Nông nghiệp công nghệ cao và nút thắt tín dụng

Sản xuất nông nghiệp theo công nghệ cao hiện được đặc biệt quan tâm, bởi đó không chỉ là bài toán lỗ lãi khi kinh doanh, mà còn là câu chuyện về tái cấu trúc nền nông nghiệp Việt Nam. Muốn làm được điều đó, các chuyên gia cho rằng: điểm mấu chốt là tháo nút thắt cho vấn đề tín dụng!
Nông nghiệp công nghệ cao đang rất ”đói” vốn. Ảnh: TRUNG HƯNG

Tín hiệu từ ngân hàng

Tín dụng cho nông nghiệp nói chung và nông nghiệp công nghệ cao nói riêng là vấn đề khiến không chỉ các doanh nghiệp nông nghiệp ”đau đầu” mà cả các ngân hàng cũng ”lao tâm khổ tứ”. Hai bên đều cần nhau, nhưng vì sao đến với nhau khó vậy là chuyện ”biết rồi, khổ lắm, nói mãi”. Tại Hội thảo “Giải pháp nâng cao hiệu quả đầu tư tín dụng nông nghiệp công nghệ cao” vừa được tổ chức tại Hà Nội, báo cáo của Ngân hàng Nhà nước đã cho thấy một vài tín hiệu vui.

Theo đó, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc về việc triển khai gói tín dụng 100.000 tỷ đồng cho nông nghiệp công nghệ cao, đến nay đã có 8 ngân hàng thương mại đăng ký số vốn hơn 100.000 tỷ đồng dành cho các đối tượng đầu tư công nghệ cao trong nông nghiệp, nông thôn; tổng dư nợ cho vay lĩnh vực này gần 32.340 tỷ đồng với 4.125 khách hàng; trong đó, 3.957 khách hàng cá nhân và 168 doanh nghiệp.

Có thể điểm qua một số dự án lớn ứng dụng công nghệ cao bước đầu phát huy hiệu quả, như BacABank đầu tư vào một số dự án lớn thuộc lĩnh vực chăn nuôi bò sữa và chế biến sữa, chế biến gỗ, trồng rau và hoa trong nhà kính, bảo tồn và phát triển nguồn dược liệu chất lượng cao, rau củ quả chất lượng cao và lúa chất lượng cao; Vietcombank đầu tư vào các dự án sản xuất trứng sạch, lợn giống và chăn nuôi lợn, thức ăn chăn nuôi; đặc biệt, Agribank đã đưa ra gói tín dụng 50.000 tỷ đồng cho vay ưu đãi với lãi suất giảm 0,5 - 1,5%/năm so lãi suất cho vay thông thường đối với các chương trình, dự án nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch.

Tuy vậy, khó khăn vẫn còn rất nhiều. Theo ông Trần Văn Tần, Phó Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (Ngân hàng Nhà nước), vốn đầu tư cho dự án nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch thường rất lớn và giá thành trên một đơn vị sản phẩm khá cao, trong khi hầu hết sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp sạch lại thiếu thị trường tiêu thụ ổn định, chưa có đủ công cụ cần thiết để phân biệt và bảo vệ sản phẩm nên hiệu quả đầu tư còn hạn chế.

Một bất cập nữa là các công trình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao như nhà kính, nhà lưới... chưa được cơ quan có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu tài sản trên đất nông nghiệp, gây khó khăn cho doanh nghiệp trong việc làm thủ tục đăng ký giao dịch bảo đảm, thế chấp cho khoản vay tại ngân hàng.

Để không chỉ là phong trào?

Nông nghiệp công nghệ cao đang thu hút sự quan tâm rất lớn từ cộng đồng doanh nghiệp. Vì thế, việc làm thế nào để tránh nó biến phong trào, nhanh phát nhanh tàn, dẫn đến hậu quả là không tạo được cú hích thực sự, quá trình chuyển đổi thiếu bền vững, hoặc gây ra méo mó thị trường là vấn đề mà nhiều chuyên gia kinh tế quan tâm. Tiến sĩ Võ Trí Thành, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cho rằng, cần có thông tin rõ ràng về tiêu chí xác định nông nghiệp công nghệ cao, từ đó có chính sách tín dụng hỗ trợ hợp lý, đúng đối tượng.

Một trong những yếu tố quan trọng cần được chú ý để chia sẻ rủi ro cho doanh nghiệp và nông dân, cũng là cách góp phần tháo gỡ nút thắt tín dụng, là phải hoàn thiện cơ chế bảo hiểm sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao khi vốn đầu tư lớn và rủi ro lớn. Mô hình sản xuất theo công nghệ cao cần đáp ứng được 3 yêu cầu cơ bản là: Có lợi thế về quy mô, tạo khả năng tốt hơn trong hấp thụ vốn và công nghệ; Phải gắn vào chuỗi giá trị, từ nghiên cứu và phát triển, tạo giống, trồng trọt, thu hoạch, sơ chế/tinh chế đến phân phối tiêu thụ; Phải gắn bó về mặt kinh tế - xã hội với cuộc sống của người nông dân, tính đến đặc thù vùng miền, dân tộc và đảm bảo khả năng “mặc cả” của người nông dân trong chuỗi.

Nhiều doanh nghiệp khẳng định rằng nếu tiếp cận được nguồn vốn vay ưu đãi từ ngân hàng thì việc đầu tư vào nông nghiệp công nghệ cao sẽ có đường đi thông thoáng hơn rất nhiều. Bà Phạm Thị Huân, Giám đốc Công ty TNHH Ba Huân chia sẻ: ”Khi đại dịch cúm gia cầm lần đầu bùng phát, nhờ có nguồn vốn tín dụng của ngân hàng, Ba Huân là doanh nghiệp đầu tiên nhập hệ thống dây chuyền xử lý trứng gia cầm của Tập đoàn Moba (Hà Lan), đánh dấu mốc quan trọng của Ba Huân trong quá trình công nghiệp hóa các sản phẩm nông nghiệp.

Từ bước đi đầu tiên đó, công ty đã tiếp tục đầu tư thiết bị cho quy trình chăn nuôi công nghệ cao, nhà máy chế biến thực phẩm, tạo chuỗi an toàn từ trang trại đến bàn ăn phục vụ cộng đồng. Đến nay, công ty đã mở rộng sản xuất ra miền Bắc với Nhà máy xử lý trứng gia cầm công nghệ cao tại huyện Phúc Thọ (Hà Nội). Ba Huân đã và đang liên kết với người chăn nuôi tạo thành chuỗi liên kết khép kín”. ”Hiện có nhiều doanh nghiệp muốn sản xuất sạch, nhưng phải dừng bước hoặc nhắm mắt làm ngơ bởi không chịu được nguồn vốn quá lớn; do đó, đề nghị Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ thí điểm về nguồn vốn cho sản xuất nông nghiệp sạch. Đó không chỉ thể hiện mối quan tâm với ngành nông nghiệp mà còn là xu hướng để có chất lượng cuộc sống tốt đẹp nhất cho cộng đồng”, bà Phạm Thị Huân phân tích.

Đại diện DNTN Thủy sản Đắc Lộc (Phú Yên) cho biết, trong thời gian qua, doanh nghiệp được tiếp cận nguồn vay ưu đãi từ ngân hàng nên có điều kiện phát triển. Tuy nhiên, do nghề nuôi và sản xuất tôm khá đặc thù nên rất cần tiếp tục được hưởng những khoản vay ưu đãi trong gói tín dụng nông nghiệp công nghệ cao.

Một số doanh nghiệp nông nghiệp cho rằng cần thống nhất cách hiểu về bản chất của nông nghiệp công nghệ cao để xác định đối tượng được hưởng các chính sách ưu đãi. Đó là một phương thức sản xuất chứ không phải mô hình kinh tế, phải gắn liền với chuỗi giá trị.

Để nút thắt tín dụng được tháo, phải làm sao để chính người nông dân khi tham gia vào chuỗi này cũng phải chịu sự ràng buộc, cam kết về mặt chất lượng sản phẩm. Lúc đó, người nông dân sẽ trở thành nhà cung ứng, được ưu đãi nhiều về điều kiện sản xuất, được đào tạo, trả lương.

Bên cạnh đó, để chuỗi giá trị thực sự thành công, cần phải có giải pháp để thông tin thị trường được cập nhật thường xuyên và minh bạch, giúp người nông dân và cả nền kinh tế không bị lạc hậu thông tin, giúp quá trình sản xuất ổn định về cung - cầu.

Các chính sách tín dụng cũng cần khuyến khích các doanh nghiệp có liên kết, hợp tác với nông dân nhằm đầu tư mở rộng sản xuất, gắn với chế biến tiêu thụ; xây dựng “cánh đồng mẫu lớn” để nâng cao giá trị gia tăng sản phẩm, làm cơ sở xây dựng thương hiệu có uy tín trên thị trường.

Phó Vụ trưởng Vụ tín dụng Trần Văn Tần cho rằng, Ngân hàng Nhà nước cần kiến nghị Bộ NN&PTNT phối hợp với Bộ Công thương đánh giá, dự báo và cảnh báo về nhu cầu thị trường đối với sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao làm cơ sở định hướng phát triển nông nghiêp công nghệ cao; đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại, hỗ trợ các doanh nghiệp tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm để việc triển khai chương trình tín dụng nông nghiệp công nghệ cao đạt hiệu quả.

 

Mộc Miên/nongthonviet.com