Bí quyết Cát Tài không nợ đọng xây dựng nông thôn mới?

Bí quyết Cát Tài không nợ đọng xây dựng nông thôn mới?
Tuy ngân sách thiếu thốn, nhưng xã Cát Tài, huyện Phù Cát (Bình Định) khi về đích nông thôn mới (NTM) năm 2015, mà không nợ đọng xây dựng cơ bản. Vậy bí quyết của Cát Tài là gì?
08-20-55_nh_vn_ho_thon_thi_binh-x_ct_ti-_phu_ct_duoc_du_tu_xy_dung_khng_trng_to_dieu_kien_cho_nhn_dn_sinh_hot_vhvn
Nhà văn hóa được xây dựng khang trang

Qua 7 năm triển khai Chương trình MTQG xây dựng NTM, xã đã đầu tư gần 170 tỷ đồng xây dựng các công trình cơ bản, trong đó trung ương hỗ trợ 74 tỷ đồng, tỉnh 58 tỷ, huyện 18 tỷ, xã 12 tỷ, con em xa quê hỗ trợ 05 tỷ, nhân dân trong xã đóng góp 03 tỷ. Nhờ vậy, đến cuối năm 2015, xã đã cơ bản hoàn thành 19/19 tiêu chí NTM.

Đường giao thông nông thôn và đường giao thông nội đồng được cứng hóa, hệ thống thủy lợi bảo đảm tưới tiêu nước phục vụ SX, 8/8 thôn có nhà văn hóa, trạm y tế xây mới đạt chuẩn quốc gia, trường tiểu học, trường mầm non được xây mới, nâng cấp, khu tập kết rác thải được xây dựng bảo đảm vệ sinh môi trường... Tất cả các công trình đều thanh quyết toán đầy đủ, không còn nợ đọng, diện mạo làng quê khởi sắc...

Ông Nguyễn Bá Quang, Chủ tịch UBND xã Cát Tài cho biết: “Chúng tôi huy động kinh phí từ nhiều nguồn khác nhau. Trong đó, tranh thủ vốn của Trung ương, tỉnh, huyện, tiền xã bán đấu giá quyền sử dụng đất, đặc biệt là huy động vốn trong dân, tiền của con em Cát Tài làm ăn xa quê, ủng hộ quê hương xây dựng NTM. Trong điều kiện tài chính eo hẹp, Cát Tài đã có cách làm riêng, sáng tạo, phù hợp với đặc thù của xã. Đó là có vốn đến đâu làm đến đó, theo hình thức cuốn chiếu, làm hết thôn này qua thôn khác, hết đoạn đường này qua đoạn đường khác, triệt để tiết kiệm vốn”.

Với các tiêu chí đã đạt, xã tập trung giữ vững và nâng cao chất lượng, đồng thời tập trung nguồn lực hoàn thành các tiêu chí gần đạt, các tiêu chí dễ thực hiện mà không cần nhiều kinh phí.

Phương châm xây dựng NTM của Cát Tài là phát huy nội lực, tranh thủ ngoại lực và tạo sự đồng thuận của người dân. Đặc biệt, trong quá trình đầu tư xây dựng cơ bản, Cát Tài luôn tập trung xây dựng các công trình thiết yếu, không xây dựng tràn lan, tính toán dự trù kinh phí hợp lý, sát với điều kiện địa phương.

Đối với các tiêu chí cần nhiều kinh phí, xã rất tiết kiệm trong xây dựng cơ bản, những việc gì dân làm được thì để dân tự làm, không nhất thiết phải thuê, khoán mà huy động nguồn lao động dư thừa. Chẳng hạn như đào đắp, cứng hóa hệ thống giao thông, thủy lợi nội đồng chủ yếu do dân bỏ công làm là chính, tiết kiệm được khá nhiều tiền mà lại thực hiện đúng chủ trương “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân hưởng thụ”.

08-20-55_nguoi_dn_xom_1-_thon_thi_thun-_x_ct_ti-_phu_ct_gop_tien_lm_duong_gtnt
Đường giao thông nông thôn do người dân tham gia đóng góp, xây dựng

Các công trình trường học, trạm y tế, nhà văn hóa thôn; xã khảo sát, đánh giá, công trình, hạng mục nào còn giá trị sử dụng lâu dài và phù hợp quy hoạch thì sửa chữa, nâng cấp để tiếp tục dùng, đồng thời xây dựng thêm hạng mục còn thiếu, không nhất thiết phá đi làm lại gây tốn kém kinh phí. Với cách làm ấy, Cát Tài khi về đích NTM, không có nợ đọng.   

Nhờ sự đồng thuận của nhân dân, sự vào cuộc tích cực của chính quyền và các Hội đoàn thể, sau 7 năm xã Cát Tài đã huy động được gần 170 tỷ đồng đầu tư xây dựng và hoàn thiện các tiêu chí NTM, ưu tiên vốn cho công trình dân sinh, phục vụ sản xuất, thực hiện theo cơ chế đặc thù “Nhà nước và nhân dân cùng làm” và làm theo khả năng thực tế của mình.

Nhờ đó, các công trình trong xã đều được thực hiện theo lộ trình chặt chẽ, không dàn trải, không chạy theo phong trào. Mặc dù không tăng tốc, nhưng qua mỗi năm, xã lại hoàn thành thêm 1 - 2 tiêu chí, đến cuối năm 2015 xã hoàn thành 19/19 tiêu chí NTM.

7 năm qua, diện mạo nông thôn ở Cát Tài không ngừng khởi sắc. Hiện nay, Cát Tài không chỉ chú trọng giữ vững, nâng cao các tiêu chí mà còn hướng đến mục tiêu xây dựng xã NTM kiểu mẫu vào năm 2020.

Theo: Thế Hà/nongnghiep.vn