Sản xuất hữu cơ: Hướng đi của nông nghiệp Việt

Sản xuất hữu cơ: Hướng đi của nông nghiệp Việt
Diện tích nuôi trồng hữu cơ trên cả nước hiện tăng gấp 6 lần trong 8 năm, thu hút nông dân và doanh nghiệp tại 33 tỉnh, thành tham gia. Nông nghiệp hữu cơ (NNHC) đang là xu hướng trên thế giới và cũng là hướng đi của nông nghiệp Việt Nam trong tương lai.
 

Trang trại rau sạch của Tập đoàn TH tại Nghệ An. Ảnh: VPNA.

33/63 tỉnh, thành có mô hình NNHC

Theo Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Nguyễn Xuân Cường, sản xuất NNHC là phương thức sản xuất dựa trên các yếu tố môi trường tự nhiên, bảo vệ môi trường, duy trì và bảo vệ hệ sinh thái bền vững, tạo ra sản phẩm bổ dưỡng cho nhu cầu con người.

Năm 2000, quỹ đất cho NNHC vào khoảng 14,9 triệu hecta trên toàn thế giới, doanh thu bán lẻ 17,9 tỷ USD. Sau 15 năm, diện tích canh tác hữu cơ tăng lên 50,9 triệu hecta (gấp 4 lần), trong khi giá trị tăng đến 81,6 tỷ USD (gấp 5 lần). Bắc Mỹ và châu Âu là hai khu vực có doanh số bán lẻ cao nhất, theo khảo sát năm 2017 của FiBL, AMI.

Việt Nam cũng nằm trong 170 quốc gia có mô hình sản xuất NNHC trên thế giới. Từ năm 2007-2015, diện tích canh tác và nuôi trồng hữu cơ trên cả nước tăng từ 12.120ha lên 76.666ha, nhanh hơn tốc độ trung bình toàn cầu.

Theo ông Lê Huy Ngọ, nguyên Bộ trưởng Nông nghiệp và PTNT, NNHC sẽ đáp ứng được nhu cầu cấp bách về lương thực an toàn, nhu cầu xuất khẩu để tăng giá trị sử dụng đất đai và nâng cao thu nhập cho người dân. 

Những năm 1990, một số tổ chức phi chính phủ đã đến Việt Nam nghiên cứu, đầu tư các dự án hữu cơ. Dự án của CIDCE tại Tức Tranh, Phú Lương, Thái Nguyên; các công ty sản xuất và tiêu thụ sản phẩm hữu cơ như Ecolink, Hanoi Organic ra đời... là những bước đi đầu tiên thúc đẩy chè, rau quả hữu cơ phát triển.

Đến năm 2004, nhiều nhóm nông dân tại Lào Cai, Tuyên Quang, Hòa Bình… được tiếp cận và thực hành nông nghiệp theo hướng hữu cơ, nhờ tham gia dự án của Trung ương Hội Nông dân Việt Nam phối hợp cùng Tổ chức Phát triển Nông nghiệp châu Á của Đan Mạch (ADDA).

Theo Bộ Nông nghiệp và PTNT, cả nước hiện có 33/63 tỉnh, thành phố phát triển mô hình NNHC với diện tích đạt hơn 76.000ha, tăng gấp 3,6 lần so với năm 2010, tập trung ở Lâm Đồng, Hà Nội, Hòa Bình, Lào Cai, Hà Nam, Quảng Nam, Bến Tre, Cà Mau... với khoảng 60 tập đoàn, DN, cơ sở sản xuất đã đầu tư vào lĩnh vực này. Bến Tre là địa phương có diện tích sản xuất NNHC lớn nhất cả nước với hơn 3.050ha, chủ yếu trồng dừa. Ninh Thuận đứng thứ hai với nông sản chủ lực là nho, táo.

Ông Hà Phúc Mịch, Chủ tịch Hiệp hội Nông nghiệp hữu cơ Việt Nam, cho biết, trước năm 2017, chúng ta vẫn chưa có văn bản quy định về chính sách phát triển NNHC và sản phẩm hữu cơ nhằm tạo hành lang pháp lý để phát triển. Nông dân và DN sản xuất NNHC hầu hết gặp khó khăn trong việc tiếp cận nguồn tín dụng của các ngân hàng cũng như nguồn vốn chính sách. Đây là trở ngại lớn trong sản xuất kinh doanh nông sản chất lượng cao như sản xuất hữu cơ. Do đó, đề nghị Chính phủ cần hoàn thiện chính sách về tiêu chuẩn, chứng nhận tiêu chuẩn; chính sách nâng cao năng lực, đẩy mạnh công tác đào tạo, chuyển giao. Đặc biệt là chính sách hỗ trợ ưu đãi tín dụng, thuế, đất đai, thị trường..., trong đó cần tạo điều kiện để người sản xuất và DN tích tụ đất đai nhằm mở rộng, tổ chức sản xuất NNHC.

PGS.TS.Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, thành viên Tổ Tư vấn kinh tế của Thủ tướng, cho rằng, cần phải đặc biệt lưu ý đến những khó khăn mà các DN, chuyên gia đã nêu ra, đó là, hiện chúng ta chưa có tiêu chuẩn quốc gia, các tổ chức chứng nhận về NNHC. Đây là vướng mắc cần tháo gỡ ngay. Phải làm sao xây dựng được các bộ quy chuẩn, tiêu chuẩn về sản phẩm NNHC đáp ứng được yêu cầu quốc tế, để hướng tới sản phẩm NNHC của Việt Nam bán được ở những thị trường tốt nhất trên thế giới.

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nhận định, tới đây, nước ta sẽ chuyển sang một hướng sản xuất NNHC với quy trình kiểm soát chặt chẽ, tuân thủ nghiêm ngặt các tiêu chuẩn đầu vào trong chu trình sản xuất cho đến xây dựng, phát triển thị trường mới sẽ là khó khăn, thậm chí là rất khó. Vì vậy, chúng ta cần vào cuộc đồng bộ cả ở cấp Chính phủ, doanh nghiệp, người nông dân, cùng với sự đón nhận, chia sẻ, hợp tác quốc tế.

NNHC không chỉ dành cho người giàu

Tại diễn đàn quốc tế “Nông nghiệp hữu cơ Việt Nam - Phát triển và hội nhập” vừa diễn ra, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, sản xuất NNHC không chỉ phục vụ người giàu mà toàn dân phải được sử dụng loại sản phẩm này.

Thủ tướng cũng khẳng định,  nhiều sản phẩm của Việt Nam có thể phát triển NNHC. Một số ý kiến nói rằng NNHC chỉ phục vụ người giàu, cho xuất khẩu là chưa đúng, chưa đủ. NNHC phục vụ cho người dân khi mà ở Việt Nam hiện nay đang chứng kiến sự gia tăng nhanh chóng của tầng lớp trung lưu, từ mức 10% dân số hiện nay sẽ lên khoảng 50% vào năm 2035. Yêu cầu một nền nông nghiệp sạch, thực phẩm sạch cho gần 100 triệu dân Việt Nam và xuất khẩu cho thế giới là yêu cầu lớn cho phát triển NNHC.

Việt Nam hiện công nhận hai mô hình sản xuất NNHC chính, của doanh nghiệp tư nhân và nhóm hộ nông dân.

Công ty Viễn Phú là một trong những đơn vị tiên phong trong sản xuất NNHC với 180ha trồng lúa xen cá, 40ha thủy sản tập trung, 80ha rau củ tại Cà Mau. Doanh nghiệp đã xuất khẩu gạo hữu cơ đi Nga, Canada, Singapore, Hong Kong (Trung Quốc); cá hữu cơ đưa sang thị trường Đức. Sau 10 năm làm NNHC thành công, ông Võ Minh Khải, Tổng giám đốc Công ty Viễn Phú, cho biết, doanh nghiệp vẫn đang phải đối mặt với các thách thức về đất đai, tín dụng, chính sách hỗ trợ, nguyên liệu đầu vào cũng như kỹ thuật ngăn chặn nhiễm bẩn chéo trong NNHC.  

Tại miền Trung, Tập đoàn TH đang áp dụng tiêu chuẩn hữu cơ quốc tế của Mỹ và châu Âu tại trang trại rau FVF (14,7ha) và trang trại dược liệu TH (20ha) ở hai huyện Nghĩa Đàn, Yên Thành của tỉnh Nghệ An. Ngày 17/12/2015, doanh nghiệp gặt hái những thành tựu bước đầu khi được Control Union cấp chứng nhận hữu cơ USDA-NOP và EC 834/2007 cho 37 loại rau sạch và 5 loại thảo dược. Gấc, rau má, lạc tiên, lá và quả hồng hữu cơ đã được Tập đoàn TH xuất sang thị trường Mỹ để chế biến dòng sản phẩm thức uống thảo dược Total Happiness Naturals mang thương hiệu TH. Năm 2016, tập đoàn cũng đưa vào vận hành trang trại chăn nuôi bò sữa hữu cơ lớn nhất Việt Nam với số lượng 1.000 con. Để có nguồn thức ăn chuẩn cho bò, tập đoàn đã đầu tư 328ha đồng cỏ và ngô hữu cơ tại Nghệ An.

Dưa sạch của Tập đoàn TH tại Nghệ An.

Tuy nhiên, bà Thái Hương, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn TH, cho biết, Việt Nam vẫn thiếu bộ tiêu chuẩn quốc gia đánh giá hữu cơ để giúp minh bạch thông tin sản phẩm, gây dựng niềm tin với người tiêu dùng, tăng sức cạnh tranh của sản phẩm hữu cơ trên thị trường và hội nhập quốc tế.

Tập trung hoàn thiện thể chế, chính sách

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, cần có nhận thức đúng đắn, thống nhất về phát triển NNHC. Bên cạnh ưu điểm và ý nghĩa nổi trội của NNHC, nông nghiệp phi hữu cơ, với năng suất cao trong nhiều năm tới, vẫn tiếp tục đóng vai trò bảo đảm an ninh lương thực quốc gia, không thể xem nhẹ.

Thủ tướng nhấn mạnh, NNHC sẽ đáp ứng một phân khúc thị trường cao cấp, cần thiết, giúp Việt Nam hội nhập sâu hơn, chất lượng hơn với thế giới và mang trọng trách cho tương lai. NNHC không thể phát triển theo phong trào ồ ạt, chưa thể sớm thành sản phẩm phổ cập cho mọi người mà đòi hỏi phát triển hết sức bài bản, khoa học; phát triển phải trên cơ sở điều kiện thổ nhưỡng, lựa chọn chính xác chủng loại sản phẩm, quy mô, vùng sản xuất sản phẩm thích hợp với nhu cầu của từng thị trường; bảo đảm an ninh lương thực quốc gia.

“Làm theo phong trào là hỏng hết. Phải chặt chẽ, rõ ràng, có chỉ đạo, đừng để sụp đổ theo phong trào. Phải hình thành hệ sinh thái phát triển NNHC, một văn hóa NNHC ở nông thôn và nông dân. Văn hóa đó không thể kiểu “lợn hai chuồng, rau hai luống”, mà là đạo đức của người nông dân”, Thủ tướng nhấn mạnh

Thủ tướng giao Bộ Nông nghiệp và PTNT xây dựng Đề án phát triển NNHC giai đoạn 2018-2025, tầm nhìn 2035, trình Thủ tướng phê duyệt trong đầu năm 2018 nhằm định hướng, cụ thể hóa các hoạt động thúc đẩy sản xuất nông nghiệp hữu cơ, bảo đảm đầy đủ cơ sở khoa học, thực tiễn. Theo đó, đề xuất các chính sách nâng cao chất lượng, đẩy mạnh công tác đào tạo, chính sách hỗ trợ, ưu đãi tín dụng, tín chấp, thế chấp và giải quyết nút thắt.

Tiếp thu các ý kiến, Thủ tướng nhất trí, cần sớm xây dựng quy trình sản xuất NNHC theo tiêu chuẩn quốc tế, thiết lập hệ thống kiểm tra nghiêm khắc, minh bạch và hiệu quả để các sản phẩm Việt Nam có uy tín và giành được sự tin cậy của thế giới. Vì vậy, trong chỉ đạo, ngoài các vấn đề trên thì cơ chế quản lý an toàn thực phẩm theo chuỗi sản xuất rất quan trọng. Sản phẩm hữu cơ dù cho thị trường trong nước hay xuất khẩu, tất cả đều phải nhờ thương hiệu. Thương hiệu có được do sản xuất xanh, sạch và từ đó, tiêu chuẩn, quy trình cụ thể phải rõ ràng. Cơ chế quản lý theo chuỗi nhất quán, minh bạch, nghiêm chỉnh và liêm chính.

Nhất trí với các đại biểu về một số nút thắt cần tháo gỡ như cơ chế chính sách, vấn đề hạn điền, nguồn nhân lực, kỹ thuật, Thủ tướng cho biết, sẽ ban hành nghị định mới về NNHC và Bộ Nông nghiệp và PTNT sẽ có đề án về vấn đề này để làm bài bản, hệ thống hơn. Cùng với đó, sẽ thay thế Nghị định 210 về đầu tư trong nông nghiệp. “Tất cả thể chế, chính sách, đặc biệt nghị định, thông tư trong phạm vi của Chính phủ, chúng tôi sẽ tiếp thu để làm nhanh hơn, tạo điều kiện cho NNHC phát triển”, Thủ tướng nhấn mạnh.

“Thay mặt Chính phủ, tôi kêu gọi sự hưởng ứng của các nhà khoa học, bà con nông dân, các doanh nghiệp và cộng đồng xã hội tham gia phát triển NNHC trên cả nước. Đó chính là quyền lợi và trách nhiệm của từng chủ thể trong xã hội, vì môi trường sống trong lành, vì sức khỏe tốt và hạnh phúc của từng người dân Việt Nam chúng ta”, Thủ tướng bày tỏ.

Dương Thanh/kỉnhtenongthon.com.vn