Tăng cường phòng chống rầy nâu, bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá hại lúa

Tăng cường phòng chống rầy nâu, bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá hại lúa
Sau hơn 10 năm được khống chế, năm 2017 bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá hại lúa đã bùng phát gây hại trở lại ở các tỉnh phía Nam với diện tích nhiễm bệnh 16.360 ha. Năm 2018, bệnh phát sinh gây hại từ vụ lúa Đông Xuân và tiếp tục gây hại trên lúa Hè Thu với diện tích nhiễm hơn 6.200 ha, tập trung tại các tỉnh Kiên Giang, Hậu Giang, Đồng Tháp, An Giang, Sóc Trăng và Bạc Liêu.

Ngoài các nguyên nhân khách quan thì nguyên nhân chủ quan dẫn đến sự gia tăng quy mô và mức độ gây hại của bệnh trong thời gian qua là do tâm lý chủ quan của người nông dân, công tác chỉ đạo của một số địa phương còn chưa quyết liệt, nhất là công tác chỉ đạo nông dân xuống giống theo đúng khuyến cáo lịch thời vụ của cơ quan chuyên môn.

Để chủ động phòng, chống, ngăn ngừa sự lây lan, bùng phát thành dịch của rầy nâu, vàng lùn, lùn xoắn lá và bảo vệ an toàn vụ lúa Hè Thu 2018 và các vụ lúa tiếp theo, Bộ Nông nghiệp và PTNT đã có văn bản số 4239/BNN-BVTV ngày 4/6/2018 về việc tăng cường phòng chống rầy nâu, bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá hại lúa, cụ thể:

1. UBND các tỉnh, thành chỉ đạo UBND các cấp, các ban ngành, cơ quan chuyên môn của địa phương nghiêm túc tổ chức thực hiện các nội dung sau:

- Thực hiện nghiêm túc văn bản chỉ đạo số 5112/BNN-BVTVngày 21/6/2017 của Bộ Nông nghiệp và PTNT.

- Đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền; huy động sự vào cuộc quyết liệt của các tổ chức, đoàn thể tại địa phương trong việc hướng dẫn, chỉ đạo nông dân thực hiện nghiêm túc lịch gieo sạ tập trung, né rầy theo hướng dẫn của cơ quan chuyên môn.

- Phân công cán bộ bám sát đồng ruộng theo dõi diễn biến của rầy nâu và bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá trên các trà lúa từ mạ đến đẻ nhánh, phát hiện sớm các ổ dịch và báo cáo kịp thời lên cơ quan chuyên môn cấp trên để có biện pháp xử lý thích hợp.

- Củng cố hệ thống bẫy đèn, theo dõi sát các đợt rầy nâu di trú để đề xuất lịch gieo sạ né rầy.

2. Giao Cục Bảo vệ thực vật

- Tiếp tục chỉ đạo hệ thống bảo vệ thực vật cơ sở phối hợp chặt chẽ với Trung tâm Bảo vệ thực vật vùng, tăng cường cán bộ kỹ thuật bám sát đồng ruộng, hướng dẫn, chỉ đạo nông dân thực hiện các biện pháp phòng chống kịp thời rầy nâu, bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá.

- Thực hiện kiểm tra, phân tích xác định và trả lời sớm kết quả các mẫu rầy mang virus gây bệnh theo yêu cầu của các địa phương.

3. Giao Cục trồng trọt

- Phối hợp với Cục Bảo vệ thực vật trong việc xây dựng lịch thời vụ gieo sạ phù hợp, tránh các cao điểm gây hại của rầy nâu, bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá và các sinh vật gây hại khác.

- Chỉ đạo các địa phương hạn chế sử dụng các giống lúa nhiễm rầy, bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá.

4. Giao Trung tâm Khuyến nông Quốc gia

- Tăng cường các cuộc tập huấn, hội thảo, tọa đàm hướng dẫn các giải pháp quản lý rầy nâu, bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá tại các địa phương xuất hiện ổ dịch hoặc có nguy cơ bùng phát dịch

- In ấn bổ sung tài liệu hướng dẫn các biện pháp phòng chống rầy nâu, bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá (sổ tay, tờ rơi, poster) phát đến tay người nông dân.

Theo khuyennongvn.gov.vn