Xây dựng nền nông nghiệp sạch bền vững

Xây dựng nền nông nghiệp sạch bền vững
Sự hợp tác của ngân hàng lớn nhất Việt Nam về tín dụng nông nghiệp và tập đoàn lớn nhất nhì về máy nông nghiệp Nhật Bản đang mang lại hy vọng cho hàng triệu nông dân Việt Nam trong tiếp cận máy nông nghiệp công nghệ cao, trước hết là hơn 10 triệu hộ gia đình và cá nhân đang là khách hàng của Agribank

Trước những thách thức đặt ra đối với mục tiêu phát triển xanh, sạch, an toàn, bền vững của nền nông nghiệp nước nhà, bên cạnh mục tiêu tăng trưởng tín dụng, Agribank luôn chú trọng đầu tư vào các dự án, phương án sản xuất, kinh doanh nông nghiệp theo hướng phát triển an toàn, hiệu quả, bền vững, bảo vệ môi sinh, môi trường.

Cầu nối công nghệ cao

Nông dân Đỗ Văn Được (xã Phú Cường, Tam Nông, Đồng Tháp) chỉ vào 2 chiếc máy cấy, gieo sạ hiệu Yanmar (Nhật Bản) và cho biết, chỉ trong một vụ, hai “ngựa chiến” này của anh có thể cấy được tới 300ha, tức bằng công sức của cả trăm người trước đây. “Đúng là giấc mơ của chúng tôi đã thành hiện thực!”, anh Được phấn khởi nói.

Chỉ vài năm trước đây, trên những cánh đồng ở xã Phú Cường, cứ đến mùa gặt, mùa cấy là có thể thấy hàng trăm người dân đổ ra đồng làm việc. Nắng, mưa vất vả mà năng suất không cao. Thế nhưng hiện nay, không chỉ ở Phú Cường mà tại nhiều địa phương đồng bằng sông Cửu Long, cứ “vào mùa ra vụ” thì cả cánh đồng bát ngát chỉ còn vài chiếc máy cấy, máy gặt đập liên hợp… cần mẫn làm việc.

Agribank đã có những đóng góp tích cực cho nền nông nghiệp sạch nước ta, đặc biệt là bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm

Thay đổi trên thực tế là do có vai trò của đồng vốn vào nông nghiệp. Để có thể theo được nhiều nước trên thế giới trong việc sử dụng máy móc công nghệ cao, xây dựng nền nông nghiệp hiện đại như Nhật Bản, Israel, Hà Lan... người nông dân phải bỏ chi phí từ 500 - 700 triệu đồng/máy cấy, máy gặt đập. Điều này từng là giấc mơ của bao thế hệ nông dân Việt. Tuy nhiên, giấc mơ ấy đã được Agribank cùng với Tập đoàn Yanmar (Nhật Bản) hiện thực hóa qua Dự án “Yanmar - Agribank, công nghệ Nhật cho nông dân Việt”.

Một trong những nội dung quan trọng của việc hợp tác là hai bên sẽ hỗ trợ cho khách hàng khi vay vốn Agribank để mua máy nông nghiệp Yanmar. Theo thỏa thuận, Agribank sẽ ưu tiên và tạo điều kiện cho các đại lý bán hàng của Yanmar Việt Nam mở tài khoản, vay vốn, bảo lãnh thanh toán để mua máy móc và thiết bị của Yanmar. Đồng thời, tạo điều kiện cho các khách hàng vay vốn mua máy nông nghiệp như máy gặt, máy cấy hoặc máy làm đất của Yanmar theo đúng quy định hiện hành của Agribank và pháp luật Việt Nam với những ưu đãi về miễn/giảm lãi suất, phí. Ngoài ra, hai bên sẽ xây dựng chương trình hỗ trợ tài chính đối với khách hàng là hợp tác xã, hộ gia đình, cá nhân có nhu cầu vay vốn tại Agribank để mua máy móc từ các đại lý của Yanmar Việt Nam.

Lãnh đạo Agribank đánh giá, dự án sẽ mang đến cho nền nông nghiệp Việt Nam hệ thống máy nông nghiệp chất lượng cao, góp phần đẩy nhanh cơ giới hóa nông nghiệp, nâng cao chất lượng nông sản, hiệu quả sản xuất và xây dựng một nền nông nghiệp xanh, sạch, ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất. Với thỏa thuận hợp tác này, Agribank sẽ là cầu nối quan trọng cho nông dân Việt Nam tiếp cận với công nghệ sản xuất nông nghiệp chất lượng cao, hiện đại và tiên tiến nhất trên thế giới.

“Sự hợp tác của ngân hàng lớn nhất Việt Nam về tín dụng nông nghiệp và tập đoàn lớn nhất nhì về máy nông nghiệp Nhật Bản đang mang lại hy vọng cho hàng triệu nông dân Việt Nam trong tiếp cận máy nông nghiệp công nghệ cao, trước hết là hơn 10 triệu hộ gia đình và cá nhân đang là khách hàng của Agribank”, đối tác của ngân hàng chia sẻ thêm.

Vì một nền nông nghiệp sạch

Phải thừa nhận một thực tế, chưa bao giờ việc phát triển các mô hình sản xuất nông nghiệp công nghệ cao ở Việt Nam lại phát triển rầm rộ như hiện nay. Nguồn cầu này tăng nhanh là nhằm đáp ứng xu hướng tiêu dùng sạch đang rất lớn và dự báo tương lai nhu cầu của người tiêu dùng càng mạnh hơn. Tuy nhiên do hạn chế về vốn, nhiều nhà sản xuất đang rất cần nguồn vốn vay với lãi suất ưu đãi để mở rộng sản xuất, kinh doanh. Giám đốc một công ty kinh doanh, sản xuất nông sản hữu cơ cho biết sản xuất nông nghiệp hữu cơ cần rất nhiều tâm huyết, thời gian, công sức cũng như là nguồn vốn dài hạn để phục vụ cho suốt quá trình sản xuất, chu kỳ kinh doanh.

Trước tình hình đó, Chính phủ với nhiều nỗ lực cải cách thể chế, ban hành hàng loạt nghị định, thông tư mà gần đây nhất là gói tín dụng 100.000 tỷ đồng hỗ trợ nông nghiệp công nghệ cao, cụ thể hóa chủ trương trên tạo mọi điều kiện cho các doanh nghiệp và người dân có cơ hội phát triển sản xuất, kinh doanh.

Với quyết tâm thực hiện chủ trương của Chính phủ, chỉ đạo của NHNN về tham gia Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới bền vững gắn kết tái cơ cấu ngành nông nghiệp, đi đầu thực hiện chỉ đạo của NHNN về thúc đẩy tăng trưởng tín dụng xanh, quản lý rủi ro môi trường và xã hội trong hoạt động cấp tín dụng, cùng mong muốn xây dựng nền nông nghiệp an toàn, phát triển bền vững, ngay từ tháng 11/2016, Agribank đã chủ động dành gói tín dụng ưu đãi tối thiểu 50.000 tỷ đồng phục vụ nông nghiệp sạch. Chương trình được áp dụng với các khách hàng vay vốn là doanh nghiệp, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã, chủ trang trại tham gia các khâu trong chuỗi sản xuất sản phẩm nông nghiệp an toàn, quy mô lớn được Agribank thực hiện ưu đãi cho vay.

Cụ thể, lãi suất cho vay tùy theo mức độ tham gia các khâu trong chuỗi cung ứng vật tư đầu vào - sản xuất - tiêu thụ, khách hàng được áp dụng mức lãi suất ưu đãi thấp hơn 0,5% - 1,5% so với lãi suất cho vay thông thường của Agribank. Cũng để giúp DN mạnh dạn, yên tâm hơn khi triển khai các dự án công nghệ cao ngoài lãi suất ưu đãi, Agribank ưu tiên xem xét cấp tín dụng ngắn hạn không có tài sản bảo đảm đối với các khách hàng tốt, khách hàng truyền thống của Agribank.

Về chính sách phí dịch vụ, Agribank thực hiện ưu đãi về phí, khách hàng vay vốn theo chương trình này, được miễn phí toàn bộ chuyển tiền trong hệ thống Agribank, giảm 50% theo mức phí đối với chuyển tiền ngoài hệ thống… Đây là thông tin rất tích cực đối với các DN đang có ý định đầu tư phát triển nông nghiệp công nghệ cao, bởi nếu được vay với lãi suất ưu đãi của Agribank là một điều rất thuận lợi.

Tổng giám đốc Agribank Tiết Văn Thành cho biết, với mong muốn khuyến khích, hỗ trợ phát triển nông nghiệp sạch và bền vững, cung cấp nông sản thực phẩm chất lượng cao, an toàn cho người tiêu dùng Agribank đã triển khai đồng bộ các giải pháp như ngoài gói tín dụng quy mô lớn với nhiều ưu đãi.

Bên cạnh đó, ngân hàng cũng đồng hành nhiều chương trình truyền hình thực tế “Nông nghiệp sạch - Con đường nông sản Việt”, “Nông nghiệp sạch - Cho người Việt Nam, cho thế giới”… “Agribank kỳ vọng “Nông nghiệp sạch - Con đường nông sản Việt” giới thiệu, quảng bá tới khán giả truyền hình trong và ngoài nước các loại nông sản Việt, các vùng nông nghiệp nổi tiếng, thúc đẩy phát triển các chuỗi sản xuất nông nghiệp sạch đang dần được hình thành trên toàn quốc.

Đồng hành cùng các chương trình này, Agribank mong muốn góp phần nhân rộng những mô hình sản xuất nông nghiệp an toàn, từ đó thay đổi nhận thức của người tiêu dùng về chất lượng và sự an toàn của hàng nông sản Việt Nam, hướng đến phát triển sản xuất nông nghiệp bền vững, giữ được thị trường tiêu dùng trong nước và có vị trí trong chuỗi giá trị toàn cầu.

Có một thực tế là tại nhiều địa phương, bà con sản xuất ra nhiều nông sản sạch nhưng lại rất ít người biết tới. Bởi vậy, thông qua chương trình truyền hình này, người tiêu dùng sẽ biết đến nhiều hơn về các loại thực phẩm sạch và giúp mở rộng đầu ra cho người nông dân. Ngoài ra, chương trình còn làm tăng nhận thức và định hướng toàn xã hội cùng làm nông nghiệp sạch, an toàn cho môi trường.

Với những việc làm thiết thực trên, theo đánh giá của các chuyên gia lĩnh vực nông nghiệp, Agribank đã có những đóng góp tích cực cho nền nông nghiệp sạch nước ta, đặc biệt là bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm. Canh tác nông nghiệp sạch không chỉ giúp người nông dân nâng cao giá trị hàng hóa mà còn giúp họ tiếp cận với những tiến bộ khoa học hiện đại. Đó chính là nền tảng giúp xây dựng nền nông nghiệp sạch bền vững trong tương lai.