Tối ưu hóa đất cho nông nghiệp

Tối ưu hóa đất cho nông nghiệp
Ngày 12/9, tại TP HCM, các chuyên gia từ Trung tâm Công nghệ sinh học TP HCM và Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) TP đã đưa ra nhiều ý kiến tham mưu với lãnh đạo TP tại Hội thảo chuyên đề “Ứng dựng thành tựu khoa học công nghệ để TP HCM trở thành trung tâm giống cây trồng vật nuôi ở Nam bộ”. Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Thiện Nhân tham dự Hội thảo.

Nghịch lý thừa và thiếu 

Theo thống kê của Trung tâm Công nghệ sinh học TP, đất nông nghiệp trên địa bàn TP HCM đang giảm do đô thị hóa, nhưng diện tích hoang hóa thì còn khá nhiều. Các so sánh còn cho thấy, đất nông nghiệp dù sử dụng đến 55% diện tích đất nhưng chỉ tạo ra 0,8% GDP cho TP. Trong khi đó, các ngành công nghiệp tạo ra 99% GDP nhưng chỉ sử dụng có 8% quỹ đất. Ngành công nghiệp - dịch vụ đứng trước thách thức khan hiếm quỹ đất và rất cần mở rộng diện tích đất để phát triển. 

Tại Hội thảo, ông Dương Hoa Xô, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT cho biết, đất nông nghiệp TP hiện ngày càng giảm nhưng cùng với đó là việc khai thác tài nguyên đất nông nghiệp chưa hiệu quả. Điều này dẫn đến việc sức cạnh tranh nông nghiệp của TP HCM kém hơn so với nhiều địa phương khác.

Tại Hội thảo, Bí thư Nguyễn Thiện Nhân nhìn nhận các hiệu quả tích cực từ thay đổi tư duy trong sản xuất nông nghiệp công nghệ cao của TP. Tuy nhiên ông dự báo rằng, đất nông nghiệp sẽ còn chịu nhiều áp lực do quá trình đô thị hóa. Mặt khác, nhiều năm qua cơ cấu kinh tế nông nghiệp của TP vẫn thấp. 

Cụ thể, trên 1ha đất thì giá trị gia tăng (GTGT) các ngành khác tạo ra cao gấp 700 lần so với GTGT trong ngành nông nghiệp. Người đứng đầu Đảng bộ TP yêu cầu đổi mối tư duy, mô hình phát triển nông nghiệp phải tỷ lệ thuận với thu nhập của người dân. Nếu không làm được thì người nông dân cũng sẽ bỏ nghề và TP HCM sẽ không giữ được đất nông nghiệp.

Xác định tiềm lực tài nguyên đất

Xác định đổi mới là tiên quyết, Bí thư Nguyễn Thiện Nhân muốn TP HCM trở thành một trung tâm giống cây giống con của khu vực. Trong đó, giải pháp đưa ra là cần xác định lại tiềm lực tài nguyên đất của TP; năng lực nghiên cứu cây giống, vật nuôi mới cho thị trường; khả năng chuyển giao KH-CN cho người sản xuất nông nghiệp. 

Bởi vì theo Bí thư TP HCM thì để trở thành một trung tâm cây giống, vật nuôi của khu vực thì trước tiên TP HCM phải đảm bảo nguồn cung ít nhất là 30% cho khu vực. Vấn đề mật thiết nữa là nông dân tiếp cận nguồn vốn vay với năng lực nào vì trong tư cách hộ cá thể là rất khó. Trong khi nguồn vốn vay của TP không thiếu.

TS Dương Hoa Xô, Giám đốc Trung tâm Công nghệ Sinh học TP tiếp thu ý kiến của Bí thư Thành ủy TP, đồng thời nhấn mạnh nhiệm vụ phát triển nông nghiệp TP gắn với công nghệ cao là bước đi tiên quyết, cần thiết được duy trì liên tục để TP HCM trở thành trung tâm giống của khu vực. Trung tâm cũng đề xuất giải pháp về tăng cường mối liên kết giữa TP.HCM với các địa phương lân cận trong lĩnh vực này để đạt được mục tiêu trên. 

Ngoài ra, chính sách cũng phải khuyến khích sự tham gia của 4 nhà (nhà nông, nhà khoa học, nhà nước và nhà đầu tư) thì mới trở thành trung tâm giống cây trồng, vật nuôi, thủy sản của khu vực. Trước mắt, ngành nông nghiệp TP xác định nhiệm vụ cụ thể trong 3 năm tiếp theo nhằm thực hiện hiệu quả Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TP lần thứ X.

Cùng với Hội thảo này, UBND TP HCM cũng sẽ tham khảo thêm các ý kiến, góp ý của các nhà khoa học tại hội thảo chuyên đề về xác định mô hình đơn vị sản xuất cơ bản trong nông nghiệp TP HCM từ nay đến năm 2020 và những năm tiếp theo được dự kiến tổ chức trong tháng 9/2017, để đưa ra các định hướng về mặt chính sách cho ngành nông nghiệp TP HCM.    

Thành Luân/daidoanket.vn