Chăn nuôi thủy cầm có lợi thế lớn

Chăn nuôi thủy cầm có lợi thế lớn
Đó là khẳng định của ông Nguyễn Văn Trọng, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NN-PTNT). Để nắm bắt lợi thế đó, theo ông Trọng, ngay từ khâu SX giống, nhiệm vụ của các nhà nghiên cứu là phải tạo ra những con giống có năng suất, chất lượng, phù hợp với thị hiếu tiêu dùng…
11-00-25_2
Ông Nguyễn Văn Trọng, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi

Mới đây tại Bắc Ninh, Trung tâm Nghiên cứu gia cầm Thụy Phương (Viện Chăn nuôi) đã tổ chức hội nghị tổng kết mô hình chăn nuôi vịt chuyên thịt dòng SD và ngan giá trị kinh tế cao VS7 theo hướng an toàn sinh học. Đây đều là những giống thủy cầm do đơn vị này nghiên cứu, chọn tạo và đã được Bộ NN-PTNT công nhận chính thức.

Mô hình được triển khai tại các trang trại quy mô nông hộ ở Hà Nội, Hải Dương, Bắc Ninh, Hà Nam, Nam Định và Thái Bình từ năm 2016 – 2018.

Ông Đoàn Đình Hường, xã Trung Chính, huyện Lương Tài (Bắc Ninh) cho biết, gia đình được lựa chọn tham gia dự án, được cấp 500 con ngan giống VS7. Trải qua thời gian nuôi, ông Hường đánh giá, giống ngan này khỏe mạnh, ít bệnh tật nên tỷ lệ sống rất cao. Ngan sinh trưởng ổn định, cho năng suất cao, chất lượng thịt tốt.

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Đức Thịnh, chủ hộ chăn nuôi đến từ Thái Bình khẳng định, gia đình ông đã nuôi gia cầm 20 năm nay, nhưng hiếm có được giống nào tốt như VS7. “Năm 2016, nhà tôi cũng được cấp 500 con ngan giống VS7. Khi nuôi thấy tỷ lệ sống cao trên 95%. So với các giống đã nuôi trước đây, tôi thấy vượt trội hơn, ngan khỏe mạnh, đề kháng với bệnh tật tốt”.

11-00-25_1
Chăn nuôi thủy cầm ở Việt Nam đứng thứ 2 trên thế giới

Cũng theo ông Thịnh, ngoài việc được tiếp cận với một giống ngan chất lượng, khi tham gia mô hình, gia đình ông và nhiều hộ xung quanh còn hiểu hơn về quy trình phòng bệnh, cung cấp dinh dưỡng cho vật nuôi một cách bài bản.

Ông Vũ Thái Ninh, GĐ Trung tâm Khuyến nông Bắc Ninh khẳng định, địa phương vẫn tập trung phát triển chăn nuôi dù gặp nhiều khó khăn về đất SX. Bắc Ninh là tỉnh nhỏ hẹp, diện tích đất dành cho SXNN ngày một thu hẹp, nhường chỗ cho các loại hình công nghiệp, dịch vụ. Bù lại, địa phương này có nhiều diện tích ao hồ, kênh rạch, là điều kiện vô cùng thuận lợi cho phát triển chăn nuôi thủy cầm.

Chủ nhiệm dự án, TS Nguyễn Thị Nga, Phó GĐ Trung tâm Nghiên cứu gia cầm Thụy Phương cho biết, qua 3 năm, dự án đã xây dựng được 18 mô hình với quy mô 60.000 con vịt SD và 120.000 con ngan VS7. Đã có 360 hộ dân được chọn lựa tham gia mô hình. Từ việc chọn địa điểm, hộ tham gia đều được dự án thực hiện nghiêm ngặt, bài bản. Các chủ hộ phải ký hợp đồng thỏa thuận và cam kết với sự xác nhận của chính quyền địa phương. Tất cả đều được tập huấn kỹ thuật đủ, cán bộ kỹ thuật luôn túc trực tại địa phương để giám sát.

Bà Nga khẳng định, qua 3 năm triển khai dự án đã cho thấy sự ảnh hưởng rõ rệt của việc áp dụng các tiến bộ kỹ thuật về con giống, chăm sóc nuôi dưỡng vào SX của người nông dân. Dự án đã giúp người dân nắm bắt quy trình chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học, hạn chế dịch bệnh nguy hiểm. Đồng thời giảm chi phí chăn nuôi, nâng cao hiệu quả kinh tế.

Ông Nguyễn Văn Trọng, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi đánh giá, dự án là cú hích giúp người nông dân có động lực SX hơn. Để cạnh tranh, ngành chăn nuôi thủy cầm phải đặt mục tiêu làm sao cải tiến năng suất, hạ giá thành sản phẩm. Chính vì vậy, việc nâng cao chất lượng con giống là điều vô vùng quan trọng.

11-00-25_3
Các đại biểu tham dự hội nghị
PGĐ Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, bà Hạ Thúy Hạnh khẳng định, thủy cầm đang đóng vai trò quan trọng trong ngành chăn nuôi. Qua theo dõi, dự án đã đạt được những kết quả tích cực, thúc đẩy ngành chăn nuôi thủy cầm ở nhiều địa phương. Thời gian tới, cần tạo điều kiện cho các đơn vị nhập thêm giống thủy cầm mới, năng suất, chất lượng để tiến hành nghiên cứu, chọn tạo và nhân giống.
KẾ TOẠI/ Nông nghiệp