Gian nan gây dựng thương hiệu thực phẩm an toàn

Tại hội thảo "Đồng hành cùng doanh nghiệp phát triển thương hiệu thực phẩm an toàn" ngày 12/7, nhiều ý kiến doanh nghiệp đồng thuận cho rằng doanh nghiệp muốn tồn tại và phát triển phải quan tâm đến quyền lợi người tiêu dùng.

Từ kinh nghiệm xử lý khủng hoảng truyền thông, ông Phan Huy Khôi, Giám đốc đối ngoại Tập đoàn Nước giải khát Tân Hiệp Phát, cho rằng: Rất khó khăn để lấy lại được lòng tin của người tiêu dùng (NTD) một khi họ bất tín nhiệm với sản phẩm. Cách đây vài năm, sự cố con ruồi trong chai nước đã khiến tập đoàn này khá vất vả để xử lý khủng hoảng.

Ý thức ngay từ "đầu vào"

"Chỉ là những tin đồn thất thiệt qua mạng xã hội cũng khiến doanh nghiệp (DN) bị thiệt hại ghê gớm", ông Khôi cho biết.

Ông cũng chia sẻ: bên cạnh việc quản lý tốt chất lượng sản phẩm – yếu tố quan trọng hàng đầu, việc chăm sóc khách hàng và tuyên truyền cho sản phẩm cũng không thể xem nhẹ. Quan điểm của Tân Hiệp Phát là luôn đặt lợi ích NTD lên trên hết và phải minh bạch thông tin để người dùng biết, lựa chọn sản phẩm an toàn.

Ông Phạm Anh Tuấn, Chủ tịch Liên hiệp HTX tiêu thụ nông sản an toàn Việt Nam, khá tâm huyết với việc muốn gây dựng thương hiệu sản phẩm nông sản an toàn phải đi từ nhà sản xuất, từ người nông dân.

Nhưng làm sao để thuyết phục bà con thay đổi tư duy, tập quán làm ăn cũ sang quy trình canh tác mới, sản xuất theo đúng quy trình, tiêu chuẩn rau an toàn?

Muốn vậy, theo ông Tuấn, HTX vừa phải tổ chức sản xuất, vừa tổ chức "đầu ra" cho nông dân. Người nông dân phải thấy được lợi khi tham gia HTX tiêu thụ thực phẩm an toàn.

Đồng quan điểm, ông Trần Mạnh Chiến, Giám đốc công ty TNHH Vinagap Việt Nam, cho rằng: "Gây dựng thương hiệu cho nông sản phải từ những việc nhỏ. Lúc đầu, dự án trồng rau an toàn của chúng tôi có sự hỗ trợ của chuyên gia nước ngoài, trong 2 năm (từ 2009-2011) mới chỉ thu hút được khoảng 27 hộ sản xuất tham gia, sau có tới hơn 100 hộ đều chuyển đổi mô hình trồng rau an toàn. Chúng tôi đưa khoa học công nghệ vào chuyển giao cho bà con, đồng thời cử người giám sát kỹ thuật. Nhưng phải rất sát sao và quan tâm đến nông dân dù là việc nhỏ nhất, nếu không thì một thời gian sau, họ lại đi vào đường cũ".

Không chỉ từ "đầu vào", mà cả chuỗi liên kết từ sản xuất, lưu thông đến khâu phân phối, bán lẻ phải là một chuỗi cung ứng sạch "từ trang trại đến bàn ăn".

thuc-pham-an-toan-3514-1531408597.jpg

Nhu cầu tiêu dùng thực phẩm đảm bảo là biện pháp tự vệ chính đáng của người dân và cũng là cơ hội tốt cho các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm an toàn.

Và "muốn đi xa, phải đi cùng nhau"

Bà Lê Thị Mai Linh, Phó Chủ tịch điều hành Quan hệ đối ngoại và truyền thông Tập đoàn Central Group (quản lý chuỗi siêu thị bán lẻ Big C), cho biết: Với lợi thế là kênh phân phối lớn trên thị trường, Big C cũng thay đổi chiến lược đầu tư.

Cụ thể, bà Mai Linh cho biết Tập đoàn không tập trung đầu tư trực tiếp vào sản xuất nông sản, mà định hướng cho nông dân trồng cây gì, nuôi con gì theo tín hiệu thị trường.

Gần một năm qua, Central Group đã tìm hiểu thị hiếu và thói quen của NTD mua sắm trong siêu thị và đặt hàng trực tiếp với từ nhà sản xuất nhỏ và đến chuỗi cung ứng lớn để cung ứng thực phẩm an toàn phù hợp với nhu cầu NTD.

"Làm như vậy, chúng tôi sẽ là "đầu tàu" kéo theo các nhà sản xuất cùng phát triển, thành một chuỗi cung ứng, gắn bó hữu cơ", bà Linh cho biết.

Theo ông Phạm Anh Tuấn, liên kết chuỗi để phát triển bền vững chính là hướng đi mà Liên hiệp HTX tiêu thụ nông sản an toàn Việt Nam đang hướng tới.

Ngay tại hội thảo, ông Tuấn đề nghị đại diện Central Group "hãy đồng hành cùng chúng tôi". Đưa ra thông điệp "Muốn đi xa thì phải đi cùng nhau", ông Tuấn cho biết Việt Nam hiện có tới hàng nghìn mặt hàng nông sản, đặc sản vùng miền, cả xuất khẩu và tiêu thụ nội địa. Một mình HTX đơn lẻ sẽ không làm nổi mà phải biết liên kết, hợp tác để sản xuất quy mô lớn và tiêu thụ trên các kênh phân phối hiện đại.

"Chúng tôi muốn đồng hành với các kênh bán lẻ lớn và cam kết về chất lượng sản phẩm trước DN và NTD", ông Tuấn nói.

Trong khi đó, bà Lê Việt Nga, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương), nhận định: Sự phát triển của các cơ sở kinh doanh thực phẩm theo phương thức hiện đại đang là xu hướng của thế giới và nhu cầu của người dân. Nhu cầu tiêu dùng thực phẩm đảm bảo là biện pháp tự vệ chính đáng của người dân và cũng là cơ hội tốt cho các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm an toàn.

Vừa qua, Bộ Công Thương đã thực hiện tư vấn hỗ trợ một số cơ sở kinh doanh xây dựng mô hình chuỗi cửa hàng đảm bảo ATTP áp dụng phương thức quản lý tiên tiến như HACCP, ISO 22000:2005; tư vấn cho các địa phương xây dựng mô hình thí điểm chợ đảm bảo ATTP.

Trong năm 2018 bộ sẽ xây dựng mô hình này tại 24 địa phương. Ngoài ra, Bộ Công Thương cũng đang hỗ trợ các địa phương triển khai xây dựng mô hình thí điểm tiêu thụ nông sản và cung ứng vật tư nông nghiệp tại 12 tỉnh với các mặt hàng được cam kết bao tiêu sản phẩm như lúa, ớt, khoai tây, hành củ cải, bó xôi, gà thịt an toàn sinh học, rau an toàn… giúp nông sản hàng hóa tránh được việc "được mùa mất giá", hàng hóa được truy xuất nguồn gốc xuất xứ.

Hồng Quân/thoibaokinhdoanh.vn/