Loại bỏ chất cấm và kháng sinh trong thức ăn chăn nuôi

Loại bỏ chất cấm và kháng sinh trong thức ăn chăn nuôi
Phát biểu trước Quốc hội vào chiều 14/6 về dự án Luật chăn nuôi, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường khẳng định:

Mục tiêu lớn nhất của luật này là khắc phục tối đa những hạn chế của ngành chăn nuôi trong thời gian qua, cũng như các tác động của xu thế chăn nuôi trong tình hình biến đổi khí hậu. Hai là, tận dụng tối đa công nghệ chăn nuôi, chế biến hiện đại của thế giới, tạo hành lang pháp lý tốt nhất cho ngành hàng này phát triển trong xu thế hội nhập.

Các ĐB Lê Xuân Thân (Khánh Hòa), Trần Đình Gia (Hà Tĩnh) và Mai Sỹ Diến (Thanh Hóa) cho rằng, Điều 3 của luật giải thích từ ngữ vừa rườm rà và thiếu. Các khoản 10 và 11 liệt kê ra nhiều nhưng lại thiếu. Chẳng hạn khoản 10 viết, gia cầm là các loài vật nuôi gồm gà, vịt, ngan, ngỗng, chim cút, gà tây, bồ câu, đà điểu. Khoản 11 viết, gia súc là các loài vật nuôi gồm trâu, bò, ngựa, lợn, dê, cừu, thỏ.

ĐB Mai Sỹ Diến đặt câu hỏi, vậy thì chó và mèo được xếp vào nhóm nào? Có phải là gia súc không? Tại sao không có trong Luật? Từ điển bách khoa viết, gia súc là loài động vật có vú được nuôi thuần hóa trong gia đình. Như vậy, đề nghị bổ sung chó, mèo là đối tượng gia súc.

Cũng với băn khoăn này, ĐB Thân (Khánh Hòa) nói, không hiểu sao luật ghi một số loài chim mà sót chim yến trong khi loài này hiện có giá trị rất lớn tại Khánh Hòa và một số tỉnh phía Nam. ĐB Trần Đình Gia (Hà Tĩnh) cũng bày tỏ lo ngại khi mà Pháp lệnh Giống vật nuôi bỏ sót thì đến luật này cũng sót con hươu không biết thuộc vào nhóm nào?

“Hà Tĩnh hiện có 47 ngàn con hươu, riêng huyện Hương Sơn có 32 ngàn con đang là vật nuôi mang lại giàu có cho nhân dân. Nếu luật không đưa vật nuôi này vào thì thế giới vẫn xem đó là loài hoang dã. Như thế sản phẩm của người dân chỉ bó hẹp trong nước mà không xuất khẩu ra được nước ngoài”, ĐB Gia lo lắng.

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho biết, từ khi ban hành Pháp lệnh Giống vật nuôi năm 2004 đến nay, thực tế SXKD ngành chăn nuôi đã có nhiều biến động to lớn và thay đổi cơ bản. Sản lượng sản phẩm đã tăng trưởng gấp đôi trong thời gian 13 năm. Từ chỗ chỉ sản xuất được 2,5 - 2,7 triệu tấn thịt năm 2005 đến nay đã tăng lên 5,4 triệu tấn. Sữa từ 100.000 tấn/năm 2005 nay đã tăng lên đến 800.000 tấn. Sản lượng trứng từ chỗ chỉ 4 - 4,5 tỉ quả thì năm 2016 đã tăng lên trên 9 tỉ quả.

Một vấn đề cũng được các ĐB nêu vấn đề đó là quy định tại Điều 34 về nguyên tắc quản lý thức ăn chăn nuôi chứa kháng sinh.

Phó trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa Mai Sỹ Diến nói, các nước trên thế giới sử dụng thức ăn thuốc họ kiểm soát được nhờ có ngành chăn nuôi tập trung và giết mổ tập trung theo phương pháp công nghiệp. Còn ở ta việc chăn nuôi nhỏ lẻ và giết mổ nhỏ lẻ đang chiếm tỷ trọng lớn thì các cơ quan sẽ không thể kiểm soát được.

Ông Diến cảnh báo, kháng sinh trong thức ăn chăn nuôi mà tồn dư trong sản phẩm chăn nuôi sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe người tiêu dùng và rất khó xác định đối với chăn nuôi nhỏ lẻ và tiêu thụ nhỏ lẻ, tiêu thụ tại chỗ. Trong khi người tiêu dùng lại là nông dân, người lao động và học sinh, sinh viên.

“Các ĐBQH về thăm quê, ăn giỗ, tết, dùng bữa cơm thân mật với bà con, anh em ở quê có ai biết được liệu thực phẩm trên mâm cỗ có tồn dư thuốc kháng sinh không. Nhưng các ĐB nếu ăn 1 bữa cũng không sao, còn người nông dân thì vẫn phải thường xuyên sử dụng. Vì thế tôi hết sức cân nhắc quy định này”, ĐB Mai Sỹ Diến chốt.

Cũng về vấn đề này, ĐB Dương Tuấn Quân (Bà Rịa - Vũng Tàu) đề nghị bổ sung nghiêm cấm hành vi sử dụng thức ăn có kháng sinh như một cách phòng bệnh, nếu không sẽ có hại cho sức khỏe vật nuôi và người tiêu dùng sử dụng sản phẩm.

Tiếp thu, giải trình một số nội dung ĐB quan tâm, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường ghi nhận và chân thành cảm ơn những đóng góp tâm huyết của các ĐBQH.

Về phạm vi điều chỉnh của luật, theo Bộ trưởng đúng là sẽ bổ sung thêm vấn đề chế biến. Kết cấu lại các chương, điều chặt chẽ hơn để đảm bảo một ngành hàng nổi bật. Về kỹ thuật lập pháp như ĐB kiến nghị Bộ sẽ tiếp thu đưa vào luật.

19-04-32_bd_mi_sy_dien_thnh_ho
ĐB Mai Sỹ Diến (Thanh Hóa)

ĐB có ý kiến về thức ăn chăn nuôi, Bộ trưởng nhất quán quan điểm rằng, riêng về thức ăn công nghiệp là kiên quyết loại bỏ chất cấm, đưa vào nội dung cấm kháng sinh. Cần có chính sách chủ thể sản xuất công thức truyền thống, tận dụng dòng sản phẩm hữu cơ.

Nhấn mạnh đến chế biến, Bộ trưởng cho hay, năm nay ra đời 3.000 nhà máy chế biến, hiện đại nhất là nhà máy chế biến tại Hà Nam. Có được những nhà máy hiện đại, dây chuyền tiên tiến của một số DN lớn sẽ khắc phục được ế thừa sản phẩm, xuất khẩu được ra thế giới. Năm nay có 3 DN xuất khẩu sản phẩm gà đi Nhật Bản, có 1 DN xuất khẩu được thịt lợn.

Nói “quyền vật nuôi” là không chính xác

ĐB Lê Xuân Thân (Khánh Hoà) đồng ý với việc đối xử nhân đạo với vật nuôi nhưng không thể quy định “quyền vật nuôi”. Ông Thân cho rằng nói đến quyền là đi đôi với nghĩa vụ, nhưng nói đến quyền thì gắn với con người chứ không nói đến con vật hoặc cây trồng.

Theo ĐB Thân, mặc dù trên thế giới có những quốc gia ban hành các quy định như cấm thả tôm hùm đang sống vào nồi lẩu, cấm làm đau các con vật nuôi…, và việc đối xử nhân đạo với các con vật nuôi là cần thiết, nhưng sử dụng từ ngữ “quyền vật nuôi” là không chính xác.

VĂN HÙNG/ NÔNG NGHIỆP VN