Đưa rau rừng về phố

Đưa rau rừng về phố
Từ loại rau rừng tự mọc trong thiên nhiên, một số hộ dân trên địa bàn huyện Kon Plông (Kon Tum) đã mạnh dạn đưa về trồng, biến thành đặc sản và cung ứng cho các thị trường lớn như Hà Nội, Đà Nẵng, Vũng Tàu, TPHCM… Giờ đây, trong các bữa tiệc ở Kon Plông, ngoài đặc sản là cơm lam, gà nướng còn có đặc sản rau rừng. Thậm chí, nhiều người tìm đến nơi đây đôi khi chỉ vì… “phải lòng” đĩa rau xanh, giòn tan, hấp dẫn.

Chuyển hướng trồng rau rừng

Hành trình đến với rau rừng (rau lủi) là một câu chuyện dài và bất ngờ với anh Phùng Thế Hùng – Giám đốc Công ty TNHH Bảo Gia Việt. Bởi khi đặt chân đến Kon Plông, hướng của anh là cung cấp các chế phẩm sinh học xuất xứ từ Nhật Bản và phát triển cây ăn quả.

Vậy mà, chỉ sau một thời gian ngắn, anh sử dụng gần hết quỹ đất (6/7ha) để đầu tư phát triển loại rau còn kén người ăn, chưa thịnh hành trên thị trường: rau rừng. Dẫn chúng tôi ra thăm vườn rau bạt ngàn xanh tốt, anh Hùng cười, chia sẻ về cơ duyên: “Ban đầu tôi không thích loại rau này, không hiểu sao, bây giờ lại có duyên với nó thế”.

Cách đây khoảng 3 năm, nhìn bà con hay hái rau rừng ăn, anh cũng thử hái về trồng. Tuy nhiên, khác với nhiều người, anh thấy không mấy hấp dẫn. Tình cờ trong nhiều lần đi công tác qua các tỉnh, thành TPHCM, Hà Nội, Đà Nẵng… vào các bữa tiệc sang trọng, anh đều thấy đĩa rau rừng quen thuộc. Thậm chí, nhiều vị khách còn quyết tìm đến một số nhà hàng chỉ vì… “phải lòng” món rau rừng. “Các nhà hàng, khách sạn bán được chắc chắn mình cũng sẽ bán được. Tại sao không phát triển thành thương hiệu rau rừng Măng Đen, tôi lóe lên ý nghĩ như thế”, anh kể.

Ý tưởng táo bạo đó nhanh chóng được anh thực hiện. Từ đám rau nhỏ, anh mua 3kg giống về thử trồng xen vào vườn cam với ý nghĩ nếu thành công sẽ cắt bán, không thì trồng phủ để cỏ khỏi mọc. Chẳng cần chăm bẵm nhiều, vườn rau cứ thế xanh tốt. Anh cắt, thử đem ra Hà Nội chào hàng.

“Thoạt đầu họ không dám mua vì sợ mình không đủ số lượng để cung ứng đều. Sau quá trình thuyết phục, chứng minh có thể cung ứng đầy đủ, họ đã đồng ý đặt hàng”, anh Hùng nói. Có đơn hàng ổn định, anh nghĩ đây là hướng đi đúng và bắt đầu nhân rộng từ 5 sào lên 5ha. Sau thị trường ở Hà Nội, anh tiếp tục nhận được đơn đặt hàng ở TPHCM, Vũng Tàu, Đà Nẵng, Kon Tum… Để có đủ lượng rau cung ứng mỗi ngày, anh quyết định trồng hết 6ha rau rừng.

Ngoài anh Hùng, ở Măng Đen hiện nay còn có một công ty chuyên sản xuất, cung ứng rau rừng, đó là Công ty TNHH Moai Măng Đen của anh Phạm Nguyễn Ngọc Duy, thành lập vào tháng 3/2018. Duy vốn là cử nhân Quản lý dự án, Đại học Bách khoa Đà Nẵng, đến với rau rừng cũng là một cơ duyên. Tháng 12/2017, trong một lần tình cờ lên Măng Đen chơi, Duy chuyển hướng, quyết định ở lại với ý tưởng trồng rau rừng.

“Lúc đó, trên này đã có vài người trồng. Từ các nguồn tìm kiếm thông tin, nhận thấy loại rau này có tính bền vững, cho giá trị kinh tế cao nên tôi quyết tâm phát triển”, Duy chia sẻ. Bước đầu thử nghiệm, dẫu còn nhiều khó khăn nhưng cậu bạn trẻ luôn cố gắng. Từ 1-2 sào, Duy dần mở rộng lên 6 sào. Cùng với việc sản xuất, cậu bạn dần dần tìm đầu ra cho sản phẩm. “Đến bây giờ đầu ra tương đối ổn định. Em đang cố gắng đảm bảo đủ lượng hàng cung ứng”, Duy tỏ ra phấn khởi.

Rau rừng Măng Đen với đặc trưng lá dày, đậm màu, ngon giòn nên được khách hàng ưa chuộng

Xây dựng thương hiệu rau rừng Măng Đen

Đặc trưng khí hậu lạnh, mưa nhiều, rau rừng ở Măng Đen có thời gian sinh trưởng và phát triển dài hơn so với những nơi khác. Thế nhưng, ngược lại, rau nơi này rất được khách hàng ưa chuộng bởi lá dày, đậm vị, ngon, giòn.

“Nhiều khách hàng sau khi thưởng thức rau rừng Măng Đen đã so sánh và đặt hàng nhiều hơn. Mỗi ngày tôi nhập bình quân 150kg, có ngày nhập đến 300kg cho các đầu mối. Với mức giá 25 ngàn đồng/kg (đã lo chi phí vận chuyển), thu nhập từ rau rừng khá ổn”, anh Hùng cho biết.

Theo lời anh Hùng, thông thường, cứ sau 20 ngày, 1 luống rau đã có thể cho thu hoạch. “Ngoài việc cung cấp hàng, sau này nếu có quỹ đất nhân rộng, tôi có hướng sấy khô lạnh để bảo quản tốt hơn, lâu hơn mà vẫn đảm bảo độ ngon, giòn cho rau”, anh Hùng trình bày dự định hướng phát triển sản phẩm rau rừng của mình.

Việc chăm bón rau rừng khá dễ dàng nhưng thực tế độ PH trong đất thấp, khí hậu lạnh, mưa nhiều khiến rau không tránh khỏi sâu bệnh. Tuy nhiên, hướng đến xây dựng thương hiệu rau rừng Măng Đen ngon, đặc trưng, không hóa chất, ngoài việc kén chọn phân bón hữu cơ để cân bằng dinh dưỡng cho đất, anh Hùng chỉ sử dụng hỗn hợp ớt, tỏi, gừng… phun lên rau để diệt sâu bọ.

Chàng cử nhân quản lý Ngọc Duy cũng khẳng định sẽ phát triển theo hướng nông nghiệp hữu cơ. “Khách hàng ưa chuộng rau không chỉ vì ngon mà còn vì sạch và an toàn. Chính vì vậy, tôi sản xuất theo hướng Vietgap, không sử dụng hóa chất”, Duy chia sẻ. Phương pháp phòng trừ sâu bệnh Duy thường hay sử dụng đó là sau khoảng thời gian canh tác, Duy để đất trống, cải tạo lại và luân canh cây trồng hợp lý.

Cùng với các sản phẩm gạo đỏ, cơm lam, cá tầm…, rau rừng đang góp phần làm nên đặc trưng ẩm thực của mảnh đất Đông Trường Sơn - Kon Plông. Hiện nay, ngoài việc các hộ gia đình, công ty, doanh nghiệp tự phát, huyện Kon Plông cũng đã có hướng hỗ trợ, phát triển, giới thiệu để mọi người biết đến đặc sản rau rừng.

Với sự nỗ lực của đất và người Kon Plông, món rau rừng Măng Đen đang “thuận buồm, xuôi gió” xuôi về phố. Những vườn rau xanh bạt ngàn từng bước tạo thu nhập ổn định cho người trồng, vừa giới thiệu được sản phẩm đặc trưng, hút khách du lịch tìm đến thưởng thức…

Phát triển rau rừng là một trong những hướng đi mới, hay. Hiện nay, huyện đang thống kê để có hướng hỗ trợ làm tiêu chuẩn chất lượng cho sản phẩm. Trong một số cuộc họp, huyện cũng đã mời đại diện hệ thống siêu thị Big C đến, đặt vấn đề để tạo đầu ra cho sản phẩm.
Ông Lê Đức Tín - Phó Chủ tịch UBND huyện Kon Plông

 


Tác giả bài viết: Nguyên Phúc