Nâng cao hiệu quả kinh tế từ chuyển đổi cơ cấu cây trồng

Nâng cao hiệu quả kinh tế từ chuyển đổi cơ cấu cây trồng
Thời gian qua, các cấp ủy đảng, chính quyền huyện Phúc Thọ đã tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo các ban, ngành đoàn thể vận động nhân dân tích cực chuyển đổi cơ cấu trong sản xuất nông nghiệp từ trồng lúa hiệu quả kinh tế thấp sang mô hình kinh tế trang trại, vườn trại đem lại hiệu quả kinh tế cao.

Theo đó, tính đến năm 2016, tổng diện tích đất nông nghiệp của huyện Phúc Thọ là 6.851 ha; trong đó đất trồng cây hằng năm có 1.213 ha, đất trồng cây lâu năm có 324 ha, đất nuôi trồng thủy sản có 319 ha. Toàn huyện hiện có 1.539 hộ (diện tích từ 1000m2 trở lên) nằm trong vùng quy hoạch và vùng dự kiến bổ sung quy hoạch giai đoạn 2016 - 2020 thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, với tổng diện tích 340ha.

nang cao hieu qua kinh te tu chuyen doi co cau cay trong
Diện tích trồng rau trên địa bàn huyện Phúc Thọ có xu hướng tăng dần

Thời gian qua, trên phạm vi toàn huyện đã bước đầu hình thành một số vùng chuyên canh, sản xuất tập trung như lúa, rau, cây ăn quả... Nhiều giống lúa ngắn ngày, chất lượng cao được đưa vào sản xuất, với diện tích ngày càng tăng lên, tập trung ở các xã Phụng Thượng, Võng Xuyên, Ngọc Tảo, Hát Môn... Đặc biệt, hiện nay, diện tích trồng rau trên địa bàn huyện đang có xu hướng tăng dần. Từ năm 2015 đến nay, sản xuất rau đang đi theo hướng sản xuất an toàn, đảm bảo tiêu chuẩn an toàn thực phẩm; đã hình thành được vùng rau an toàn và rau hữu cơ tại các xã Vân Hà, Vân Phúc, Xuân Phú…

Ngoài ra, nhiều loại cây ăn quả đặc sản, có hiệu quả kinh tế cao như bưởi, táo, chuối, ổi… được trồng nhiều ở các xã Vân Hà, Vân Phúc, Hiệp Thuận, Tam Thuấn Thanh Đa... Những năm gần đây, diện tích trồng hoa cây cảnh trên địa bàn huyện cũng liên tục được mở rộng, đặc biệt là các loại hoa chất lượng cao, hoa trồng chậu tập trung ở các xã Tam Thuấn, Tích Giang...

Qua thực tế sản xuất cho thấy, giá trị sản xuất của các mô hình chuyển đổi đem lại hiệu quả kinh tế tương đối cao, gấp từ 2 đến 20 lần so với trồng lúa truyền thống. Nhờ chuyển đổi cơ cấu cây trồng nhiều hộ gia đình đã làm giàu trên đất quê hương, góp phần vào thành công trong xây dựng nông thôn mới và sự phát triển chung của huyện Phúc Thọ

Theo Lao Động Thủ đô