Điều hành chính sách tiền tệ: Hóa giải thành công nhiều áp lực

Nền kinh tế trong nước đã và đang phải đối mắt với rất nhiều sức ép từ những biến động khó lường của nền kinh tế thế giới như căng thẳng thương mại Mỹ - Trung leo thang, FED tăng lãi suất, Ngân hàng Trung ương các nước lớn tiếp tục thắt chặt chính sách tiền tệ, mặt bằng lãi suất tăng…

Trong bối cảnh đó, Ngân hàng nhà nước (NHNN) đã “hóa giải” thành công nhiều áp lực, điều hành chính sách tiền tệ kiên định mục tiêu hỗ trợ tăng trưởng, phối hợp tốt và nhịp nhàng với các chính sách khác, đặc biệt là chính sách tài khóa, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô…

Điều hành chính sách tiền tệ: Hóa giải thành công nhiều áp lực

Nỗ lực trong điều hành chính sách tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước đã giúp cải thiện “sức khỏe” của ngành Ngân hàng.

Điểm sáng điều hành chính sách tiền tệ

Đó là nhận định của TS Lê Xuân Nghĩa - Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia và nhiều chuyên gia tài chính, ngân hàng khác về điều hành chính sách tiền tệ của NHNN thời gian qua. Trong bối cảnh thị trường thế giới có nhiều biến động, có hai rủi ro bên ngoài gây sức ép lớn đến việc điều hành chính sách tiền tệ và hoạt động ngân hàng.

Đó là chiến tranh thương mại và thắt chặt chính sách tiền tệ. Khi rủi ro thương mại gia tăng, thị trường tài chính là nơi “hứng chịu” đầu tiên. Cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung ngày càng căng thẳng, nhiều nền kinh tế đang có xu hướng thắt chặt tiền tệ, lãi suất thay đổi - đó là những tác động từ bên ngoài mà một nền kinh tế mới nổi như Việt Nam khó có thể tránh khỏi.

Đối mặt với những áp lực đó, sự linh hoạt và thận trọng trong điều hành chính sách tiền tệ của NHNN suốt thời gian qua đã khẳng định được hiệu quả. NHNN đã điều tiết tiền tệ phù hợp với diễn biến kinh tế vĩ mô và thị trường tiền tệ nhằm hỗ trợ thanh khoản hệ thống và đáp ứng nhu cầu thanh toán của nền kinh tế. Nhờ đó, điều hành chính sách tiền tệ đã vượt qua mọi sức ép từ các bất ổn trên thị trường thế giới, giữ ổn định lãi suất, tăng cường việc truyền thông nên ổn định thanh khoản thị trường, ổn định tỷ giá, các giao dịch ngoại tệ diễn ra thông suốt và giữ được nền tảng vĩ mô.

Mới đây, tại cuộc họp Hội đồng tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia quý III/2018, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã đánh giá cao điều hành của NHNN thời gian qua là rất chủ động, linh hoạt, nhất là về ổn định tỉ giá, lãi suất, tín dụng xuất khẩu. Trong khi nhiều quốc gia có xu hướng tăng lãi suất thì lãi suất ở trong nước vẫn tiếp tục được điều hành ổn định.

Không chỉ trong thời gian gần đây mà ngay từ đầu năm, NHNN đã điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế vĩ mô khác nhằm ổn định hệ thống tiền tệ, tài chính, ổn định kinh tế vĩ mô, góp phần hỗ trợ tăng trưởng kinh tế ở mức hợp lý. NHNN đã triển khai quyết liệt chỉ đạo của Chính phủ tại Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 01/01/2018 và Nghị quyết các phiên họp Chính phủ hàng tháng, ban hành Chỉ thị số 01/CT-NHNN ngày 10/01/2018 và Chỉ thị số 04/CT-NHNN ngày 02/8/2018 về tổ chức thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm trong năm 2018, đảm bảo hoạt động ngân hàng an toàn, hiệu quả.

Tại Chỉ thị 04 này, một lần nữa Thống đốc NHNN chỉ đạo các đơn vị trong toàn ngành chủ động điều hành linh hoạt, đồng bộ các công cụ chính sách tiền tệ nhằm ổn định thị trường tiền tệ, ngoại hối, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát theo mục tiêu.

Nhờ đó, theo báo cáo toàn cảnh kinh tế Việt Nam 9 tháng của Tổng cục Thống kê vừa công bố, tính đến ngày 20/9/2018, tổng phương tiện thanh toán tăng 8,74% so với cuối năm 2017; huy động vốn của các tổ chức tín dụng (TCTD) tăng 9,15%; tăng trưởng tín dụng đạt 9,52%. Tăng trưởng huy động vốn và tăng trưởng tín dụng chậm lại, nhưng GDP tiếp tục giữ được đà tăng cho thấy chủ trương kiểm soát chặt chất lượng tín dụng, hướng tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh của ngành Ngân hàng ngày càng phát huy hiệu quả.

Cải thiện sức khỏe để… “hóa giải” mọi thách thức

Những nỗ lực trong điều hành chính sách tiền tệ của NHNN thời gian qua đã giúp sức khỏe của ngành Ngân hàng ngày càng được cải thiện và nâng cao. Nhiều tổ chức quốc tế đã ghi nhận và đánh giá cao nỗ lực này. Minh chứng rõ ràng nhất là tổ chức xếp hạng tín nhiệm Moody’s Investors Service đã nâng mức xếp hạng tín nhiệm của nhiều ngân hàng Việt.

Ngoài ra, việc cải thiện chất lượng tài sản của hệ thống ngân hàng, nợ xấu đã và đang được xử lý tích cực, chất lượng tín dụng và dự trữ ngoại hối ngày một tăng cao là những lý do quan trọng giúp định chế này nâng xếp hạng tín nhiệm của quốc gia Việt Nam từ B1 lên Ba3 và điều chỉnh triển vọng từ “ổn định” sang “tích cực”.

Trước đó, một báo cáo của Moody’s cũng bày tỏ sự lạc quan về triển vọng tăng trưởng lợi nhuận của các ngân hàng Việt Nam bởi chất lượng tài sản của các ngân hàng đang được cải thiện và nền kinh tế đang trên đà tăng trưởng mạnh. Hãng xếp hạng tín nhiệm này cũng kỳ vọng chỉ số lợi nhuận và chất lượng tài sản sẽ tiếp tục được cải thiện trong năm 2018 - 2019. Bên cạnh đó, Fitch Ratings cũng đã nâng xếp hạng tín nhiệm Nhà phát hành nợ dài hạn của 3 ngân hàng vốn nhà nước của Việt Nam gồm VietinBank, Vietcombank và Agribank, từ mức B+ lên BB-.

Do độ mở của nền kinh tế, trong những tháng cuối năm, việc điều hành chính sách tiền tệ chắc chắn còn gặp nhiều thách thức và chịu ảnh hưởng từ các diễn biến bất lợi của kinh tế thế giới, điều hành tỷ giá, lãi suất có nhiều yếu tố khó lường khi chiến tranh thương mại leo thang. Với việc ngày càng cải thiện và nâng cao sức khỏe, ngành Ngân hàng luôn sẵn sàng để ứng phó và “hóa giải” mọi thách thức.

Theo đó, NHNN sẽ tiếp tục kiên trì điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, thận trọng, phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế vĩ mô khác nhằm kiểm soát lạm phát theo mục tiêu đề ra, ổn định kinh tế vĩ mô, góp phần hỗ trợ tăng trưởng kinh tế ở mức hợp lý, tăng dự trữ ngoại hối nhà nước, bảo đảm thanh khoản của các TCTD, ổn định thị trường.

Trong đó, trọng tâm là điều hành linh hoạt nghiệp vụ thị trường mở, điều hành lãi suất phù hợp với cân đối vĩ mô, lạm phát và thị trường tiền tệ, điều hành tỷ giá linh hoạt, phù hợp với diễn biến thị trường, các cân đối vĩ mô, tiền tệ và mục tiêu chính sách tiền tệ nhằm ổn định thị trường ngoại tệ; kiểm soát tăng trưởng tín dụng theo mục tiêu định hướng; thực hiện các giải pháp hỗ trợ TCTD mở rộng tín dụng có hiệu quả, chú trọng vào các lĩnh vực sản xuất, lĩnh vực ưu tiên; kiểm soát chặt chẽ tín dụng đối với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro...  

 Đoàn Công/http://daidoanket.vn