển một cách tự phát, không đúng định hướng, phân tán, manh mún, nhỏ lẻ, ảnh hưởng đến quản lý giống, dịch tễ và tiêm phòng. Việc chăn thả tập trung và quản lý giống không tốt dẫn đến tình trạng phối giống cận huyết làm suy giảm chất lượng đàn trâu, bò, heo. Diện tích rừng tăng nhưng chất lượng, tính đa dạng sinh học lại giảm; công tác phát triển rừng phòng hộ chưa được đầu tư đúng mức, diện tích đất trồng rừng phòng hộ ngày càng thu hẹp, tỷ lệ trồng mới đạt thấp, tình trạng khai thác rừng nguyên liệu khi còn non vẫn phổ biến, làm năng suất, chất lượng sản phẩm nguyên liệu giảm. Chưa có được nhiều mô hình kinh tế trang trại đạt hiệu quả cao. Việc đầu tư trồng rừng gỗ lớn còn nhỏ lẻ, chưa tương xứng với tiềm năng của địa phương.

Để nâng cao đời sống người dân, ổn định tình hình chính trị, trật tự an toàn xã hội, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện Ba Tơ lần thứ 18 đã đề ra mục tiêu trọng tâm trong phát triển kinh tế là, thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, phát triển bền vững, gắn với Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới. Theo đó, chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo hướng dựa vào lợi thế từng vùng, gắn với thị trường tiêu thụ; sản xuất tập trung theo hướng sản xuất hàng hóa, xây dựng các mô hình cánh đồng lớn cho vùng nguyên liệu mía, tiêu, chuối... áp dụng khoa học công nghệ và tổ chức sản xuất theo chuỗi giá trị để nâng cao hiệu quả. Liên kết từ sản xuất, thu mua, chế biến sản phẩm trồng trọt đối với cây mía giữa Nhà máy đường Phổ Phong với các xã Ba Động, Ba Vì trên diện tích 26,52 ha, áp dụng cơ giới hóa đồng bộ từ khâu trồng đến thu hoạch. Chính quyền và ngành chức năng của huyện chủ động tìm kiếm thị trường, tiêu thụ sản phẩm đối với các cây trồng như sachi, mít, bơ, thơm (dứa), chuối nhằm khuyến khích nông dân sản xuất, làm ra nhiều sản phẩm. Gần 200 ha đất trồng lúa kém hiệu quả, được chuyển đổi sang trồng các loại cây khác như ngô, lạc, khoai lang, cỏ phục vụ chăn nuôi. Chủ tịch UBND xã Ba Dinh Phạm Văn Ôn chia sẻ: “Mô hình trồng lạc trên đất lúa được triển khai tại thôn Đồng Dinh với quy mô 2 ha của tám hộ nông dân, năng suất ước đạt 27,6 tạ/ha. Sau khi trừ các chi phí, người dân thu lãi hơn 13 triệu đồng/ha.Thông qua mô hình, bà con lựa chọn được cây trồng phù hợp với diện tích đất lúa thiếu nước tưới, tận dụng thời gian nhàn rỗi, thu nhập gấp hai lần so với trồng lúa, lại có điều kiện tiếp cận khoa học kỹ thuật trong việc trồng trọt”. Còn anh Phạm Văn Hỉa ở xã Ba Tô, phấn khởi: “Nhờ trồng thêm lạc, ngô ở bãi bồi ven sông, kết hợp trồng keo lá tràm cung cấp cho các nhà máy dăm gỗ, đời sống người dân được cải thiện. Việc có điện và đường bê-tông không chỉ giúp bà con thuận lợi trong sinh hoạt mà còn trong phát triển kinh tế gia đình”.

Về chăn nuôi, huyện Ba Tơ đề ra mục tiêu phát triển theo phương thức công nghiệp, bán công nghiệp, an toàn dịch bệnh; người dân từng bước áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, đưa các loại giống vật nuôi có năng suất, chất lượng, có giá trị kinh tế vào sản xuất. Với đàn trâu, Ba Tơ chủ trương duy trì số lượng đàn 28 nghìn con, tập trung nâng cao chất lượng và trọng lượng. Với đàn bò là nâng chất lượng kết hợp với số lượng, ổn định đàn lợn và gia cầm. Toàn huyện có tám trang trại chăn nuôi với doanh thu hơn một tỷ đồng/năm, sáu hộ chăn nuôi lợn đạt tiêu chí gia trại; bước đầu thực hiện liên kết với các doanh nghiệp để cung cấp thức ăn chăn nuôi và mở rộng thị trường tiêu thụ ra ngoài huyện. Trung tâm Khuyến nông huyện Ba Tơ liên tục mở các lớp tập huấn cho nông dân áp dụng quy trình kiểm soát và chăn nuôi an toàn dịch bệnh, xử lý chất thải trong chăn nuôi bằng công nghệ khí sinh học, cải tạo hoặc đưa giống mới vào chăn nuôi. Tận dụng mặt nước các công trình thủy lợi trên địa bàn như hồ Núi Ngang, Suối Loa, Tôn Dung… để nuôi các loại cá phù hợp, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng tại chỗ; đồng thời khuyến khích, hỗ trợ các hộ dân đào ao nuôi các loại cá có giá trị kinh tế cao.

Nhờ sự quan tâm của Đảng và Nhà nước với nhiều chính sách hỗ trợ như chương trình Hỗ trợ phát triển An toàn khu; chương trình Giảm nghèo Tây Nguyên; chính sách giảm nghèo nhanh và bền vững theo Nghị định 30a… bên cạnh đó là tinh thần đoàn kết của đồng bào các dân tộc trong huyện, những năm gần đây, tình hình kinh tế - xã hội của Ba Tơ có những bước chuyển nhanh chóng, tích cực. Cơ sở hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội được xây dựng đều khắp 20 xã, thị trấn, trong đó huyện lỵ Ba Tơ đạt 40 trong số 49 tiêu chí đô thị loại 5. Các thôn, xã đều có điện lưới với 98% số hộ dân được dùng điện; 116 công trình giao thông nông thôn, thủy lợi, cầu cống, trường học, trạm y tế, nước sạch, vệ sinh môi trường, nhà sinh hoạt cộng đồng được xây mới. Những tập quán, phong tục lạc hậu như tảo hôn, chôn tài sản có giá trị theo người chết, cúng bái khi đau ốm… từng bước được đẩy lùi, góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, tạo thế ổn định bền vững tại địa phương.

 

Bài và ảnh: Thanh Tùng/nhandan.com.vn