“Bà trùm” thủy sản vùng đất Xẻo Quao và cơ ngơi tiền tỷ

“Bà trùm” thủy sản vùng đất Xẻo Quao và cơ ngơi tiền tỷ
Vừa nuôi tôm, sò huyết, cua vừa trực tiếp tham gia mua bán thủy sản với các công ty, đầu mối lớn, chị Phạm Thị Loan (SN 1970, ngụ ấp Xẻo Quao, xã Thuận Hòa, huyện An Minh, tỉnh Kiên Giang) thu về tiền tỷ hàng năm. Chị cũng đóng góp nhiều cho an sinh xã hội ở địa phương...

Khởi nghiệp từ nuôi và kinh doanh thủy sản

Trong cuộc gặp ngắn của phóng viên với chị Loan, chiếc điện thoại của chị liên tục reo lên. Đa phần các cuộc gọi đều liên quan đến việc xin ý kiến trong sản xuất nuôi tôm, sò huyết, cua và mua bán các loại thủy sản trên. Chị Loan cho biết, ngày nào cũng vậy, thời gian của chị đều dành hết cho công việc và rất may là mọi thứ đều thuận lợi.

 “ba trum” thuy san vung dat xeo quao va co ngoi tien ty hinh anh 1

Chị Phạm Thị Loan tại cơ sở mua bán tôm. Ảnh: H.X

Từ năm 2006 đến năm 2016, chị Loan đều được nhận bằng khen của cấp huyện, cấp tỉnh do có thành thích trong sản xuất, kinh doanh giỏi. Năm này, chị được bình chọn danh hiệu “Nông dân Việt Nam xuất sắc 2017”.

Theo chị Loan, cách nay 20 năm, chị bắt đầu  mở vựa mua bán tôm,   lượng tôm chủ yếu mua từ người dân địa phương, còn bán thì chỉ cho một vài công ty lớn ở tỉnh Kiên Giang. “Nhận thấy nhu cầu mua tôm của các công ty thủy sản ở tỉnh nhiều nên tôi đã mở vựa tôm này” – chị Loan kể.

Vựa tôm hoạt động được 7 năm, có được số vốn lớn, chị bắt đầu vào việc nuôi tôm (tôm sú và tôm thẻ chân trắng). Lúc này, chị thả nuôi tôm trên 60ha mặt nước và lần nào thu hoạch cũng “bộn tiền lời”. Chị Loan chia sẻ: “Mình vốn biết rất ít kỹ thuật nhưng nhờ ham học hỏi từ bà con nuôi tôm hiệu quả ở địa phương và nhờ lúc bấy giờ dịch bệnh hầu như rất ít xảy ra nên hiệu quả của mô hình này rất cao”.

5 năm gần đây, chị Loan còn thả nuôi thêm sò huyết, cua trên 60ha ao nói trên (sò huyết sống dưới lớp bùn nên không ảnh hưởng đến sự phát triển của tôm nuôi). Ngoài diện tích trên, chị còn thuê thêm 60ha mặt nước gần bờ biển để thả nuôi riêng sò huyết.

Theo phóng viên tìm hiểu, chị Loan nuôi tôm, sò huyết và cua theo hình thức quảng canh, hoàn toàn không sử dụng thức ăn, thuốc kháng sinh nên khi thu hoạch, rất nhiều doanh nghiệp ở ĐBSCL đến tranh mua. Vì vậy, chị không bao giờ lo sản phẩm thủy sản sạch của mình không có đầu ra.

Chị Loan thông tin: “Khi thu hoạch, tôi cung cấp tôm của mình cho các công ty lớn ở ĐBSCL để xuất khẩu, còn cua thì bán cho các đầu mối ở TP.HCM, TP.Cần Thơ, Tiền Giang… Riêng đối với sò huyết, tôi khỏi đi đâu xa bán vì có các doanh nghiệp đến mua xuất khẩu ra nước ngoài với giá cao”.

Doanh thu tiền tỷ

Theo chị Loan, nhờ tuyển được lực lượng lao động (gần 30 người) siêng năng, cần cù, trong đó có vài người có trình độ kỹ thuật nuôi thủy sản cao nên không lo thất thu. Riêng về hoạt động mua bán, mặc dù gặp nhiều trở ngạy do giá cả biến động thất thường, cạnh tranh của các cơ sở, công ty khác nhưng do làm ăn uy tín, có lúc chấp nhận thua lỗ lô hàng nên đơn vị thu mua tin tưởng.

Theo tính toán của chị Loan, bình quân mỗi vụ thu hoạch, chị bán được hàng chục tấn sản phẩm thủy sản. Trừ chi phí con giống, trả tiền thuê lao động, chị thu lợi trên 1 tỷ đồng/năm. Ngoài ra, hoạt động kinh doanh của vựa tôm cũng đem về doanh thu trên 1 tỷ đồng.

Do chịu khó, ham học hỏi nên thời gian qua, việc mua bán thủy sản của chị Loan đều gặp thuận lợi. Doanh thu ngày càng tăng cao và nhờ sự hỗ trợ từ chính quyền địa phương, chị còn kinh doanh thêm các loại thuỷ sản khác và cũng đã được “nâng cấp” thành Công ty TNHH Phạm Thị Loan (vừa được đổi tên thành Công ty TNHH MTV Huệ Anh Thư).

Về dự định trong thời gian tới, chị Loan nói: “Tôm, cua bây giờ khó nuôi hơn lúc trước nên tới đây tôi tập trung lo cho sò huyết hơn. Trước đây, giá sò huyết chỉ ở mức từ 50.000-60.000 đồng/kg đã đem về lợi nhuận cao rồi. Bây giờ, giá lên đến 80.000 đồng/kg, dự tính đợt thu hoạch tới tôi sẽ thu về vài tỷ. Tôi cũng sẽ tìm cách tiếp cận với nguồn tiêu thụ sò huyết trực tiếp từ nước ngoài tránh qua trung gian như hiện nay”.

Để phục vụ cho công việc, chị Loan đã mua 4 xe tải lớn, ngoài ra chị còn có 1 xe ôtô chở khách.

Ngoài giỏi trong sản xuất, kinh doanh, người phụ nữ trên quê hương Xẻo Quao này còn được biết đến là “người phụ nữ chuyên làm từ thiện”. Mỗi năm, chị Loan hỗ trợ từ 5-7 tỷ đồng cho bà con nghèo cần vốn nuôi thủy sản (không lấy lãi, khi thu hoạch sẽ lấy lại tiền vốn cho mượn). Chị còn vận động bà con đóng góp tiền xây dựng hàng chục căn nhà cho hộ nghèo, có hoàn cảnh khó khăn, thường xuyên tặng gạo, tập sách cho học sinh, góp kinh phí xây dựng đường giao thông nông thôn… 

Theo: Huỳnh Xây/danviet.vn