Giá tôm thẻ chân trắng có dấu hiệu phục hồi

Giá tôm thẻ chân trắng có dấu hiệu phục hồi
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, thị trường tôm trong tháng 6 tương đối ổn định đối với tôm sú và có dấu hiệu cải thiện đối với tôm thẻ chân trắng.

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, sản lượng tôm nước lợ cả nước 6 ước đạt 260.400 tấn, tăng 10,5% so với cùng kỳ năm trước, trong đó sản lượng tôm sú ước đạt 109.600 tấn, sản lượng tôm thẻ ước đạt 150.800 tấn. Riêng vùng Đồng bằng sông Cửu Long sản lượng tôm sú ước đạt 98.200 tấn, tăng 1% so với cùng kỳ năm trước, sản lượng tôm thẻ ước đạt 108.600 tấn, tăng 23 % so với cùng kỳ năm 2017.

Tôm sú ướp đá nguyên liệu loại 30 con/kg hiện có giá 170.000 - 190.000 đồng/kg, loại 40 con/kg giá 140.000 - 150.000 đồng/kg, khá ổn định kể từ đầu năm.

Thời điểm đầu tháng, giá tôm thẻ chân trắng có xu hướng giảm do tác động của giá thế giới giảm. Theo đó, loại cỡ 60 đến 100 con/kg dao động từ 70.000-102.000 đ/kg. Tuy nhiên, đến giữa tháng giá ở một số nơi đã bắt đầu có dấu hiệu nhích lên. Hiện, tôm thẻ chân trắng có giá hơn 80.000 đồng/kg đối với tôm loại 100 con/kg, tăng gần 10.000 đồng/kg so với cách đây 2 tuần. Với mức giá này, bình quân nông dân có lãi từ 5.000-10.000 đồng/kg.

Hồi đầu tháng 6, trước tình trạng giá tôm nguyên liệu giảm sâu gây tâm lý hoang mang cho người nuôi, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) đã gửi công văn kiến nghị các giải pháp phát triển bền vững sản xuất, xuất khẩu tôm lên Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường và Thứ trưởng Vũ Văn Tám.

Đặc biệt, VASEP kiến nghị Chính Phủ có biện pháp tăng cường kiểm soát hoạt động tạm nhập tái xuất tôm Ấn Độ và Ecuador qua Cảng Hải Phòng để vào Trung Quốc nhằm hạn chế tối đa tình trạng gian lận thương mại trong hoạt động này. Đề xuất này đồng thời nhằm kéo các khách hàng Trung Quốc quay trở lại mua tôm Việt Nam. VASEP cho hay, qua tìm hiểu các nguồn thông tin không chính thức, hiện nay Trung Quốc đang chuyển qua mua nhiều hơn tôm Ấn Độ và Ecuador mà theo họ là có cỡ tôm lớn và giá rất rẻ.

Hiện nay, tôm Việt Nam chỉ chiếm khoảng 10% trong tổng số tôm nhập khẩu vào Mỹ do những rào cản về áp thuế chống bán phá giá. Trong khi đó, thị phần của Ấn Độ, Thái Lan và Indonesia lên tới 70%. Đặc biệt, chỉ tính riêng thị phần tôm Ấn Độ tại Mỹ đã chiếm 32%. VASEP kiến nghị Chính phủ tiếp tục quan tâm các hoạt động ngoại giao cấp cao để Mỹ tháo gỡ nhanh các rào cản thương mại, nhất là việc áp thuế chống bán phá giá tôm. Đây là một trở ngại lớn cho sức cạnh tranh của tôm Việt Nam thời gian gần đây mặc dù công ty Minh Phú không bị áp thuế và đang chiếm gần 50% lượng tôm Việt Nam xuất khẩu vào thị trường này.


Nguồn: Vietnambiz.vn