EC sẽ tăng cường kiểm tra dư lượng thuốc BVTV thanh long Việt Nam

EC sẽ tăng cường kiểm tra dư lượng thuốc BVTV thanh long Việt Nam
Cục Bảo vệ Thực vật (BVTV) vừa có công văn gửi các Sở Nông nghiệp và PTNT, Hiệp hội Rau quả Việt Nam và các doanh nghiệp xuất khẩu (DNXK) thanh long, về việc EC tăng cường kiểm tra ATTP đối với thanh long Việt Nam.

Theo Cục BVTV, Cục đã nhận được thông báo của Bộ Công Thương về việc Ủy ban Châu Âu (EC) dự định tăng cường kiểm tra dư lượng thuốc BVTV đối với thanh long Việt Nam XK sang EU, sau khi phát hiện có sự lạm dụng thuốc BVTV tại các vùng trồng thanh long.

Dự kiến, việc tăng cường kiểm tra nói trên sẽ có hiệu lực từ giữa tháng 6. Phía EC dự định áp dụng quy định mỗi lô thanh long XK phải có Giấy chứng nhận ATTP bảo đảm dư lượng thuốc BVTV không vượt mức dư lượng tối đa của EC (EU-MRLs) kèm theo kết quả xét nghiệm, đồng thời tăng tần suất kiểm tra tại cửa khẩu (hiện là 10%).

Trước tình hình đó, Cục BVTV đề nghị các Sở Nông nghiệp và PTNT chỉ đạo các đơn vị chuyên môn, hướng dẫn các địa phương, người trồng thanh long, thực hiện một số nội dung sau: Rà soát bộ thuốc BVTV sử dụng cho thanh long trên địa bàn; hướng dẫn người trồng sử dụng đúng các thuốc trong Danh mục thuốc BVTV được phép sử dụng trên cây thanh long; tăng cường các biện pháp phòng chống dịch hại tổng hợp theo hướng thực hành nông nghiệp tốt (GAP) để hạn chế tối đa việc sử dụng thuốc BVTV.

1-t.jpg
Thu hoạch thanh long chính vụ. (Ảnh: Nguyễn Thanh/TTXVN)

Đồng thời, quản lý chặt chẽ hoạt động kinh doanh, phân phối thuốc trên địa bàn, nhất là vùng trồng thanh long; tăng cường kiểm tra việc buôn bán và sử dụng thuốc BVTV tại vùng trồng thanh long; tăng cường hoạt động tuyên truyền, huấn luyện người trồng thanh long về việc sử dụng thuốc BVTV, các biện pháp kỹ thuật, quy trình sản xuất, quy trình phòng trừ dịch hại đảm bảo ATTP; khuyến cáo các chủ thể trong chuỗi sản xuất thanh long thực hiện và duy trì hoạt động truy xuất (lưu trữ thông tin, ghi chép lại các hoạt động đầu vào, đầu ra); hình thành thói quen ghi chép hoạt động sử dụng thuốc BVTV của người trồng thanh long.

Liên quan tới việc EC sẽ tăng cường kiểm tra dư lượng thuốc BVTV với thanh long Việt Nam, thông tin từ Đại Sứ quán Việt Nam tại Bỉ, cho hay, trước mắt, EC sẽ tham khảo các nước thành viên để đưa ra một số biện pháp tăng cường kiểm tra, bao gồm: Yêu cầu Việt Nam xét nghiệm dư lượng thuốc BVTV đối với 100% thanh long XK sang EU, thay vì chỉ 10% như hiện nay; mỗi lô hàng thanh long Việt Nam xuất sang EU đều phải có "Giấy chứng nhận" (do cơ quan thẩm quyền Việt Nam cấp) đảm bảo dư lượng tạp chất không vượt mức MRLs theo Quy định của EC, kèm theo kết quả xét nghiệm của các phòng xét nghiệm được ủy quyền; cơ quan ATTP của các nước thành viên EU sẽ phối hợp với hải quan tái kiểm tra 10% lô hàng thanh long tại cảng đến, trước khi cho phép thông quan nếu đạt yêu cầu.

Xuất khẩu nông lâm thủy sản 5 tháng đầu năm đạt 15,6 tỷ USD

Theo Bộ Nông nghiệp và PTNT, kim ngạch xuất khẩu nông lâm thuỷ sản tháng 5 ước đạt 3,2 tỷ USD, đưa tổng giá trị xuất khẩu 5 tháng đầu năm 2018 đạt 15,6 tỷ USD, tăng 9,9% so với cùng kỳ năm 2017.

Cụ thể, giá trị xuất khẩu các mặt hàng nông sản chính ước đạt 8,25 tỷ USD, tăng 9,6%; thuỷ sản 3,12 tỷ USD, tăng 9,7%; các mặt hàng lâm sản chính 3,4 tỷ USD, tăng 8,7% so với cùng kỳ năm 2017.

Như vậy, giá trị xuất khẩu các mặt hàng lâm sản đã vượt lên trên thủy sản, tiếp tục trở thành mặt hàng dẫn đầu trong các mặt hàng nông sản xuất khẩu. Giá trị xuất khẩu lâm sản chiếm gần 22% tổng giá trị kim ngạch xuất khẩu toàn ngành.

Theo Tổng cục Lâm nghiệp, các mặt hàng lâm sản mang lại giá trị xuất khẩu cao, giá trị nhập siêu thấp nên giá trị xuất siêu mang về của mặt hàng này tiếp tục đứng đầu các mặt hàng nông sản xuất khẩu. Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc là 4 thị trường nhập khẩu gỗ và sản phẩm gỗ lớn nhất của Việt Nam.

Trong tháng 5, khối lượng gạo xuất khẩu ước đạt 452.000 tấn với giá trị đạt 347 triệu USD, đưa khối lượng xuất khẩu gạo 5 tháng đầu năm 2018 ước đạt 2,66 triệu tấn với 1,45 tỷ USD, tăng 13,9% về khối lượng và tăng 40% về giá trị so với cùng kỳ năm 2017.

Giá gạo xuất khẩu bình quân 4 tháng đầu năm đạt 503 USD/tấn, tăng 12,9% so với cùng kỳ năm 2017. Trung Quốc vẫn tiếp tục đứng vị trí thứ nhất về thị trường nhập khẩu gạo của Việt Nam với 33,5% thị phần.

2-xk-gao.jpg
Bốc xếp gạo xuất khẩu. (Ảnh: TTXVN)

Mặt hàng điều vẫn duy trì đà tăng trưởng tốt. Khối lượng hạt điều xuất khẩu đến nay ước đạt 139.000 tấn với 1,37 tỷ USD, tăng 19% về khối lượng và tăng gần 23% về giá trị so với cùng kỳ năm 2017.

Mặt hàng sắn và các sản phẩm từ sắn tiếp tục có sự tăng trưởng khả quan. Khối lượng xuất khẩu mặt hàng này 5 tháng đầu năm đạt 1,3 triệu tấn với 460 triệu USD, giảm 25,6% về khối lượng nhưng tăng 7,3% về giá trị so với cùng kỳ năm 2017.

Về cà phê, trong tháng 5 xuất khẩu đạt 135.000 tấn với giá trị đạt 265 triệu USD. Như vậy, khối lượng xuất khẩu cà phê đến nay ước đạt 820.000 tấn với 1,6 tỷ USD, tăng 16% về khối lượng nhưng giảm tăng 0,8% về giá trị.

Không có việc nông dân phá tiêu còn tốt để bán rễ

Trước những thông tin về việc thương lái thu mua rễ tiêu ở một số địa phương được đăng tải trên các phương tiện thông tin đại chúng, ông Nguyễn Hồng Sơn, Cục trưởng Cục Trồng trọt, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khẳng định chắc chắn không có việc nông dân phá tiêu còn tốt để bán rễ mà chỉ là việc tận thu rễ trong quá trình vệ sinh hố trồng.

Vừa qua, một số hộ trồng hồ tiêu tại vùng Đông Nam Bộ và Tây Nguyên đã tiến hành chuyển đổi vườn trồng hồ tiêu già cỗi, nhiễm sâu bệnh, năng suất và hiệu quả kinh tế thấp sang trồng một số cây trồng có giá trị kinh tế cao hơn hoặc trồng mới lại cây hồ tiêu.

Trong quá trình thực hiện chuyển đổi, nông dân đã tiến hành tiêu hủy cây tiêu, vệ sinh đồng ruộng để trồng cây mới. Khi đào hố trồng cây mới, một số nông dân đã dọn vệ sinh, thu gom rễ tiêu để tiêu hủy.

Tuy nhiên, có 3 hộ nông dân khác và một công ty tìm thu mua rễ sử dụng vào mục đích không rõ ràng (một số nguồn tin cho rằng sử dụng làm thuốc bắc). Việc thu mua rễ tiêu chỉ xảy ra ở xã Xuân Thọ, huyện Xuân Lộc, tỉnh Đồng Nai với 14 hộ dân tham gia thu gom, bán rễ.

Theo tính toán, mỗi gốc tiêu nông dân thu được khoảng từ 0,5-1 kg, với giá bán khoảng 20.000 đồng/kg, số tiền thu được từ 10-20 triệu đồng/ha. Trong khi đó, nông dân phải chi phí từ 5-7 triệu đồng thuê máy xúc đào gốc và khoảng 5 triệu đồng/ha công thu gom.

Do đó chắc chắn không có việc nông dân phá tiêu còn tốt để bán rễ mà chỉ là việc tận thu rễ trong quá trình vệ sinh hố trồng. Hiện nay, các hộ nông dân thu mua rễ tiêu đã dừng việc thu mua.

3-ht.jpg
Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)

Theo ông Nguyễn Hồng Sơn, điều đáng lo ngại hơn là việc làm này có nguy cơ phát tán nguồn bệnh lây lan qua rễ tiêu từ các vùng tiêu nhiễm bệnh sang các vùng trồng khác.

Để quản lý tốt dịch bệnh, đảm bảo phát triển hồ tiêu bền vững, Cục Trồng trọt đề nghị Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các tỉnh vùng Đông Nam Bộ và Tây Nguyên tuyên truyền hướng dẫn người sản xuất về quản lý dịch hại tổng hợp và sản xuất hồ tiêu an toàn trên địa bàn; hướng dẫn người sản xuất thực hiện tốt quy trình kỹ thuật trồng, chăm sóc, thu hoạch hồ tiêu; tổ chức vệ sinh vườn tiêu theo hướng dẫn của Cục Trồng trọt, đặc biệt lưu ý thực hiện tốt vệ sinh các điểm có trụ tiêu bị chết do bệnh chết nhanh, chết chậm; không tổ chức mua, bán hoặc phát tán rễ tiêu ra vùng lân cận.

Cán bộ chức năng phổ biến cho nhân dân biết và thực hiện tốt quy trình kỹ thuật quản lý bệnh chết nhanh, chết chậm hại hồ tiêu theo hướng dẫn của Cục Bảo vệ thực vật.

Trải nghiệm hái vải tại Lễ hội vải thiều Thanh Hà

Theo thông tin từ Sở Công Thương Hải Dương, với mục tiêu quảng bá, giới thiệu về sản phẩm vải thiều, thúc đẩy giao lưu, mở rộng việc tiêu thụ, xuất khẩu vải và các nông sản khác của Hải Dương, từ đó nâng cao giá trị nông sản, thu nhập của nông dân, Lễ hội vải thiều Thanh Hà 2018 lần đầu tiên được UBND tỉnh Hải Dương tổ chức sẽ chính thức diễn ra trong 2 ngày, 9 – 10/6.

Lễ hội sẽ diễn ra với nhiều hoạt động như: Đưa du khách đi thăm quan cây vải Tổ (ở thôn Thúy Lâm, xã Thanh Sơn, huyện Thanh Hà), thăm các vùng sản xuất vải thiều theo tiêu chuẩn VietGAP, vải xuất khẩu đi Mỹ, Australia và EU; trải nghiệm hái vải tại các vườn vải ở huyện Thanh Hà và thị xã Chí Linh; đi thuyền tham quan các vườn vải ven sông Hương, huyện Thanh Hà...

Ông Nguyễn Thanh Hải - Giám đốc Sở Công Thương Hải Dương cho biết, Sở CôngTthương thời gian qua đã phối hợp với nhiều đơn vị chuyên môn tiến hành khảo sát, kêu gọi đầu tư xúc tiến thương mại nhằm phát triển thúc đẩy thương hiệu vải thiều Thanh Hà tại các thành phố lớn như: Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Cần Thơ và hệ thống các siêu thị lớn trên cả nước, cùng với đó là tiếp tục đặt mục tiêu đưa sản phẩm vải thiều Thanh Hà vươn ra thị trường quốc tế.

4-vt.jpg
Thu hoạch vải. (Ảnh: TTXVN)

Cũng theo ông Hải, những năm qua,  ngoài thị trường truyền thống là Trung Quốc, vải thiều Hải Dương đã được xuất khẩu sang các nước như: Mỹ, Canada, Australia, Pháp, Thụy Điển, các tiểu vương quốc Ả rập thống nhất, Thái Lan, Malaysia, Singapore, Philippines…

Bà Nguyễn Thị Hà, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT Hải Dương cho biết thêm: “Vải Thanh Hà nổi tiếng nhờ có thổ nhưỡng phù sa đặc thù. Quả vải to, mọng, vỏ mỏng, đỏ đều, ngọt nhưng không ngọt sắc, hạt nhỏ, vị thơm đọng lại sau ăn. Vải ít bị sâu, lâu bị hỏng.

Được biết, huyện Thanh Hà đã bố trí 26 gian hàng trưng bày nông sản địa phương như vải quả, mật ong, ổi, sắn dây, gạo nếp, chuối, chanh...; chọn 2 cây vải (1 cây vải sớm, một cây vải chính vụ) để trang trí cho lễ hội; bố trí 3 vườn vải để hướng dẫn du khách đến thăm quan. UBND huyện chỉ đạo các xã, thị trấn làm tốt công tác vệ sinh môi trường dọc hai bên đường 390, 390B. Xã Thanh Sơn bảo đảm vệ sinh môi trường, trật tự an toàn giao thông tại khu vực cây vải tổ.

Năm 2018, Hải Dương có khoảng 10.500ha vải, sản lượng dự kiến từ 55.000 đến 60.000 tấn. Trong đó, vải sớm gồm các giống U trứng, U hồng, U thâm, Tàu Lai..., sản lượng khoảng 20.000 tấn. Đặc biệt trong năm 2018, 25 xã trồng vải ở Thanh Hà đã được cấp tem truy xuất nguồn gốc vải thiều”.

Được biết, năm 2007 vải thiều Thanh Hà đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp Giấy chứng nhận chỉ dẫn địa lý. Năm 2012, vải thiều Thanh Hà lọt top 50 sản phẩm uy tín chất lượng do Trung ương Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam bình chọn. Năm 2013 và năm 2014, sản phẩm lọt Top 10 sản phẩm uy tín chất lượng. Năm 2015 được vinh danh Top đầu với 2 giải thưởng “Thương hiệu vàng”. Năm 2016, vải thiều Thanh Hà được Hội Khoa học Kỹ thuật an toàn thực phẩm Việt Nam cấp giấy chứng nhận “Thương hiệu thực phẩm an toàn tin dùng”

Giá lúa khô lên trên 7.000 đồng/kg

Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam, giá lúa hàng hóa ở ĐBSCL tiếp tục tăng lên trong những ngày qua.

Đến nay, giá lúa khô chất lượng cao đã vượt mốc 7.000 đồng/kg và đạt mức 7.100 - 7.200 đồng/kg. Lúa khô loại thường hiện cũng đã ở mức 6.700 - 6.800 đồng/kg. 

Theo Tổng cục Hải quan, đến giữa tháng 5, XK gạo nước ta đã đạt 2,418 triệu tấn, trị giá 1,279 tỷ USD. So với cùng kỳ năm ngoái, lượng gạo XK tăng 18,69%, giá trị tăng tới 40,6%. Giá trị XK gạo tăng mạnh chủ yếu do giá gạo XK năm nay tăng cao. Trong 4 tháng đầu năm, giá gạo XK đạt bình quân 503 USD/tấn, tăng 12,9% so với cùng kỳ 2017.

Giá lợn hơi ổn định ở mức cao

Giá lợn hơi ngày 1/6 không có nhiều biến động so với mấy ngày qua và vẫn duy trì ở mức cao khoảng 45.000 - 52.000 đồng/kg.

Miền Bắc hiện có giá lợn hơi cao nhất nước, nơi thấp nhất cũng 50.000 đồng. Giá lợn hơi hôm nay tại miền Bắc được thu mua trong khoảng 50.000 - 52.000 đ/kg. Giá lợn hơi tại Yên Bái, Lào Cai, Thái Bình và Nam Định tăng nhẹ khoảng 1.000 đồng/kg. Trong đó, Yên Bái có mức giá thấp nhất trong ngày hôm qua, nay đã lên đến 50.000 đ/kg; Lào Cai và Thái Bình 51.000 đồng; còn Nam Định lên mức cao nhất trong gần 2 năm, 52.000 đồng.

Tại miền Trung, Tây Nguyên giá ổn định, giá lợn hơi không thay đổi tại các địa phương được khảo sát, với mức giá duy trì trong khoảng 44.000 - 45.000 đ/kg.

Cụ thể, giá lợn hơi tại Nghệ An, Hà Tĩnh, Thanh Hóa, Quảng Trị đang ở mức cao nhất cả nước, dao động trong khoảng 50.000 - 52.000 đ/kg. Từ Thừa Thiên Huế đến Quảng Ngãi, giá lợn hơi đạt 49.000 đ/kg. Các địa phương còn lại có mức giá thấp hơn, khoảng 44.000 - 47.000 đ/kg.

Giá lợn giống tại khu vực cũng ổn định ở mức 1,1 triệu đồng/con đối với loại 8 - 10 kg.

5-lon-hoi.jpg
Giá lợn hơi tăng mạnh ở nhiều địa phương. (Ảnh: Internet)

Tại miền Nam giá lợn hơi biến động mạnh nhất cả nước. Giá lợn hơi vẫn tăng mạnh tại Bình Phước, tăng 3.000 đồng/kg lên 48.000 đồng/kg; TP Hồ Chí Minh tăng 1.000 đồng lên 48.000 đồng/kg.

Trong khi đó, tại Đồng Tháp và Bến Tre, giá lợn hơi giảm 1.000 đồng xuống lần lượt 46.000 đồng và 48.000 đồng/kg. Còn lại giá lợn hơi không thay đổi so với ngày hôm qua. Tại chợ đầu mối TP Hồ Chí Minh, tổng lượng lợn về chợ là 4.650 con và tình hình buôn bán của các thương lái khá thuận lợi. Hiện, giá lợn hơi hôm nay tại miền Nam giao dịch trong khoảng 45.000 - 50.000 đồng/kg.

Trong khi đó, giá lợn hơi Trung Quốc xuống dưới 11 nhân dân tệ. Giá lợn hơi hôm nay tại Trung Quốc bình quân giảm thêm 0,03 nhân dân tệ/kg so với ngày hôm qua xuống 10,99 nhân dân tệ/kg (tương đương 39.039,57 đ/kg), so với tuần trước, giá lợn vẫn tăng 0,63 nhân dân tệ/kg.

Hiện, giá lợn hơi cao nhất tại Quảng Đông, trung bình đạt 11,55 nhân dân tệ/kg (tương đương 41.033,14 đồng/kg), giảm 0,05 nhân dân tệ; mức giá thấp nhất tại Tân Cương, bình quân giảm 0,04 nhân dân tệ xuống 10 nhân dân tệ/kg (khoảng 35.523,49 đồng/kg).

Bộ Nông nghiệp công bố xác minh vụ cà phê trộn lõi pin

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn công bố kết quả đoàn công tác xác minh thông tin vụ cà phê nhuộm đen bằng pin ở tỉnh Đắk Nông và tiêu thụ ở Bình Phước.

Ngày 31/5, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) đã báo cáo Phó thủ tướng Vũ Đức Đam về kết quả đoàn công tác xác minh thông tin vụ cà phê nhuộm đen bằng pin ở tỉnh Đắk Nông và tiêu thụ ở Bình Phước.

Theo báo cáo, ngày 15/4, Phòng Cảnh sát kinh tế Công an tỉnh Đắk Nông phối hợp với các cơ quan chức năng kiểm đếm khối lượng cà phê bẩn tại cơ sở sản xuất của bà Nguyễn Thị Thanh Loan (xã Đắk Wer, huyện Đắk R’lấp).

Kết quả kiểm tra cho thấy cơ sở của bà Loan có giấy chứng nhận hộ kinh doanh với ngành nghề thu mua nông sản. Ở thời điểm kiểm tra, cơ sở này có nhiều bao đựng hỗn hợp vỏ cà phê, sỏi đá nhỏ (kích thước 0,5-3 mm) nhuộm lõi pin đã được sấy khô với khối lượng hơn 21 tấn.

6-cf.jpg
Công an làm việc với chủ cơ sở sản xuất cà phê rang từ vỏ cà phê, bột đá và... pin Con Ó. (Ảnh: Internet)

Bên cạnh đó, cơ sở này còn có khoảng 4 tấn đá sỏi, 300 kg vỏ cà phê, 40 lít dung dịch màu đen, 1 cối trộn bê tông, 192 kg lõi pin và 35 kg vỏ pin đập dập cũng được phát hiện tại hiện trường. Ngoài ra, cơ sở này không treo biển hiệu theo quy định.

Theo lời khai của bà Loan, cơ sở đã bán 3 tấn hỗn hợp này cho Công ty TNHH sản xuất thương mại và dịch vụ Thảo Dung (ở khu phố Ninh Hòa, thị trấn Lộc Ninh, huyện Lộc Ninh, tỉnh Bình Phước). Cơ sở Thảo Dung dùng khoảng 1,5 tấn để trộn với 7,5 tấn hạt hồ tiêu xô khô để được 9 tấn tiêu (đây là loại tiêu chưa phân tách thành các loại tiêu trắc, tiêu lửng, tiêu lép). Số hàng này tiếp tục được bán lại cho cơ sở thu gom khác để sơ chế, chế biến và phân loại.

Tuy nhiên, Bộ NN&PTNT khẳng định số tiêu nói trên chưa được bán trực tiếp cho người tiêu dùng hay xuất khẩu. Số còn lại khoảng 1,5 tấn (trong số 3 tấn) khi có tin cơ sở bà Loan bị phát hiện vi phạm ở Đắk Nông, bà Dung đã trộn với vôi, kali và phân heo rồi giấu trong lô cây cao su với mục đích tẩu tán tang vật. Cơ quan công an thu giữ toàn bộ số hàng này để phục vụ điều tra.

Báo cáo cũng nêu rõ đây là lần đầu tiên Sở NN&PTNT tỉnh Đắk Nông phát hiện vụ việc như trên tại địa bàn.

Bộ NN&PTNT đề nghị Chủ tịch UBND cấp tỉnh chỉ đạo các cơ quan chức năng liên quan tăng cường quản lý an toàn thực phẩm với cơ sở chế biến cà phê, hồ tiêu, hạt điều và các loại nông sản khác. Trong đó, chú trọng kiểm tra điều kiện sản xuất, chế biến, kinh doanh, bảo quản nguyên liệu, thành phẩm. Triển khai kế hoạch giám sát với các cơ sở sản xuất, chế biến nông sản; các địa phương chủ động tổ chức thanh, kiểm tra đột xuất và xử lý các cơ sở chế biến, kinh doanh có dấu hiệu vi phạm.

Ngoài ra, Bộ NN&PTNT cũng kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo Bộ Công an sớm kết luận điểu tran, xử lý vụ việc và công bố công khai.

Lập khung pháp lý cho phát triển chăn nuôi
 
Dự án Luật Chăn nuôi được xây dựng nhằm thiết lập khung pháp lý nhằm phát triển ngành chăn nuôi phù hợp với phát triển kinh tế-xã hội. Qua đó thúc đẩy phát triển sản xuất ngành chăn nuôi, tạo ra nhiều việc làm, tăng thu nhập cho người dân, tạo giá trị kim ngạch xuất khẩu, ứng phó với biến đổi khí hậu.

Chiều 1/6, Quốc hội đã nghe các báo cáo về dự án Luật Chăn nuôi. Thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, trình bày Tờ trình tại Quốc hội về dự án Luật, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường cho biết ngành chăn nuôi gồm 2 lĩnh vực chủ yếu là các hoạt động chăn nuôi; sản xuất, kinh doanh thức ăn chăn nuôi theo 3 văn bản pháp lý là Pháp lệnh về giống vật nuôi do UBTV Quốc hội khóa XI ban hành ngày 24/3/2004; Nghị định số 8/2010/NĐ-CP ngày 5/2/2010 và Nghị định số 39/2017/NĐ-CP ngày 4/4/2017 do Chính phủ ban hành thay Nghị định số 08.

Tính đến nay, Pháp lệnh số 16 ra đời đã được 14 năm; Nghị định sô 08 đã ban hành được 8 năm, trong khi ngành vẫn chưa có luật.

Từ khi ban hành Pháp lệnh giống vật nuôi năm 2004 đến nay, sản lượng sản phẩm đã tăng trưởng gấp đôi trong thời gian 13 năm. Từ chỗ cả nước chỉ sản xuất được 2,5-2,7 triệu tấn thịt (năm 2005), đến nay đã tăng lên 5,4 triệu tấn. Sữa tăng từ 100.000 tấn/năm 2005 nay đã lên đến 800.000 tấn. Sản lượng trứng từ chỗ chỉ 4-4,5 tỷ quả thì năm 2016 đã đạt trên 9 tỷ quả.

7-lcn.jpg
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường trình bày Tờ trình dự án Luật Chăn nuôi. (Ảnh: Quochoi.vn)



Đối với ngành thức ăn chăn nuôi, từ chủ yếu sử dụng thức ăn đơn, phụ phẩm nông nghiệp, chăn nuôi tận dụng, đến nay, cơ bản đã sử dụng thức ăn công nghiệp ăn trực tiếp và Việt Nam đã có ngành sản xuất, kinh doanh thức ăn công nghiệp rất lớn với sản lượng năm 2016 đạt trên 20 triệu tấn (năm 2005 đạt 5 triệu tấn).

Cùng với việc phát triển mạnh, ngành chăn nuôi cũng phát sinh nhiều hệ lụy như vấn đề dịch bệnh; việc chăn nuôi trong khu dân cư, phát triển thiếu quy hoạch; kinh doanh giống giả, giống kém chất lượng; thức ăn kém chất lượng, sử dụng kháng sinh, chất cấm trong thức ăn chăn nuôi ảnh hưởng đến sức khoẻ cộng đồng…

Bên cạnh đó, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật ngành chăn nuôi cũng bộc lộ bất cập như chưa bao quát, điều chỉnh hết các hành vi có trong thực tế sản xuất, kinh doanh; một số quy định không còn phù hợp với các đạo luật mới và với thông lệ quốc tế… Đây là những vấn đề cần khắc phục.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, Luật Chăn nuôi được xây dựng nhằm thiết lập khung pháp lý điều chỉnh các quan hệ xã hội, kinh tế, môi trường, an toàn vệ sinh thực phẩm, phát triển ngành chăn nuôi phù hợp với phát triển kinh tế-xã hội. Thúc đẩy phát triển sản xuất ngành chăn nuôi, tạo ra nhiều việc làm, tăng thu nhập cho người dân, tạo giá trị kim ngạch xuất khẩu, ứng phó với biến đổi khí hậu…

Những nội dung quy định trong Luật này phải phù hợp với hệ thống pháp luật hiện hành và thực tiễn quản lý, đặc biệt là phù hợp với Hiến pháp năm 2013, Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật năm 2006, Luật Chất lượng sản phẩm hàng hoá năm 2007, Luật Doanh nghiệp năm 2014, Luật Đầu tư năm 2014, Luật Bảo vệ môi trường năm 2014... Đáp ứng được yêu cầu quản lý thực tế sản xuất, kinh doanh ngành chăn nuôi, phù hợp với nền kinh tế thị trường. Tạo hành lang pháp lý cho người sản xuất, kinh doanh hiểu biết, dễ thực hiện và cơ quan quản lý thực hiện hướng dẫn, kiểm tra, thanh tra và xử lý vi phạm.

Báo cáo thẩm tra dự án Luật do Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Phan Xuân Dũng trình bày khẳng định dự án Luật đã thể chế hóa được các yêu cầu của Nghị quyết 05-NQ/TW ngày 1/11/2016 Hội nghị Trung ương 4 khóa XII.

Tuy nhiên, Báo cáo thẩm tra đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu cụ thể hóa yêu cầu về “đẩy mạnh thực hiện chương trình xây dựng thương hiệu nông sản Việt Nam; có chính sách phù hợp để phát triển và tiêu thụ đối với các nhóm sản phẩm xuất khẩu chủ lực, có lợi thế quốc gia, lợi thế địa phương và các đặc sản vùng, miền”; tiếp tục rà soát các quy định của dự thảo Luật liên quan đến điều kiện đầu tư và kinh doanh; đánh giá sự cần thiết và tác động của dự án Luật cho phù hợp với chủ trương cải cách thủ tục hành chính hiện nay.

Về phạm vi và đối tượng điều chỉnh của dự thảo Luật, Báo cáo thẩm tra bày tỏ cơ bản nhất trí với phạm vi và đối tượng điều chỉnh như dự thảo Luật.

Tuy nhiên đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu, bổ sung thêm quy định về nội dung hoạt động sản xuất, bảo quản, chế biến, thương mại sản phẩm chăn nuôi vào dự thảo Luật; nghiên cứu, xem xét bổ sung đầy đủ và toàn diện hơn các đối tượng vật nuôi trong thực tế, đồng thời chỉnh sửa các thuật ngữ về vật nuôi cho hợp lý hơn./.

 Thanh Tâm (tổng hợp)/kinhtenongthon.vn