Góp sức xây dựng điểm sinh hoạt cộng đồng

Góp sức xây dựng điểm sinh hoạt cộng đồng
Từ đầu năm 2018 đến nay, mô hình “Phụ nữ tham gia xây dựng điểm sinh hoạt cộng đồng xanh - sạch - đẹp và thân thiện với môi trường” được cán bộ, hội viên phụ nữ các huyện triển khai hiệu quả. Hiện trên địa bàn TP Hà Nội có 122 điểm sinh hoạt cộng đồng được chị em chung tay xây dựng, không chỉ làm đẹp cảnh quan, giữ gìn vệ sinh môi trường mà còn góp phần nâng cao đời sống tinh thần cho người dân.

 

Hội viên phụ nữ xã Cộng Hòa (Quốc Oai) chăm sóc vườn hoa, bảo đảm xanh tốt.

Dù trời nắng nóng, nhưng cứ vào buổi chiều, các hội viên phụ nữ thôn 6, xã Cộng Hòa, huyện Quốc Oai lại thay nhau chăm sóc đoạn đường hoa ở khuôn viên nhà văn hóa thôn. Đây là một trong những điểm sinh hoạt cộng đồng do Hội Liên hiệp phụ nữ xã thực hiện bằng phương thức xã hội hóa. Trong khuôn viên này, các chị đã trồng 1.200 cây hoa ngũ sắc trên diện tích 1.600m2 và 650 cây hoa hồng quanh tường bao…, kèm theo đó là hệ thống phun tưới được thiết kế tự động, bảo đảm thuận lợi cho việc chăm sóc. 

Chị Bùi Thị Hồng Hiệu, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ huyện Quốc Oai cho biết, đến nay 22/22 cơ sở hội đã triển khai mô hình “Phụ nữ tham gia xây dựng điểm sinh hoạt cộng đồng xanh - sạch - đẹp và thân thiện với môi trường”. Sau khi làm điểm tại thôn 6, xã Cộng Hòa đã có 34 điểm sinh hoạt cộng đồng thực hiện mô hình này. 

Còn người dân thôn Ninh Cẩm, xã Tân Dân, huyện Sóc Sơn rất phấn khởi khi điểm sinh hoạt cộng đồng được Hội Liên hiệp phụ nữ xã xây dựng đưa vào sử dụng. Trong đó có thư viện với hơn 300 đầu sách, báo, tạp chí. Đặc biệt, những bức tường ở đây còn được trang trí, ký họa nhiều chủ đề về quê hương, đất nước, con người, tạo không gian thân thiện, sạch đẹp, là điểm đến ưa thích của người dân.

Tại huyện Đông Anh, để triển khai mô hình này, Hội Liên hiệp phụ nữ huyện đã phát động cuộc thi “Chi hội phụ nữ tích cực tham gia xây dựng điểm sinh hoạt cộng đồng xanh - sạch - đẹp, thân thiện với môi trường” tới 24 chi hội. Mỗi chi hội đăng ký tham gia bằng những hành động cụ thể, thiết thực và xã Cổ Loa được chọn là đơn vị làm điểm. Với sự vào cuộc tích cực của cán bộ, hội viên, điểm sinh hoạt cộng đồng đã được hoàn tất. 

Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ xã Cổ Loa Nguyễn Thị Hường chia sẻ: “Ngoài trồng cây, tại điểm sinh hoạt cộng đồng còn có bộ dụng cụ thể dục thể thao ngoài trời, phục vụ cán bộ, hội viên và nhân dân tham gia sinh hoạt, tập luyện, tạo sự đoàn kết, gắn bó”.

Điều đáng mừng là, ngay sau khi Hội Liên hiệp phụ nữ TP Hà Nội phát động mô hình này đã thu hút đông đảo cán bộ, hội viên phụ nữ tham gia. Mỗi đơn vị khối huyện đăng ký thực hiện mô hình tại ít nhất 5 nhà văn hóa, với tổng số đăng ký là 116 điểm, nhưng đến nay đã có 122 điểm được nghiệm thu. Nhiều huyện hoàn thành vượt mức chỉ tiêu giao như: Đông Anh, Sóc Sơn, Ba Vì... 

Tiêu chí thực hiện và đánh giá được chị em cụ thể hóa bằng những việc làm thiết thực như: Đảm nhận tổng vệ sinh môi trường, không có rác, phế thải tồn đọng xung quanh khu vực nhà văn hóa; trồng thêm nhiều cây xanh, hoa; trang bị thêm dụng cụ thể thao… Tuy nhiên, do diện tích nhà văn hóa và khu vui chơi có thôn rất rộng, do đó việc vệ sinh môi trường, chăm sóc hoa, cây cảnh còn khó khăn…

Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ TP Hà Nội Lê Kim Anh cho biết thời gian tới, hội phụ nữ các cấp sẽ nâng cao chất lượng hoạt động tại điểm sinh hoạt cộng đồng. Đặc biệt là tiếp tục tuyên truyền, vận động hội viên và nhân dân thực hiện tốt công tác vệ sinh môi trường; duy trì và nhân rộng các điểm thực hiện tốt các tiêu chí xây dựng nông thôn mới, gắn với phong trào thi đua “Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc” và cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch”, chung tay tạo nên diện mạo mới cho khu vực nông thôn.
 

Tác giả bài viết: Dương Linh

Nguồn tin: Báo Hà Nội Mới