Gắn xây dựng Nông thôn mới với chuyển đổi cơ cấu nông nghiệp

Mục tiêu quan trọng của chương trình xây dựng Nông thôn mới ở tỉnh Nghệ An không phải là chỉnh trang kết cấu hạ tầng khu vực nông thôn. Các địa phương nơi đây đã chỉ đạo quyết liệt trong việc chuyển đổi cơ cấu nông nghiệp gắn với xây dựng NTM để nâng cao đời sống cho người dân.
Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An – ngoài cùng bên phải – đang kiểm tra mô hình trồng dưới lưới ở huyện Anh Sơn

Nhờ vậy, cơ cấu nông nghiệp đã dịch chuyển theo hướng sản xuất hàng hoá, những vùng chuyên canh lớn dần xuất hiện, xu thế hợp tác trong sản xuất nông nghiệp là liên kết theo chuỗi giá trị…

Thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, bộ mặt nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh Nghệ An đã có nhiều chuyển biến tích cực. 

Kết cấu hạ tầng kỹ thuật khu vực nông thôn được nâng cấp, xây dựng, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân trong việc cơ giới hóa, đầu tư thâm canh tăng năng suất cây trồng, vật nuôi. Các địa phương có lợi thế về thổ nhưỡng đã và đang vươn lên thoát nghèo bằng… nông nghiệp. Nhận thức của người dân vùng nông thôn đã có nhiều thay đổi, đời sống vật chất và tinh thần ngày càng nâng lên. 

Tại các địa phương, dựa vào điều kiện thực tế đã xây dựng kế hoạch thực hiện đề án điều chỉnh sản xuất, chuyển dịch theo hướng hàng hóa, hình thành và phát triển một số vùng nguyên liệu, vùng chuyên canh tập trung, nâng cao giá trị của sản phẩm gắn với bảo quản, chế biến, tiêu thụ theo chuỗi giá trị. 

Do đó, một số sản phẩm nông nghiệp đã xây dựng được nhãn hiệu và chỉ dẫn địa lý; một số loại cây trồng đã được thực hiện liên kết gắn với đầu tư, hỗ trợ kỹ thuật và thu mua sản phẩm. 

Một trong những địa phương có sự chuyển biến mạnh mẽ trong việc áp dụng KHCN vào sản xuất để nâng cao năng suất, chất lượng, hướng tới phát triển nông nghiệp hàng hóa bền vững là huyện Diễn Châu. 

Song song với xây dựng NTM, huyện đã triển khai xây dựng nhiều mô hình đạt kết quả cao tại các xã như trồng cây thanh long ruột đỏ với công nghệ tưới tự động, nuôi tôm an toàn sinh học ứng dụng hệ thống lọc ngầm, sử dụng đệm lót sinh học chăn nuôi gà, chế biến thủy sản trên dây chuyền hiện đại như nước mắm Vạn phần, chế biến lạc sen… 

Hiện toàn huyện đã áp dụng hơn 80 mô hình ứng dụng KHCN cao vào sản xuất cho lợi nhuận cao hơn 20 – 30% so với cách làm truyền thống. 

Cơ cấu nông nghiệp tại huyện Diễn Châu đã chuyển biến tích cực theo sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Để tạo sự ổn định cho đầu ra của sản phẩm, huyện Diễn Châu đã chú trọng tìm kiếm thu hút sự đầu tư, xây dựng chuỗi liên kết trong sản xuất nông nghiệp. 

Hai năm qua, huyện Diễn Châu đã thu hút được 5 doanh nghiệp về đầu tư sản xuất công nghệ cao với số vốn đầu tư hàng chục tỷ đồng. 

Thanh Hải
http://thoibaokinhdoanh.vn