Xoài Nhật, dứa Việt

Tuần trước, tôi đọc thấy một bản tin về trái xoài đỏ Nhật, còn được mệnh danh là “quả trứng mặt trời”, đang được một số trang mạng rao bán vào Việt Nam với giá 1,7 triệu đồng/quả 400 gam.
Xoài Nhật, dứa Việt
Xoài Đỏ Miyazaki Nhật rao bán trên Facebook giá 1 triệu đồng/trái.

Bản tin cũng nói một cửa hàng hoa quả ở Hà Nội cho biết họ đã nhập về 200 ki lô gam xoài này và “cháy hàng” sau năm ngày, thu lợi nhuận 300 triệu đồng! Đọc tin mà thấy một cảm giác buồn bã ập đến khi biết nhiều người trong chúng ta lại đang xôn xao chuyện giải cứu những cánh đồng dứa ở Trung bộ với mong muốn giúp nông dân trồng dứa ở đó có được chút ít thu nhập.

Cũng ở bản tin nêu trên, tác giả dẫn lời ông Yushi Kawarai, một người Nhật đang ở Việt Nam, cho biết quy trình trồng xoài đỏ ở Nhật rất nghiêm ngặt. Những trái xoài được bọc vào túi lưới ngay ở trên cây, đến độ chín, chúng sẽ rụng vào chiếc túi và được đưa đến tay người tiêu dùng mà không qua bất kỳ quá trình xử lý nào. Điều giúp cho chúng trở thành “đắt đỏ” chính là việc chúng được để chín tự nhiên.

Ta thì sao? Dù đã cố gắng tìm nhiều giải pháp cho quy hoạch trồng trọt, nông sản Việt vẫn chơ vơ đầu ra, luôn phập phồng với chuyện “trúng mùa rớt giá”. Đã có biết bao nông dân đổ mồ hôi sôi nước mắt trên cánh đồng để rồi khi mùa vụ đến, họ chỉ trông ngóng kiếm được chút ít tiền giúp trang trải cuộc sống, nhưng nhiều khi lại thất vọng đến cùng cực. Cách đây mấy ngày, tôi về quê gặp đứa cháu, hỏi nó mùa này có trồng su le (su su) nữa không? Nó trả lời: “Năm ngoái cháu trồng được khoảng 10 tấn, nhưng giá bán ở các chợ chỉ 500 đồng/ki lô gam nên cháu bỏ luôn rồi. Không bù được công xá, cậu ơi!”.

Thật băn khoăn khi câu chuyện “trồng rồi chặt bỏ” sao lại cứ tiếp diễn ở thế kỷ 21 này? Nông dân sao cứ lao đao kiếm tìm từng đồng thu nhập, đến nỗi nhiều lúc cảm giác như xã hội phải huy động cả “hệ thống chính trị” vào cuộc giải cứu. Bây giờ thì những cánh đồng dứa ở Nghệ An, Thanh Hóa lại đang phải “vật lộn” với giải cứu, sau những cuộc giải cứu dưa hấu, chuối, ớt...

Xem chừng công cuộc hỗ trợ nông dân canh tác, cung cấp cho họ một “bản đồ quy hoạch” cây trồng và bao tiêu sản phẩm, cho đến nay vẫn chưa đạt được hiệu quả như mong muốn. Sau bao nhiêu năm, cái “quy trình” quy hoạch - sản xuất - chế biến - tiêu thụ nông sản dường như vẫn cứ loay hoay trong cái vòng luẩn quẩn, chưa có lối ra.

Và như vậy, nỗi lo nghèo khó của nông dân bao giờ mới chấm dứt?!

Theo Thesaigontimes.vn