“Trái ngọt” từ Chương trình OCOP Quảng Ninh

Học hỏi kinh nghiệm từ phong trào “Mỗi làng một sản phẩm” (OVOP) của nước bạn Nhật Bản, với cách làm sáng tạo và sự quyết tâm từ phía lãnh đạo chính quyền địa phương, Chương trình “Mỗi xã, phường một sản phẩm” (OCOP) đã được Quảng Ninh thực hiện thành công, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân, phát triển kinh tế vùng nông thôn.

Lấy Quảng Ninh làm hình mẫu, tháng 5/2018, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 490/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình “Mỗi xã Một sản phẩm giai đoạn 2018 - 2020” (OCOP) để triển khai trên phạm vi cả nước. Đây cũng là nhiệm vụ trong triển khai chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới.

Từ OVOP đến OCOP

Được khởi xướng bởi Tiến sĩ người Nhật Bản Morihiko Hiramatsu vào năm 1979, phong trào OVOP đã nhanh chóng trở thành điển hình của việc phát triển sản phẩm nông thôn trên cơ sở tận dụng các nguồn lực địa phương.

Thành công của phong trào OVOP đã nhân rộng tại nhiều nơi trên thế giới. Tại Đông Nam Á, Thái Lan là một trong những nước triển khai thành công nhất phong trào OVOP bằng chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OTOP). Từ đó, khích lệ các nước thành viên khác của ASEAN áp dụng vào các mô hình mang sắc thái riêng của mình tại Brunei, Malaysia, Campuchia...

Nhận thấy những ưu điểm và tiềm năng lớn từ mô hình OVOP, từ năm 2005, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã phát động xây dựng phong trào “Mỗi làng một nghề” ở Việt Nam. Tuy nhiên, kết quả phát triển làng nghề chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế, yêu cầu phát triển.

Khi Quảng Ninh bắt tay triển khai Chương trình OCOP và nhận được những “trái ngọt” đầu tiên, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã quyết định lựa chọn tỉnh làm hình mẫu nhân rộng cả nước cũng như xây dựng đề án “Mỗi xã, một sản phẩm”.

trai ngot tu chuong trinh ocop quang ninh
Đoàn công tác của Quảng Ninh học tập kinh nghiệm triển khai phong trào OVOP tại Oita, Nhật Bản năm 2016. (Nguồn: Báo Quảng Ninh)

Vì là mô hình lần đầu tiên được triển khai ở Việt Nam, lại được chọn làm tỉnh thí điểm, chưa có tiền lệ về phương pháp luận, cơ chế chính sách, mô hình hiệu quả để học tập, ngay từ đầu Quảng Ninh đã cử những cán bộ chủ chốt giành thời gian tìm hiểu, nghiên cứu các chuyên đề quốc tế về phong trào OVOP tại các nước khu vực Đông Bắc Á, Đông Nam Á, châu Phi… Cùng với đó, tỉnh đã tổ chức Đoàn công tác học tập kinh nghiệm của Nhật Bản, Thái Lan. Đồng thời, nghiên cứu, xem xét, đánh giá hiệu quả của các chương trình hỗ trợ sản xuất, các chính sách hiện hành, hiệu quả của các mô hình đã triển khai tại Việt Nam.

Từ đó, trên cơ sở phong trào OVOP Oita, năm 2013, Quảng Ninh đã phê duyệt Đề án OCOP giai đoạn 2013 - 2016 với mục tiêu: Phát triển các hình thức tổ chức sản xuất kinh doanh các sản phẩm truyền thống góp phần tái cơ cấu nền kinh tế theo hướng phát triển nội sinh và gia tăng giá trị; thực hiện có hiệu quả nhóm tiêu chí “Kinh tế và hình thức tổ chức sản xuất” trong Bộ tiêu chí Quốc gia về xây dựng nông thôn mới; hạn chế việc giảm dân số nông thôn di cư ra thành phố, bảo vệ môi trường, ổn định xã hội nông thôn.

Học tập kinh nghiệm của OVOP Nhật Bản, chương trình OCOP Quảng Ninh cũng được thực hiện dựa trên 3 nguyên tắc cơ bản: Hành động địa phương, hướng đến toàn cầu; tự lực, tự tin và sáng tạo; đào tạo nguồn nhân lực.

Cùng với đó, chương trình OCOP xác định 2 đối tượng quan trọng là sản phẩm và tổ chức kinh tế (tập trung vào HTX, doanh nghiệp vừa và nhỏ). Do vậy, chương trình OCOP được thiết kế để các chủ thể sản xuất (từ cá thể, hộ sản xuất, Tổ hợp tác, HTX, doanh nghiệp) có sự chủ động về ý tưởng sản phẩm, xác định thị trường, chủ động sản xuất, chế biến, tiêu thụ. Nhà nước đóng vai trò tạo sân chơi, hỗ trợ chính sách, xúc tiến thương mại.

Với các giải pháp tích cực, sau 5 năm triển khai, chương trình OCOP trở thành thương hiệu riêng của Quảng Ninh, khẳng định là hướng đi đúng góp phần tái cơ cấu ngành nông nghiệp, nâng cao giá trị giá trị sản xuất.

Toàn tỉnh đã phát triển được 294 sản phẩm OCOP, trong đó có 131 sản phẩm đã được đánh giá xếp hạng. Các sản phẩm OCOP Quảng Ninh ngày càng được nâng cao về chất lượng, đa dạng về chủng loại, mẫu mã bao bì được cải thiện và được người tiêu dùng tin cậy.

Việc mua các sản phẩm OCOP cũng ngày càng dễ dàng hơn khi người tiêu dùng có thể lựa chọn sản phẩm ngay tại các trung tâm, điểm bán và giới thiệu sản phẩm OCOP tại mỗi địa phương.

Tập trung vào sản phẩm chủ lực

Tiếp đà thành công, nhằm tiếp tục phát triển Chương trình OCOP theo hướng bền vững, mới đây UBND tỉnh Quảng Ninh đã ban hành văn bản phê duyệt danh mục các sản phẩm OCOP chủ lực cấp tỉnh và định hướng sản phẩm OCOP (Chương trình mỗi xã, phường một sản phẩm) cấp quốc gia giai đoạn 2018 - 2020.

Theo đó, danh mục chuỗi sản phẩm OCOP chủ lực cấp tỉnh có 12 sản phẩm gồm: du lịch làng quê Yên Đức và các sản phẩm du lịch trải nghiệm văn hóa làng quê; gốm sứ mỹ nghệ; nước khoáng thiên nhiên Quang Hanh và các sản phẩm từ nước khoáng Quang Hanh.

Tiếp đến là: mực và các sản phẩm từ mực; ba kích và các sản phẩm từ ba kích; chè Đường Hoa và các sản phẩm từ chè; hàu và các sản phẩm từ hàu; miến dong Bình Liêu; ngọc trai Hạ Long và các sản phẩm chế tác từ ngọc trai; lợn Móng Cái và các sản phẩm từ lợn Móng Cái; trà hoa vàng và các sản phẩm từ trà hoa vàng; gà Tiên Yên và các sản phẩm từ gà Tiên Yên.

Hiện tổng số sản phẩm tham gia chương trình OCOP của tỉnh Quảng Ninh đã lên 362 sản phẩm (nhóm thực phẩm 179, đồ uống 60, thảo dược 46, thủ công mỹ nghệ 7, dịch vụ 2); trong đó, 131 sản phẩm đã đạt sao (7 sản phẩm đạt 5 sao, 56 sản phẩm đạt 4 sao, 68 sản phẩm đạt 3 sao). Có 145 tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp tham gia OCOP; trong đó có 44 doanh nghiệp, 64 hợp tác xã, 56 hộ sản xuất. 

Doanh thu từ sản phẩm OCOP Quảng Ninh ngày càng cao, trong 6 tháng đầu năm 2018 đạt trên 239 tỷ đồng, tăng 7,4% so với cùng kỳ 2017; lợi nhuận đạt 27,7 tỷ đồng, tăng 10% so với cùng kỳ 2017; tạo việc làm cho 3.532 lao động với mức thu nhập bình quân từ 5-9 triệu đồng/người/tháng. 

trai ngot tu chuong trinh ocop quang ninh
Hội chợ OCOP Quảng Ninh 2017 thu hút hàng nghìn lượt khách mỗi ngày. (Nguồn: QTV)

Tính đến thời điểm hiện tại, trên địa bàn toàn tỉnh Quảng Ninh có 29 trung tâm, cửa hàng, điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP. Trong số đó, hiện có 10/29 điểm bán hàng OCOP được hỗ trợ từ ngân sách, còn lại đều do các thành phần kinh tế tham gia đầu tư vào hệ thống trung tâm, cửa hàng, điểm giới thiệu sản phẩm OCOP. Nhờ đó, hệ thống cơ sở vật chất tại các điểm bán sản phẩm đã từng bước được đầu tư kiên cố, khang trang, lịch sự, hiện đại, đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng, du khách trong và ngoài nước.

Các sản phẩm đều đạt tiêu chuẩn từ 3 - 5 sao; được cấp giấy chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm, nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận, chỉ dẫn địa lý và khẳng định thương hiệu trên thị trường; được người tiêu dùng tin tưởng. Mặt khác, hoạt động của các trung tâm, cửa hàng OCOP đã góp phần giải quyết việc làm cho lao động trên địa bàn, hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm và tạo động lực cho sản xuất phát triển.

Theo UBND tỉnh Quảng Ninh, Tuần xúc tiến tiêu thụ sản phẩm OCOP Quảng Ninh năm 2018 (OCOP - Chương trình mỗi xã phường một sản phẩm) sẽ được triển khai trong quý IV/2018.

Theo đó, tỉnh sẽ tổ chức 3 ngày/tuần (vào các ngày cuối tuần của tháng) theo hình thức chuỗi sự kiện lưu động trên địa bàn các địa phương: thị xã Đông Triều, Quảng Yên, huyện Hải Hà, thành phố Móng Cái và Cẩm Phả nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã và cơ sở sản xuất sản phẩm OCOP Quảng Ninh mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm tại các khu vực chợ truyền thống, khu công nghiệp, khu dân cư.

Theo Thu Cúc/baoquocte.vn