10 năm thực hiện NQ tam nông: Khi cả hệ thống chính trị vào cuộc

10 năm thực hiện NQ tam nông: Khi cả hệ thống chính trị vào cuộc
Điểm nổi bật nhất trong quá trình thực hiện 10 năm nghị quyết tam nông chính là thành quả của quá trình tái cơ cấu nông nghiệp ngày càng được thể hiện rõ và xây dựng nông thôn mới đã phong trào rộng khắp, thu hút cả hệ thống chính trị và người dân tham gia.

Đột phá quá trình tái cơ cấu

Theo báo cáo của Bộ NNPTNT, sau 10 năm thực hiện Nghị quyết 26 về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, ngành nông nghiệp tiếp tục duy trì tăng trưởng và đang chuyển mạnh theo hướng sản xuất hàng hóa với quy mô, năng suất và chất lượng ngày càng cao. Giai đoạn 2008 - 2017, tốc độ tăng trưởng GDP toàn ngành đạt  trung bình 2,66%/năm, giá trị sản xuất tăng 3,9%/năm.

 10 nam thuc hien nq tam nong: khi ca he thong chinh tri vao cuoc hinh anh 1

Cả nước đã có 3.478 xã đạt chuẩn nông thôn mới. tư liệu

Ngày mai, 27.11, tại Trung tâm Hội nghị quốc gia sẽ diễn ra hội nghị trực tuyến với 63 tỉnh thành trong cả nước tổng kết Nghị quyết T.Ư 7 Khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn (Nghị quyết số 26-NQ/T.Ư), với quy mô 500 đại biểu đầu cầu Hà Nội và 50-100 đại biểu tại các đầu cầu mỗi tỉnh, thành phố.
Bên lề hội nghị còn có 3 hội thảo quốc tế, quy mô 250 đại biểu; triển lãm thành tựu về 10 năm phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn với quy mô hơn 100 gian hàng của các bộ, ngành, địa phương, Viện nghiên cứu, doanh nghiệp tiêu biểu về nông nghiệp, các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ, tổ chức tín dụng và doanh nghiệp công nghệ hỗ trợ phát triển nông nghiệp, nông thôn.

Hiện đã có 10 nhóm mặt hàng xuất khẩu đạt kim ngạch từ 1 tỷ USD/năm trở lên, 5 mặt hàng: tôm, trái cây, hạt điều, cà phê và đồ gỗ đạt kim ngạch từ 3 tỷ USD/năm. Giá trị xuất khẩu nông sản của Việt Nam hiện đứng thứ 2 ở Đông Nam Á và đứng thứ 15 thế giới, xuất khẩu tới 180 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Thu nhập bình quân hộ gia đình ở nông thôn từ 75,8 triệu đồng năm 2012 lên 130 triệu đồng năm 2017, góp phần quan trọng vào xóa đói giảm nghèo, nâng cao đời sống của người dân vùng nông thôn. Hiện cả nước đã có 3.478 xã đạt chuẩn nông thôn mới, bình quân đạt 14,26 chỉ tiêu/xã; 53 đơn vị cấp huyện, thị xã đạt chuẩn nông thôn mới.

Đặc biệt, số lượng doanh nghiệp nông nghiệp tăng từ 2.397 năm 2007 (chiếm 1,61% doanh nghiệp cả nước) lên 7.033 doanh nghiệp năm 2017 (tăng 2,93 lần) với số vốn 213.394,9 tỷ đồng. Nhiều doanh nghiệp đã trở thành nòng cốt của chuỗi giá trị nông sản và sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, phát triển thị trường.

“Đây là một nghị quyết rất đúng và trúng và đáp ứng yêu cầu thực tiễn. Chính vì vậy, nghị quyết được triển khai đi vào cuộc sống, được sự đồng tình, ủng hộ của cả hệ thống Chính trị và toàn xã hội. Từ đó, tạo nên một bước ngoặt trong lĩnh vực nông nghiệp” - Bộ trưởng Bộ NNPTNT Nguyễn Xuân Cường khẳng định.

Giải quyết những thách thức nội tại

Tuy nhiên, ngành nông nghiệp vẫn còn nhiều vấn đề nội tại cần giải quyết. Quá trình phát triển ngành nông nghiệp vẫn có nhiều yếu tố thiếu bền vững, tăng trưởng chưa vững chắc, những yếu kém nội tại mặc dù đã được khắc phục nhiều từ khi thực hiện đề án tái cơ cấu ngành, nhưng chưa đáp ứng được đòi hỏi của nền sản xuất hàng hóa tập trung, quy mô lớn và tiêu chuẩn cao từ thị trường quốc tế. Thị trường tiêu thụ diễn biến khó lường. Tiêu thụ nông sản có lúc, có nơi bị chậm, ảnh hưởng đến sản xuất.

Năng lực cạnh tranh quốc gia, của sản phẩm và doanh nghiệp bị hạn chế do vốn đầu tư thấp, thiếu khoa học công nghệ tiến bộ, thiếu nguồn nhân lực lao động và quản lý chất lượng cao, hạ tầng chưa đồng bộ, cho tới nay có rất ít thương hiệu và chỉ dẫn địa lý gắn với nông sản.

Thu nhập và đời sống của người dân nông thôn đã được cải thiện, nhưng còn thấp, chênh lệch với khu vực đô thị có xu hướng doãng rộng ra. Nông thôn vẫn hàm chứa những thành tố phát triển chưa bền vững. Vấn đề về môi trường nông thôn đang ngày càng có dấu hiệu nghiêm trọng ở một số địa bàn, phức tạp, khó xử lý.

Trước những thách thức này, Trưởng ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình yêu cầu, ngành NNPTNT cần thực hiện đồng bộ các giải pháp trên các lĩnh vực tuyên truyền vận động nhân dân và nâng cao nhận thức của chính quyền các cấp thực hiện các chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước về cơ cấu lại nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới.

"Xây dựng thể chế, cơ chế chính sách, làm tốt công tác quy hoạch, huy động các nguồn lực đẩy mạnh tái cơ cấu nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới. Đồng thời, nâng cao năng lực, vai trò làm chủ của người dân nông thôn, phát huy mạnh mẽ vai trò chủ thể của nông dân trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn" - ông Bình nhấn mạnh.

Tại một hội nghị về nông nghiệp công nghệ cao được tổ chức tại Lâm Đồng, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã “đặt hàng” cho ngành nông nghiệp Việt Nam trong 10 năm tới sẽ đứng vào top 15 nước phát triển nhất thế giới với ngành chế biến nông sản thuộc top 10.

Theo Dân Việt