Tiêu chuẩn hóa sẽ thúc đẩy nông nghiệp hữu cơ phát triển bền vững

Tiêu chuẩn hóa sẽ thúc đẩy nông nghiệp hữu cơ phát triển bền vững
Ông Nguyễn Nam Hải – Phó Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng (TCĐLCL) cho hay, để tiêu chuẩn về nông nghiệp hữu cơ được đưa sâu rộng vào cuộc sống và được người tiêu dùng chấp nhận, không có sự lẫn lộn trên thị trường với các sản phẩm khác, thì chúng ta phải chấp nhận chúng như một tiêu chí kỹ thuật đưa vào thực tiễn.

Thời gian gần đây, trước nhu cầu ngày càng tăng của người tiêu dùng Việt Nam đối với các sản phẩm an toàn, xanh, sạch và thân thiện với môi trường, nhiều tổ chức, cá nhân đã tham gia vào các hoạt động đầu tư, sản xuất, nuôi trồng chế biến, kinh doanh các sản phẩm nông nghiệp hữu cơ.

Mặc dù vậy, thị trường cho sản phẩm nông nghiệp hữu cơ tại Việt Nam hiện còn rất mới, các hoạt động áp dụng và chứng nhận sự phù hợp với các tiêu chuẩn hữu cơ, công bố, gắn nhãn cho sản phẩm nông nghiệp hữu cơ,... còn chưa được triển khai rộng rãi, không phổ biến, thiếu thông tin minh bạch và chưa trở thành một nhu cầu tất yếu đối với cả người sản xuất và người tiêu dùng.

Để giải quyết vấn đề trên, Tổng cục TCĐLCL - Bộ Khoa học và Công nghệ, đã tổ chức xây dựng bộ Tiêu chuẩn quốc gia (TCVN) về nông nghiệp hữu cơ và trình Bộ Khoa học và Công nghệ công bố vào cuối năm 2017 với số hiệu TCVN 11041:2017. Nhóm các tiêu chuẩn đầu tiên trong bộ tiêu chuẩn này bao gồm Phần 1, 2, 3 của tiêu chuẩn TCVN 11041 đề cập một cách toàn diện tới quá trình sản xuất, chế biến, ghi nhãn sản phẩm nông nghiệp hữu cơ và các hướng dẫn cụ thể về nội dung này trong hoạt động trồng trọt và chăn nuôi và tiêu chuẩn TCVN 12134 đưa ra các yêu cầu đối với tổ chức đánh giá, chứng nhận hệ thống sản xuất và chế biến sản phẩm hữu cơ.

Các tiêu chuẩn này khi được phổ biến và đưa vào triển khai rộng rãi trong hoạt động sản xuất, kinh doanh sẽ góp phần thúc đẩy hoạt động sản xuất nông nghiệp nói chung và hoạt động sản xuất hữu cơ nói riêng, hỗ trợ cho việc triển khai thực hiện Nghị định về nông nghiệp hữu cơ số 109/2018/NĐ-CP đã được Chính phủ ban hành vào ngày 29/8/2018 và góp phần gia tăng giá trị sản phẩm, chất lượng sản phẩm, hàng hoá lưu thông trong nước và xuất khẩu, phù hợp với mục tiêu của Chương trình quốc gia “Nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm hàng hóa của doanh nghiệp Việt Nam đến năm 2020”.

'Ông Nguyễn Nam Hải – Phó Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng (Bộ KH&CN). (Ảnh: VietQ)'

Ông Nguyễn Nam Hải – Phó Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng (Bộ KH&CN). (Ảnh: VietQ)

Tại Hội thảo khoa học “Tiêu chuẩn hóa thúc đẩy nông nghiệp hữu cơ phát triển bền vững” diễn ra vào sáng 20/9, ông Nguyễn Nam Hải cho hay, trong năm 2017, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng các chuyên gia, hiệp hội cũng như nhiều đơn vị đã phối hợp xây dựng bộ tiêu chuẩn về nông nghiệp hữu cơ. Đây là bộ tiêu chuẩn thể hiện nỗ lực lớn của cơ quan quản lý nhà nước đối với việc thúc đẩy sản xuất sản phẩm nông nghiệp hữu cơ phát triển, góp phần quản lý chất lượng sản phẩm nông nghiệp hữu cơ.

“Ban hành tiêu chuẩn này là một trong những nỗ lực của cơ quan quản lý. Tiêu chuẩn được xây dựng theo định hướng tiêp cận tiêu chuẩn quốc tế nhưng có sự điều chỉnh phù hợp với điều kiện sản xuất, kinh doanh của Việt Nam. Điều này thực sự giúp các cơ sở sản xuất tiếp cận thị trường có hiệu quả”, ông Hải nói.

Cũng tại hội thảo này, các chuyên gia đầu ngành đến từ Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, TCĐLCL, Hiệp hội Nông nghiệp hữu cơ Việt Nam, các tổ chức tư vấn, chứng nhận và đại diện các doanh nghiệp cũng đã nhau chia sẻ về những chính sách mới của Chính phủ liên quan đến phát triển nông nghiệp hữu cơ, những thông tin hữu ích về bộ tiêu chuẩn quốc gia nông nghiệp hữu cơ, đồng thời gợi mở các giải pháp thúc đẩy áp dụng các tiêu chuẩn này trong thực tiễn, minh bạch thông tin thông qua các hoạt động chứng nhận, truy xuất nguồn gốc giúp kiểm soát chất lượng trong chuỗi sản xuất hữu cơ và người tiêu dùng nhận diện được các sản phẩm nông nghiệp “chuẩn” hữu cơ.

'Quang cảnh buổi hội thảo (Ảnh: VietQ).'

Quang cảnh buổi hội thảo (Ảnh: VietQ).

Hội thảo cũng đề cập đến vai trò và trách nhiệm của các cơ quan quản lý Nhà nước trong việc hỗ trợ các tổ chức, cá nhân thực thi các chính sách, áp dụng quy trình kỹ thuật trong sản xuất, kinh doanh. Đồng thời thể hiện sự cam kết của các doanh nghiệp trong việc thực thi chính sách về thực phẩm hữu cơ, kiểm soát chuỗi cung ứng thực phẩm hữu cơ.

Trên nền bộ tiêu chuẩn quốc gia về nông nghiệp hữu cơ được xem như hạ tầng kỹ thuật cho hoạt động sản xuất, chế biến sản phẩm nông nghiệp hữu cơ cùng với các biện pháp quản lý đã được đề cập tại Nghị định 109/2018/NĐ-CP chính sách phát triển nông nghiệp hữu cơ của Chính phủ được kỳ vọng sẽ chắp cánh cho nền nông nghiệp hữu cơ tại Việt Nam phát triển bền vững trong giai đoạn tới.

Tác giả bài viết: S.H

Nguồn tin: dantri.com.vn