Nuôi "chúa tể dòng sông", bán giá 600.000 đồng/kg, cả làng sung túc

Nuôi "chúa tể dòng sông", bán giá 600.000 đồng/kg, cả làng sung túc
Loài cá chiên hung hãn ví như “chúa tể dòng sông” nhưng nhiều năm nay, người dân thôn Hợp Long 2, xã Yên Nguyên, huyện Chiêm Hóa (Tuyên Quang) đã thuần hóa thành công.

Với giá từ 450.000 đến 600.000 đồng/kg cá thương phẩm, nuôi cá chiên đã mang đến cho người dân nơi đây cuộc sống ấm no.  

Người đàn bà nghị lực

Chồng ốm đau triền miên, 4 đứa con thì 1 người đầu óc không bình thường phải nhận trợ cấp xã hội. Vượt lên hoàn cảnh, bà Đinh Thị Loan thôn Hợp Long 2 trở thành một trong những người nuôi cá giỏi nhất vùng. Bà Loan bảo, hoàn cảnh thế mà mình gục ngã thì lấy ai lèo lái để có tiền rau cháo và thuốc men cho cả gia đình.

 nuoi 'chua te dong song', ban gia 600.000 dong/kg, ca lang sung tuc hinh anh 1

Mô hình nuôi cá chiên trên sông Lô của người dân thôn Hợp Long 2.

Bà Loan nuôi cá từ năm 2008. Hơn 10 năm gắn bó với cá chiên, cá chép, cá rô phi… bà hiểu được đặc tính của từng loài. Trong đó loài nuôi khó nhất là cá chiên. Bà Loan cho biết, nuôi cá chiên thành công khâu chọn giống là yếu tố quan trọng. Con giống lựa chọn nuôi thì mình cá không được trầy xước, đuôi phải thẳng, thân dài. Chọn được cá giống địa phương là tốt nhất, bởi không phải thích nghi với môi trường sống mới nên cá đỡ chột, lớn nhanh hơn.

Nhớ lại năm 2009, không có vốn, bà Loan vay mượn anh em đầu tư 15 triệu đồng để nuôi cá chiên. Do thiếu kinh nghiệm chọn giống, cá mua về thả mắc bệnh chết. Trong vòng 1 tuần, ngày nào cũng phải vớt cá bỏ đi khiến lòng bà đau xót. Nhà vốn nghèo, bao vốn liếng đổ hết vào lồng cá, nhiều đêm ngủ chỉ dám khóc thầm vì sợ chồng, con biết lại lo lắng.

Hơn 10 năm trăn trở cùng cá chiên, giờ đây ở Yên Nguyên, người ta biết đến bà là người đàn bà giàu nghị lực không chỉ vì bà nuôi cá giỏi mà còn bởi sự nỗ lực vượt lên số phận của bà.

Tâm sự với chúng tôi, ánh mắt bà Loan không giấu nổi niềm vui khi nhẩm tính vốn, lời trong vụ cá năm nay: “Bốn lồng cá chiên của gia đình đến nay chuẩn bị cho thu hoạch. Trung bình mỗi lồng có 60 con. Thương lái trả hơn 500.000 đồng/kg. Trừ các khoản chi phí, vụ này  thu lãi hơn 200 triệu đồng”.  

Ấm no từ cá

Cả khúc sông Lô ở thôn Hợp Long 2 được trải kín bởi những nhà lồng nuôi cá chiên, cá chép, cá rô phi. Hơn 10 năm nay, dòng sông cho người dân nơi đây phát triển thêm nghề mới: nghề nuôi cá lồng. Từ vài ba lồng cá nhỏ lẻ ban đầu, đến nay thôn đã có 58 lồng với 29 hộ tham gia, trong đó có 35 lồng cá chiên.

Ông Vũ Công Đoàn, Phó Chủ tịch UBND Yên Nguyên, cho biết, nghề nuôi cá chiên ở Hợp Long 2 là mô hình kinh tế điển hình của xã. Từ các lồng cá đã có hơn 20 hộ thu lãi từ 100 đến 300 triệu đồng. Đặc biệt, hộ gia đình chị Hoàng Thị Dương, gia đình anh Đặng Văn Giang từ hộ nghèo nay đã thoát nghèo bền vững.

 nuoi 'chua te dong song', ban gia 600.000 dong/kg, ca lang sung tuc hinh anh 2

Ông Nguyễn Thanh Bình (ngoài cùng bên phải) trao đổi về kỹ thuật nuôi cá lồng.

Lão nông Nguyễn Thanh Bình có thâm niên trong nghề nuôi cá lồng hơn 10 năm nay. Ông cũng là người đầu tiên nuôi cá ở Hợp Long 2. Ông Bình chia sẻ, là người đi đầu nên gặp nhiều vất vả. Có năm, đàn cá lớn nhanh như thổi, béo tốt sắp đến ngày được bán bỗng lăn đùng ra chết. Nhìn cá nổi trắng mặt lồng, lòng đau xót mà không hiểu tại sao. Lóc cóc lần mò về tận tỉnh hỏi kinh nghiệm từ Trung tâm thủy sản, ông mới biết, cá không mắc bệnh, do cho ăn nhiều, béo quá nên chết…

Hiện nay, gia đình ông có 4 lồng cá, trong đó có 2 lồng cá chiên và 2 lồng cá rô phi, cá chép. Trừ chi phí, mỗi năm gia đình ông thu lãi gần 200 triệu đồng.

Thấy ông Bình, bà Loan nuôi cá có lãi, nhiều hộ đã học tập và phát triển nuôi cá lồng. Năm 2010, xóm đã thành lập tổ nuôi cá lồng. Vào tổ, các thành viên được trao đổi học hỏi kinh nghiệm kỹ thuật chăn, thả cá, địa chỉ cung cấp nguồn cá giống đảm bảo. Đặc biệt, được tham gia các lớp học nghề của Trung tâm Thủy sản tỉnh tổ chức dạy các quy trình chăm sóc, cũng như chế độ cho cá ăn hợp lý trong từng giai đoạn để cá sinh trưởng, phát triển tốt.

Hiện nay gia đình ông Nguyễn Văn Xuân có 4 lồng cá chiên. Trừ các khoản chi phí, mỗi năm gia đình ông thu lãi hơn 200 triệu đồng. Ông bảo, tháng 6 là mùa nước, cũng là mùa người làm nghề nuôi cá chiên ở Hợp Long 2 tất bật nhất. Bởi giai đoạn từ tháng 4 đến tháng 8, là thời gian lý tưởng để cá sinh trưởng phát triển.

Trung bình mỗi tuần người nuôi cho cá ăn 3 lần. Tuy nhiên, không nên cho cá ăn nhiều quá, vì cá béo quá rất dễ mắc bệnh và chết yểu. Nhưng đây cũng là dịp thời tiết diễn biến thất thường, cá dễ bị mắc các loại bệnh lở mồm, cụt đuôi, mà khi đã bị mắc, thì vô phương cứu chữa.

Từ bao đời nay, cá chiên đã là 1 trong 5 loài cá đặc sản đáng tự hào của xứ Tuyên bởi thịt của nó hội tụ đầy đủ cả hương vị và độ ngọt hấp dẫn. Loài cá xưa dùng để tiến vua nay đã và đang được các địa phương trong tỉnh phát triển diện rộng thành hàng hóa mang lại hiệu quả kinh tế cao, cho những hộ dân cuộc sống đủ đầy.

 
Theo Đào Thanh (Kiến thức gia đình số 26)