Nông sản Đà Lạt thua trắng trên sân nhà

Nông sản Đà Lạt thua trắng trên sân nhà
Các mặt hàng nông sản Đà Lạt đang rớt giá thê thảm vì hàng Trung Quốc lấn lướt. Thua lỗ, nợ nần chồng chất, nhiều chủ quầy trong chợ nông sản Đà Lạt phải xin nghỉ.

TP. Đà Lạt (Lâm Đồng) là vùng sản xuất rau lớn của nước ta với sản lượng hơn 2 triệu tấn rau củ quả mỗi năm. Thời gian gần đây, nhiều chủ vựa kinh doanh rau củ quả tại các huyện Lạc Dương, Đơn Dương, Đức Trọng... đã ồ ạt nhập khẩu hàng Trung Quốc về với giá rất rẻ khiến nông sản Đà Lạt rớt giá thê thảm, thậm chí ùn ứ không xuất được ra thị trường.

Chưa khi nào thảm như hiện nay

Tại các vựa rau thuộc các huyện Đơn Dương, Đức Trọng, Lạc Dương và các phường tại TP Đà Lạt, giá mặt hàng rau củ quả như khoai tây, hành tây, su hào, bắp sú, cà rốt... giá giảm từ 20%-30%, thậm chí nhiều mặt hàng còn giảm hơn 50% so với cùng kỳ năm ngoái.

Giá giảm nhưng thương lái không mặn mà đến thu mua. Cụ thể giá khoai tây tại vườn chỉ được các thương lái mua với giá 5.000-7.000 đồng/kg (bằng nửa giá so với niên vụ trước), hành tây ở mức 3.000 đồng/kg, su su 2.000 đồng/kg; củ dền, cải thảo, cà rốt... chỉ dao động 2.000-3.000 đồng/kg (giá cùng kỳ năm ngoái hơn 10.000 đồng/kg).

Trong quý I/2018, tổng giá trị nhập khẩu mặt hàng rau quả của cả nước xấp xỉ 340 triệu USD. Nông sản trong nước liên tục rớt giá với nhiều chiến dịch giải cứu dưa hấu ở Quảng Nam, Quảng Ngãi...

Mọi năm thương lái cứ nườm nượp đến tranh mua, vụ này thì hầu hết người dân mặc kệ rau củ quả tự hủy ngoài ruộng vì giá cả rớt giá thảm hại. Gia đình ông Trần Thanh Nhã (một nông dân xã Lạc Lâm, huyện Đơn Dương) canh tác gần 1,5 ha bắp sú. Nhiều năm gần đây có 2 doanh nghiệp đến nhà ông thu mua thường xuyên. Năm nay, họ đã đặt cọc trước 50 triệu đồng mà nông sản đến đợt thu hoạch, ông đã gọi điện nhiều lần vẫn không thấy bắt máy.

Vụ này, gia đình chị Nguyễn Thị Phương Bình (ngụ phường 7, TP Đà Lạt) đầu tư trồng 3 sào hành tây. Năng suất cao nhưng giá lại thấp khiến chị đứng ngồi không yên. "Thương lái đến hỏi mua trả lên trả xuống chưa tới 5.000 đồng/kg mà còn không muốn mua. Mức giá này cộng tiền thuê nhân công thu hoạch 250.000 đồng/ngày thì coi như vụ này tôi mất trắng" - chị Bình ngán ngẩm nói.

Trong khi các nông dân chán nản vì giá nông sản rớt thê thảm, rau củ thu hoạch ứ đọng không bán được thì tại vựa rau lớn C.E (thị trấn Thạnh Mỹ, huyện Đơn Dương) tấp nập xe container ra vào. Người dân cho biết vựa rau này không hề thu mua các mặt hàng nông sản ở địa phương mà nhập từ Trung Quốc, sau đó đóng nhãn mác chuyển qua xe tải mang biển số Lâm Đồng đưa đi các tỉnh khác tiêu thụ.

Bà E. (đại diện vựa rau này) thừa nhận: "Theo quy định thì không cấm các doanh nghiệp nhập khẩu mặt hàng nông sản từ nước ngoài. Nơi nào rẻ, bán ra có lời, không phạm pháp là chúng tôi kinh doanh. Điều này không ai cấm cả!".

Ông Nguyễn Thế Hiền, đại diện ban quản lý chợ nông sản Đà Lạt, phản ánh không chỉ người dân lâm vào cảnh khó khăn mà ngay tại chợ nông sản này, nhiều chủ quầy kinh doanh bao nhiêu năm nay giờ đã gửi đơn xin nghỉ vì hàng Đà Lạt không xuất đi được, thậm chí có người phải bán cả xe tải để trả nợ vay ngân hàng. "Chưa thấy năm nào mặt hàng nông sản Đà Lạt lại rơi vào thảm cảnh như thế này!" - ông Hiền nói.

Nông sản Đà Lạt thua trắng trên sân nhà - Ảnh 2.

Người dân Đà Lạt lỗ nặng vì rau củ rớt giá

Bảo vệ thương hiệu rau Đà Lạt

Theo người dân địa phương, rau củ quả Trung Quốc hình thức đẹp, giá lại rẻ, phong phú chủng loại từ bắp cải, cà chua, gừng, hành, tỏi, cam, quýt, mận, đào, lê, táo, dưa hấu… Ngay cả các loại quả đặc sản của Đà Lạt như hồng, dâu tây vẫn bị đụng hàng Trung Quốc.

Bà Lê Thị Hương (50 tuổi, ngụ thị trấn Thạnh Mỹ, huyện Đơn Dương) nói các doanh nghiệp ồ ạt nhập tất cả mặt hàng từ Trung Quốc xong phù phép thành các đặc sản Đà Lạt. Phải rành về mặt hàng nông sản thì mới biết, chứ người dân bình thường thì không ai có thể phân biệt đâu là hàng Trung Quốc và đâu là hàng Đà Lạt.

Đáng chú ý, tình trạng nông sản Trung Quốc đội lốt nông sản Đà Lạt đã được cảnh báo nhiều năm nay nhưng vẫn chưa có giải pháp gì hiệu quả để bảo vệ thương hiệu nông sản Đà Lạt. Theo ông Trần Thanh Vũ, Trưởng Phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện Đơn Dương, phần lớn các mặt hàng nhập từ Trung Quốc đều không tiêu thụ ở địa phương. Nhiều cơ sở nhập về sơ chế lại sau đó đem đi tiêu thụ một số địa bàn khác.

Mặc dù thiếu minh bạch về nguồn gốc, xuất xứ sản phẩm nhưng "khó khăn ở đây là không thể cấm doanh nghiệp nhập nông sản từ Trung Quốc. Mặt khác, rất khó để phát hiện được họ có hay không việc đánh tráo các mặt hàng với nhau sau khi sơ chế lại đưa ra thị trường tiêu thụ" - ông Vũ nói.

Về quản lý và giữ vững thương hiệu nông sản Đà Lạt, ông Nguyễn Văn Sơn, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Lâm Đồng, cho hay tỉnh Lâm Đồng đã đưa ra nhiều giải pháp, giao cho UBND TP Đà Lạt chủ trì, bảo đảm nông sản sạch, đáp ứng đủ các tiêu chí như chất lượng ngoại hình, mẫu mã đẹp mắt, an toàn vệ sinh thực phẩm, tổ chức sản xuất và kiểm soát truy xuất nguồn gốc... sau đó mới được tiến hành dán nhãn nông sản Đà Lạt. Theo ông Sơn, hiện nay đã có một số đơn vị tạo thành chuỗi liên kết sản xuất an toàn bảo vệ thương hiệu Đà Lạt nhưng còn rất ít. Tuy nhiên, việc này cần có lộ trình để bảo đảm tính bền vững chứ không thể thực hiện ngay được.

Nông sản có thương hiệu cũng bị ảnh hưởng

Không chỉ người nông dân khóc ròng mà nhiều doanh nghiệp sản xuất theo hướng khép kín có thương hiệu ở Đà Lạt vẫn bị ảnh hưởng theo mặt bằng giá chung. Bà Nguyễn Thị Ánh Tuyết, Phó Giám đốc HTX Dịch vụ Nông nghiệp tổng hợp Anh Đào Đà Lạt, cho biết hằng năm, đơn vị xuất ra thị trường khoảng hơn 400 tấn rau củ quả của hơn 20 thành viên trong hợp tác xã và gần 200 nông hộ liên kết sản xuất và thu mua theo chuỗi khép kín. Điều này không ảnh hưởng đến việc các nơi nhập khẩu từ Trung Quốc. Tuy nhiên, mặt bằng chung các mặt hàng rau củ quả đang giảm giá khoảng 10%-20% so với cùng kỳ năm ngoái.

 

 

 NLĐO