Đến năm 2021, 35% lực lượng lao động tham gia bảo hiểm xã hội

Mục tiêu quan trọng này được thể hiện trong Nghị quyết 125/NQ-CP vừa được Chính phủ ban hành trên cơ sở Nghị quyết 28-NQ/TW ngày 23/5/2018 của Hội nghị lần thứ VII Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về cải cách chính sách bảo hiểm xã hội.
Đến năm 2021, nâng tỷ lệ người lao động tham gia bảo hiểm xã hội lên 35% và điều chỉnh lương hưu theo hướng chia sẻ giữa người đang làm việc và người nghỉ hưu (Ảnh minh hoạ)

Theo đó, Chính phủ đưa ra mục tiêu đến năm 2021, phấn đấu đạt khoảng 35% lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia bảo hiểm xã hội, trong đó nông dân và lao động khu vực phi chính thức tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện chiếm khoảng 1% lực lượng lao động trong độ tuổi.

Nghị quyết 125/NQ-CP cũng hướng tới các mục tiêu quan trọng khác, như: sẽ có khoảng 28% lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia bảo hiểm thất nghiệp; khoảng 45% số người sau độ tuổi nghỉ hưu được hưởng lương hưu, bảo hiểm xã hội hàng tháng và trợ cấp hưu trí xã hội; tỷ lệ giao dịch điện tử đạt 100%; thực hiện dịch vụ công trực tuyến mức độ 4; giảm số giờ giao dịch giữa cơ quan bảo hiểm xã hội với doanh nghiệp đạt mức ASEAN 4; chỉ số đánh giá mức độ hài lòng của người tham gia bảo hiểm xã hội đạt mức 80%.

Với tầm nhìn xa hơn, đến năm 2025, Nghị quyết 125/NQ-CP của Chính phủ đưa ra tỷ lệ 45% lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia bảo hiểm xã hội và lần lượt là 2,5%; 35% và 55% với đối tượng nông dân và lao động khu vực phi chính thức tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện; lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia bảo hiểm thất nghiệp; và số người sau độ tuổi nghỉ hưu được hưởng lương hưu, bảo hiểm xã hội hàng tháng và trợ cấp hưu trí xã hội.

“Chỉ số đánh giá mức độ hài lòng của người tham gia bảo hiểm xã hội đến năm 2025 sẽ đạt mức 85%” – Nghị quyết 125/NQ-CP nêu rõ.

Cùng với các nội dung quan trọng nói trên, Chính phủ cũng đưa ra những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu để hoàn thành các mục tiêu đề ra là tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật về lao động, việc làm, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp và pháp luật có liên quan để thể chế hóa các nội dung cải cách chính sách bảo hiểm xã hội.

Trong đó, giao Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội thực hiện thí điểm gói bảo hiểm xã hội tự nguyện ngắn hạn một cách linh hoạt (có nhiều sự lựa chọn tham gia và thụ hưởng). Đồng thời, Bộ này cũng được yêu cầu theo dõi, tổng kết, đánh giá kết quả thực hiện thí điểm nói trên để báo cáo Chính phủ trình Quốc hội xem xét, quyết định khi sửa đổi Luật Bảo hiểm xã hội.

Về vấn đề điều chỉnh lương hưu, Chính phủ giao Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan xây dựng đề án thực hiện điều chỉnh lương hưu độc lập tương đối trong mối tương quan với tiền lương của người đang làm việc, thay đổi cách thức điều chỉnh lương hưu theo hướng chia sẻ và báo cáo Chính phủ xem xét, quyết định.

Đặc biệt, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội sẽ chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan nghiên cứu, trình Chính phủ xem xét, trình Quốc hội sửa đổi, bổ sung Bộ luật Lao động để thực hiện điều chỉnh tăng tuổi nghỉ hưu theo lộ trình từ năm 2021; sửa đổi các quy định về tiền lương để thuận lợi trong việc xác định căn cứ đóng bảo hiểm xã hội của khu vực doanh nghiệp ít nhất bằng khoảng 70% tổng tiền lương và các khoản thu nhập khác có tính chất lương của người lao động và sửa đổi quy định về quản lý lao động, quan hệ lao động trong bối cảnh tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 để đạt mục tiêu mở rộng diện bao phủ bảo hiểm xã hội.

Với mục tiêu nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong công tác quản lý nhà nước về bảo hiểm xã hội, Chính phủ nhấn mạnh đến công tác xây dựng và tổ chức thực hiện có hiệu quả Đề án giao chỉ tiêu phát triển đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội cho các địa phương. Cụ thể, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội là cơ quan chủ trì xây dựng Đề án và tổ chức tập huấn, quán triệt để bắt đầu triển khai thực hiện từ năm 2019. Trong đó, phải xây dựng bộ tiêu chí đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ và chất lượng cung ứng dịch vụ của cơ quan bảo hiểm xã hội, chỉ số đánh giá mức độ hài lòng của người tham gia và thụ hưởng các chế độ bảo hiểm xã hội.

Bên cạnh đó, nhiệm vụ xây dựng Đề án nâng cao hiệu quả quản lý, đầu tư quỹ bảo hiểm xã hội theo hướng đa dạng hoá danh mục, cơ cấu đầu tư bảo đảm nguyên tắc an toàn, bền vững và hiệu quả; ưu tiên đầu tư vào trái phiếu chính phủ, nhất là trái phiếu chính phủ dài hạn; nghiên cứu từng bước mở rộng sang các lĩnh vực có khả năng sinh lời cao, từng bước và có lộ trình đầu tư một phần tiền nhàn rỗi của Quỹ thông qua uỷ thác đầu tư tại thị trường trong nước và quốc tế bảo đảm an toàn, bền vững được Chính phủ giao cho Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bảo hiểm xã hội Việt Nam, các bộ, ngành liên quan xây dựng, trình Chính phủ xem xét, phê duyệt.

Trong khi đó, Bộ Y tế được giao nhiệm vụ chủ trì xây dựng và trình Thủ tướng Chính phủ Đề án tăng cường sự kết nối cơ sở dữ liệu về khám bệnh, chữa bệnh; dữ liệu về cấp hồ sơ, giấy tờ làm căn cứ thực hiện chế độ bảo hiểm xã hội, giải quyết, chi trả các chế độ bảo hiểm xã hội nhằm ngăn chặn các hành vi trục lợi, gian lận tiền bảo hiểm xã hội.

Để kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các vi phạm, nhất là các hành vi trốn đóng, nợ đóng, gian lận, trục lợi tiền bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, Chính phủ giao Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát việc chấp hành pháp luật liên quan.

Hoàng Châu
https://congthuong.vn/