Hợp tác xã kiểu mới - hướng đi bền vững

Hợp tác xã kiểu mới - hướng đi bền vững
Thời gian qua, nhiều hợp tác xã (HTX) trên địa bàn tỉnh Tiền Giang đã thay đổi cách thức hoạt động để phù hợp với nền kinh tế thị trường, hội nhập quốc tế; qua đó hình thành những HTX kiểu mới năng động, sáng tạo, đem lại lợi ích cho xã viên...

Thanh long GlobalGAP

HTX Thanh long Mỹ Tịnh An (xã Mỹ Tịnh An, huyện Chợ Gạo) được xem là một trong những HTX kiểu mới hiện nay. Từ bộ máy lãnh đạo đến cách thức hoạt động đều đáp ứng tình hình mới. Thành viên hội đồng quản trị có 4 người; trong đó 3 người có trình độ đại học các chuyên ngành ngoại thương, ngân hàng, kinh tế (người còn lại trình độ trung cấp kế toán).

Ông Võ Chí Thiện - Giám đốc HTX - cho biết, hình thành năm 2009, HTX trải qua nhiều trăng trầm, có lúc gần như giải thể. Từ đầu năm 2015, HTX đã dần ổn định và sản xuất trái thanh long an toàn, đạt tiêu chuẩn GlobalGAP; liên kết với các doanh nghiệp để xuất khẩu sang các thị trường khó tính. 

Để sản xuất đạt hiệu quả cao, HTX hướng dẫn các thành viên chong đèn rải vụ, tránh tình trạng thiếu hàng xuất khẩu. Đối với các thành viên còn thiếu kinh nghiệm sản xuất, HTX cử cán bộ có kinh nghiệm trực tiếp hướng dẫn để sản phẩm sản xuất ra đáp ứng tiêu chuẩn xuất khẩu. Từ cách làm này, sản phẩm của các thành viên HTX có mẫu mã đẹp, đảm bảo dư lượng thuốc bảo vệ thực vật. Các doanh nghiệp liên kết với HTX rất yên tâm và thị trường khó tính chấp nhận sản phẩm của HTX.

“Năm 2015, HTX được Tổ chức chứng nhận quốc tế NHO trao giấy chứng nhận GlobalGAP. Cơ sở hạ tầng được khách hàng châu Âu, châu Mỹ nhiều lần kiểm tra và chấp nhận. Cuối năm 2016, HTX tái chứng nhận GlobalGAP. Đặc biệt, cuối năm 2016, HTX đã mời Tổ chức IMO (Thụy Sĩ) sang đánh giá, chứng nhận chứng chỉ For Life (chứng nhận xã hội) để trái thanh long của Việt Nam đủ điều kiện xuất sang thị trường châu Âu” - ông Võ Chí Thiện nói.

Rau an toàn Long Hòa góp phần nâng cao thu nhập cho xã viên.

Chia sẻ kinh nghiệm điều hành và tạo được bước đột phá cho HTX, ông Võ Chí Thiện cho rằng: “Chúng tôi luôn lấy thành viên làm trọng tâm để phát triển sản xuất. Bởi, HTX phải tập hợp được các thành viên có nhiều tham vọng đối với việc phát triển HTX, cùng mong muốn đưa HTX đi lên thì mới bền vững được. Để tăng thu nhập cho thành viên, chúng tôi tích cực liên kết với các doanh nghiệp có tiếng, có khả năng đàm phán với đối tác để hợp tác với họ đưa trái thanh long đi xa. Từ đó, thu nhập của thành viên từng bước tăng lên”.

Để có “đầu ra” ổn định

HTX Chăn nuôi - thủy sản Gò Công (TX.Gò Công) thành lập tháng 4.2007. Ngay từ lúc mới đi vào hoạt động, HTX xác định mục tiêu chiến lược là tổ chức chăn nuôi theo chuỗi giá trị trên cơ sở liên kết “4 nhà”.

Cụ thể, HTX xác định vật nuôi chủ lực, triển khai quy trình nuôi khoa học gắn với chuyển giao kỹ thuật và cung ứng dịch vụ chăn nuôi cho hộ xã viên, liên kết với doanh nghiệp giải quyết “đầu ra” cho sản phẩm. Ông Nguyễn Quốc Kiệt - Giám đốc HTX - cho biết, năm 2007 - 2008, HTX đã lai tạo thành công giống gà ta Gò Công từ các giống gà bản địa. Ưu điểm của giống gà này là năng suất đẻ cao, chất lượng thịt ngon, được thị trường ưa chuộng.

Có giống gà mới lai tạo chất lượng tốt, HTX đã chuyển giao quy trình kỹ thuật nuôi an toàn sinh học, cung cấp dịch vụ chăn nuôi “đầu vào” cho hộ xã viên và tìm đối tác giải quyết “đầu ra” ổn định. Trong quy trình nuôi, xã viên tuân thủ những điểm mới mang lại hiệu quả cao như tiêm phòng vaccine đầy đủ và cho gà ăn vào ban ngày, không cho ăn dặm ban đêm như trước để tạo độ miễn dịch tốt, gà tăng trọng đều, chất lượng thịt ngon. 

Cũng theo ông Nguyễn Quốc Kiệt, để đảm bảo lợi ích của xã viên và HTX phát triển bền vững, đơn vị đã liên kết tiêu thụ sản phẩm với Cty TNHH San Hà. Theo hợp đồng, trung bình mỗi tháng, HTX cung ứng cho Cty San Hà từ 700 - 1.000 con gà ta Gò Công thịt với giá ổn định 60.000 đồng/kg gà trống, 75.000 đồng/kg gà mái. Với hộ xã viên có quy mô nuôi 1.000 con nhưng phải vay vốn ngân hàng và thuê lao động, sau vụ nuôi 4 tháng có thể thu lãi trên 8,5 triệu đồng; nếu không phải vay vốn ngân hàng, nhưng thuê lao động thu lãi khoảng 15 triệu đồng; nếu không vay vốn ngân hàng và không thuê lao động, mức lãi đạt trên 20 triệu đồng.

Hiện tỉnh Tiền Giang có 41 HTX nông nghiệp với trên 20.000 thành viên. Các HTX hoạt động chủ yếu trên các lĩnh vực: Cung cấp nước sinh hoạt nông thôn (10 HTX); sản xuất - tiêu thụ lúa, trái cây, rau màu và hoa - kiểng (17 HTX, có 7 HTX kinh doanh tổng hợp từ 2 dịch vụ trở lên); chăn nuôi gia súc, gia cầm (2 HTX); khai thác thủy sản (1 HTX). Ông Trịnh Công Minh - Phó Giám đốc Sở NNPTNT Tiền Giang - cho biết, trong tỉnh đã xuất hiện nhiều HTX kiểu mới như HTX Thanh long Mỹ Tịnh An, HTX Chăn nuôi - thủy sản Gò Công, HTX Rau an toàn Long Hòa (hoạt động theo hướng an toàn, liên kết chuỗi, “đầu ra” ổn định, đảm bảo lợi nhuận cho từng thành viên).

Theo ông Nguyễn Văn Hồng - Chủ tịch Liên Minh HTX Tiền Giang - cơ chế, chính sách của HTX kiểu mới đã tác động tích cực đối với sự phát triển của các HTX nhờ phát huy sức mạnh của cá nhân, kinh tế hộ với tư cách là thành viên gắn kết với nhau cùng hợp tác phát triển dưới hình thức tổ chức HTX. HTX sẽ chịu trách nhiệm về cung cứng giống, phân bón, các dịch vụ nông nghiệp khác và chịu trách nhiệm bao tiêu sản phẩm cho hộ nông dân, thành viên. Yếu tố mang lại thành công của các HTX kiểu mới đến từ nhiều phía; trong đó vấn đề lợi ích của thành viên phải được đặt lên hàng đầu và đóng góp của từng thành viên phải được nhìn nhận và trả công xứng đáng. 

TUỆ ANH/Lao động