Biến đổi khí hậu “phá” chăn nuôi

Biến đổi khí hậu “phá” chăn nuôi
Biến đổi khí hậu với những nghịch lý dị thường đã gây ảnh hưởng lớn đến sản xuất nông nghiệp. Để khắc phục, người dân cần phát triển những mô hình chăn nuôi hiệu quả, đặc biệt là loại vật nuôi chủ lực của vùng. Đó là nội dung của diễn đàn “Phát triển chăn nuôi bền vững thích ứng với biến đổi khí hậu” do Trung tâm Khuyến nông Quốc gia tổ chức tại Đắk Lắk và Phú Yên vừa qua.

Lợi thế

Theo Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, các tỉnh duyên hải Nam Trung bộ và Tây Nguyên nằm trong vùng khí hậu nhiệt đới gió mùa với đặc điểm nhiệt độ cao, nóng ẩm, cường độ ánh sáng mạnh, lượng mưa lớn… nên có nhiều ảnh hưởng đến ngành chăn nuôi. Trong giai đoạn 2011 - 2016, tình hình chăn nuôi khu vực này có nhiều biến động. Các đối tượng nuôi chính là bò, heo, trâu, gia cầm, dê, cừu. Các địa phương đã triển khai nhiều chính sách hỗ trợ, khuyến khích người chăn nuôi và có những kết quả nhất định. 

nuôi con chu lucVùng Nam Trung bộ có nhiều lợi thế chăn nuôi bò thịt     Ảnh: Đắc Danh

  

Trong 6 tháng đầu năm 2017, tốc độ tăng trưởng bình quân của 5 tỉnh Tây Nguyên đạt hơn 7,8%; giá trị tổng sản phẩm đạt gần 62.000 tỷ đồng, trong đó nông lâm, thủy sản tăng 4,56%. Chăn nuôi trang trại khá phát triển: Toàn vùng hiện có 1.100 trang trại chăn nuôi, chiếm 5,6% tổng số trang trại chăn nuôi trong cả nước. So với năm 2012, số trang trại chăn nuôi tại khu vực này tăng 48,9%. Bước đầu đã có một số mô hình trang trại chăn nuôi bò thịt, bò sữa tập trung quy mô lớn, áp dụng công nghệ tiên tiến của tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai, Vinamilk... 

  

Nhiều khó khăn

Bên cạnh đó, ngành chăn nuôi khu vực này vẫn phải đối mặt với rất nhiều thách thức và phát triển thiếu bền vững. Ảnh hưởng của biến đổi khí hậu đối với chăn nuôi ngày một rõ nét. Vào mùa khô tình trạng thiếu thức ăn xảy ra phổ biến, mùa mưa lũ vật nuôi bị nước cuốn trôi; lượng thức ăn cho gia súc, gia cầm giảm. Vật nuôi thích nghi kém dẫn đến dịch bệnh phát sinh…  

Phần lớn đồng bào dân tộc, các hộ nghèo vẫn nuôi nhỏ lẻ, chăn thả tự nhiên, quảng canh, năng suất thấp, thường xuyên phải đối mặt với rủi ro về thời tiết, dịch bệnh. Trình độ nhận thức về khoa học kỹ thuật còn hạn chế, mạng lưới sản xuất và cung ứng con giống, thức ăn và các dịch vụ thú y, khuyến nông tại chỗ chưa phát triển, trong khi cơ sở giao thông ở các vùng sâu, vùng xa còn rất khó khăn, chi phí vận chuyển giống, vật tư đầu vào tăng cao... 

Riêng, vùng Tây Nguyên có dải biên giới trên bộ tiếp giáp với Lào và Campuchia khá dài, việc kiểm soát vận chuyển động vật qua biên giới rất khó khăn, đã phát sinh dịch bệnh nguy hiểm như lở mồm long móng, H5N1… 

  

Nuôi con chủ lực

Ông Đoàn Đức Vũ, Giám đốc Trung tâm Công nghệ sinh học Chăn nuôi (Phân viện Chăn nuôi Nam bộ) cho biết, ngoài bất lợi về điều kiện thời tiết khô hạn nắng nóng quanh năm, vùng Nam Trung bộ cũng có những điểm thuận lợi để chăn nuôi bò thịt, dê và cừu bởi đây là ngành sản xuất truyền thống của nhiều hộ nông dân, nguồn thức ăn tự nhiên sẵn có dù điều kiện khô hạn, vị trí địa lý sát biển giúp vật nuôi nhận được nhiều khoáng chất nên phát triển tốt hơn những nơi khác. Do vậy, cần tập trung chăn nuôi các con chủ lực, có tiềm năng phát triển tại địa phương. 

Ông Trần Văn Khởi, Quyền Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia cho biết, để ngành chăn nuôi của khu vực phát triển bền vững cần đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, công nghệ, phương thức tổ chức mới vào sản xuất; Phát triển những đối tượng vật nuôi phù hợp với điều kiện của địa phương để khai thác tốt nhất thế mạnh của vùng, hạn chế khó khăn, nhất là khó khăn do biến đổi khí hậu gây ra; Phát triển chăn nuôi gắn với sản xuất trồng trọt; Phát triển chăn nuôi trang trại, quy mô lớn, tổ chức các hộ chăn nuôi theo hướng thành lập HTX, câu lạc bộ, liên kết với doanh nghiệp để tạo được vùng nguyên liệu, thúc đẩy xây dựng chuỗi giá trị, thương hiệu sản phẩm của vùng, địa phương. Đồng thời, các nhà quản lý cần xây dựng chính sách đặc thù cho vùng… 

Ông Khởi cũng đề nghị Trung tâm Khuyến nông các tỉnh trong vùng cần đẩy mạnh hơn nữa các hoạt động tư vấn cho nông dân, đặc biệt ở cấp huyện, cấp xã. Đồng thời chuyển giao thúc đẩy chăn nuôi của vùng như xây dựng mô hình trình diễn, mở lớp tập huấn, hội nghị, hội thảo đầu bờ, tham quan học tập… Nông dân cần chọn lọc và áp dụng những giải pháp phù hợp với điều kiện sản xuất của gia đình, nhất là các giải pháp về kỹ thuật chăn nuôi.     

Theo Cục Chăn nuôi, hiện tốc độ phát triển của ngành chăn nuôi ở Việt Nam tương đối tốt, tính đến tháng 1/10/2016, cả nước tổng đàn bò 5,5 triệu con, tăng 2,4%, trong đó bò sữa 282.900 con, tăng 2,8%; đàn heo 29,1 triệu con, tăng 4,8%; đàn gia cầm 361,7 triệu con, tăng 5,8%; riêng đàn trâu 2,5 triệu con, giảm 0,2%.
 
Nguồn: nguoichanuoi.com