Tái cơ cấu nông nghiệp: Định hướng phát triển nông sản theo lợi thế

Tái cơ cấu nông nghiệp: Định hướng phát triển nông sản theo lợi thế
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Quốc Doanh thông tin: “Năm 2018, xuất khẩu (XK) toàn ngành phấn đấu mục tiêu đạt 40 tỷ USD, và có thể tăng lên 50 tỷ USD vào năm 2020. Để đạt được mục tiêu này, cần rất nhiều giải pháp khác nhau. Hiện nay, Bộ NN&PTNT đang chỉ đạo phát triển nông sản theo lợi thế quốc gia, lợi thế vùng và lợi thế của tỉnh”.

Điểm danh nông sản kém lợi thế, liên tục rớt giá

Trong phiên chất vấn kỳ họp Quốc hội đang diễn ra, đại biểu Tôn Ngọc Hạnh (Bình Phước) nêu thực trạng:  “Cử tri Bình Phước rất phấn khởi vì nhóm nông sản chủ lực của tỉnh như cao su, hạt tiêu, hạt điều… trong nhóm XK đạt 1 tỷ USD. Tuy nhiên, nhiều cử tri vẫn rất lo lắng, băn khoăn trước tình trạng giá cả XK thấp, có nhiều biến động và liên tục rớt giá nhiều năm qua”.

Theo Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN&PTNT), 10 tháng đầu năm 2018, XK nông, lâm, thuỷ sản ước đạt 32,6 tỷ USD, tăng 8,1% so với cùng kỳ năm 2017. Trong khi nhiều mặt hàng nông sản điển hình như lúa gạo, rau quả… đều ghi nhận dấu hiệu tích cực, tăng cả lượng và giá, thì hàng loạt mặt hàng cây công nghiệp như tiêu, điều, cao su… lại không mấy khả quan, kim ngạch XK các mặt hàng này đều theo chiều hướng lượng tăng-giá trị giảm.

Với hồ tiêu, XK 10 tháng đầu năm 2018 đạt 207 nghìn tấn và kim ngạch 676 triệu USD, tăng 7,9% về khối lượng nhưng giảm tới 33,4% về giá trị so với cùng kỳ năm 2017. Giá XK tiêu bình quân 10 tháng đầu năm ước chỉ đạt 3.266 USD/tấn, giảm tới 38,3% so với cùng kỳ năm 2017.

Tái cơ cấu nông nghiệp: Định hướng phát triển nông sản theo lợi thế

XK hạt điều 10 tháng đầu năm 2018 đạt 301 nghìn tấn và kim ngạch 2,78 tỷ USD, tăng 3,39% về lượng nhưng giảm 3,47% về giá trị so với cùng kỳ năm 2017. Giá XK bình quân đạt khoảng 9.303 USD/tấn, giảm 5,2% so với cùng kỳ năm trước.

XK cao su 10 tháng đạt 1,21 triệu tấn và 1,66 tỷ USD, tăng 13,4% về khối lượng nhưng giảm 7,3% về giá trị so với cùng kỳ năm 2017. Giá cao su XK tháng 10/2018 đạt 1.293 USD/tấn, giảm 15,7% so với mức giá 1.535 USD/tấn của cùng kỳ năm 2017.

Tái cơ cấu, phát triển nông sản theo lợi thế

Xung quanh câu chuyện XK nông sản, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường công bố: “Năm nay, toàn ngành có thể đạt mục tiêu tăng trưởng và XK cao. Tuy nhiên, kết quả không được trọn vẹn, vì riêng khu vực cây công nghiệp năm nay giá thấp, thậm chí có một vài sản phẩm rất thấp, không phải chỉ có cao su, tiêu, điều mà kể cả mía Trên thực tế, Bộ NN&PTNT đã nhìn thấy từng cây, từng đối tượng, ngành hàng có những điểm yếu gì để trong chương trình tái cơ cấu sẽ từng bước khắc phục”.

Theo Bộ trưởng NN&PTNT, tháng 11 tới đây, chúng ta sẽ thu hoạch cà phê, dự báo trước cũng không thể có giá cao được. Chúng tôi trước hết xin chia sẻ với bà con nông dân, các thành phần kinh tế, các doanh nghiệp và các hiệp hội ngành hàng trong khu vực mặt hàng.

Chia sẻ với Bình Phước về mặt hàng cây điều, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho rằng, năng suất của Việt Nam so với thế giới gần gấp đôi nhưng hiệu quả không cao, so với cây trồng khác là không hiệu quả. Đây là khó khăn chung về cây điều nên rất được chia sẻ, trước tình hình này đúng là chúng ta phải tái cơ cấu lại.

Trước đó, tại Hội nghị “Thúc đẩy phát triển sản xuất hồ tiêu bền vững” do Bộ NN&PTNT tổ chức, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường đã ra quyết định: Với cây tiêu, không đi theo con đường thi năng suất, sản lượng nữa, mà phải là chất lượng. Phải tập trung tái cơ cấu ngay ngành hàng hồ tiêu.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, sự phát triển thần tốc của ngành hồ tiêu trong những năm qua đang đặt ra những vấn đề lớn mà nếu không tháo gỡ kịp thời, không chỉ làm cho hồ tiêu bị tụt hậu mà còn có nguy cơ phá vỡ cả ngành hàng. Trước hết, diện tích tiêu tăng quá nhanh nên không thể kiểm soát được. Nghiên cứu khoa học công nghệ và công tác chuyển giao khoa học-kỹ thuật chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển của hồ tiêu.

Một ngành hàng có giá trị XK hơn 1 tỷ USD mà đến nay vẫn chưa có giống tiêu nào được công nhận là không thể chấp nhận được. Hay như việc chưa có quy trình canh tác tiêu chuẩn cũng là một trong những nguyên nhân quan trọng dẫn tới tình trạng dịch bệnh trên nhiều diện tích trồng tiêu.

Bộ Công thương dự báo, ngành cao su Việt Nam sẽ chịu những tác động nhất định bởi căng thẳng thương mại giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc. Cho đến nay, Trung Quốc vẫn là thị trường XK cao su chủ lực của Việt Nam, với tỷ trọng trên 60% tổng lượng cao su XK. Nếu Trung Quốc và Hoa Kỳ không có giải pháp tháo gỡ căng thẳng này, thì với mức thuế cao được áp dụng cho các mặt hàng linh kiện ô tô của Trung Quốc khi XK sang Hoa Kỳ, ngành cao su Việt Nam chắc chắn sẽ bị tác động tiêu cực.

Theo Phước Vĩnh/langmoi.vn