Để giống liền vụ - kéo lùi sản xuất

Để giống liền vụ - kéo lùi sản xuất
Hiện nay, trên địa bàn Hà Tĩnh chỉ có khoảng 30% giống gieo trồng đạt cấp nguyên chủng, xác nhận; 70% giống còn lại do người dân tự để, dùng liền vụ. Thực trạng này đang kéo giảm năng suất, phá vỡ độ thuần của giống, khả năng ứng phó với biến đổi khí hậu thấp.

Để giống liền vụ - kéo lùi sản xuất

Thu hoạch bằng máy gặt đập liên hợp sẽ khó tránh khỏi giống bị lẫn nếu bà con tự để giống

Năm nào cũng vậy, cứ vụ xuân, ông Nguyễn Văn Thuận - thôn Tiến Bộ, xã Thạch Tân (Thạch Hà) cũng dành khoảng 2 - 3 sào để làm giống. Những ruộng này, ông sẽ đầu tư loại giống nguyên chủng để khi thu hoạch thì dành lại làm giống cho vụ hè thu kế tiếp. Ông Thuận cho biết: “Thường thì số giống này sẽ để lại sản xuất trong 2- 3 vụ kế tiếp. Biết rằng sản xuất sẽ kém hiệu quả nhưng nhà nào cũng làm như vậy, đầu vụ sản xuất mới chúng tôi lại đổi giống cho nhau để sản xuất hè thu”.

Vụ xuân 2019, xã Kỳ Văn (huyện Kỳ Anh) sản xuất 150 ha giống lúa thuần VTNA2, nhưng chỉ 30 ha là được dự án WB7 hỗ trợ giống xác nhận 1, còn lại chủ yếu là do bà con tự để giống từ vụ trước. Ông Trần Ngọc Kính - Chủ tịch HND xã cho biết: “Bà con tự để giống từ vụ trước cho vụ sau nên mật độ đồng đều thấp, năng suất thấp thua hơn so với bản chất giống”. Theo tính toán thì năng suất của những cánh đồng do bà con tự để giống thấp hơn khoảng 20% cánh đồng sử dụng giống xác nhận 1.

Để giống liền vụ - kéo lùi sản xuất

Điều kiện sản xuất ngày càng khó khăn, đối mặt với nhiều loại sâu bệnh trên lúa

Đây cũng là lý do khiến cho các loại sâu bệnh tấn công trên giống này ở một số địa phương mấy năm trước. Hầu như các diện tích bị nhiễm sâu bệnh nặng đều là từ loại giống do bà con tự để giống và dùng giống liền vụ.

Chưa kể những thất thu về ngoại cảnh tác động như sâu bệnh, thiên tai thì một bài toán phân tích rất rõ ràng rằng, bà con tiết kiệm được 3 - 5 cân giống đầu tư đầu vụ (khoảng trên 100 nghìn đồng), đổi lại cuối vụ tụt giảm năng suất khoảng 15% thì số tiền mất đi có thể gấp 4 lần so với tiền đầu tư giống ban đầu.

Ông Nguyễn Trí Hà - Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt - BVTV tỉnh, cho biết: “Sản xuất lúa ở Hà Tĩnh vẫn tồn tại thực trạng bà con nông dân tự để giống và sử dụng giống liền vụ. Điều này sẽ khiến cho tỷ lệ nảy mầm thấp, khiến cho quá trình ngâm ủ rất khó khăn. Đồng thời, làm cho độ thuần của giống thấp, năng suất cuối vụ sẽ tụt giảm, sức chống chịu với sâu bệnh kém”.

Để giống liền vụ - kéo lùi sản xuất

Bà cocan nông dân Cẩm Xuyên nạo vét mương, chuẩn bị cho vụ hè thu

Biến đổi khí hậu ngày càng khó khăn với những dạng thời tiết cực đoan liên tục xảy ra. Chỉ ít ngày nữa, vụ hè thu 2019 sẽ đồng loạt xuống giống. Ngành nông nghiệp khuyến cáo bà con nên lựa chọn đầu tư hợp lý trong sản xuất, trong đó sử dụng giống xác nhận 1, xác nhận 2 cho sản xuất lúa hàng hóa, nhằm giữ ổn định năng suất thực của giống, cũng giảm thiểu những tác động không đáng từ giống.

Theo Tuệ Anh/baohatinh.vn