Gian nan xây dựng các HTX kiểu mới

Hiện trên địa bàn tỉnh, mô hình điểm các HTX kiểu mới đã chọn được 7 HTX nông nghiệp. Nhưng xây dựng các HTX thế nào để không “bình mới rượu cũ” thì vẫn còn rất mơ hồ khi mà năng lực hoạt động của các HTX và sự hỗ trợ còn rất hạn chế.
Tiêu thụ nông sản vẫn là khâu yếu của các HTX. Trong ảnh: Mô hình sen tại HTX Hòa Hiệp Bắc, huyện Đông Hòa - Ảnh: MINH DUYÊN

Kỳ vọng lớn

 

Bà Nguyễn Thị Hoa ở xã Hòa Hội (huyện Phú Hòa), bày tỏ: Từ trước tới giờ, HTX quản lý kênh mương thủy lợi và lịch thời vụ đều tốt nên mùa màng của gia đình tôi và bà con bội thu. Hơn hết, chúng tôi mong muốn HTX hãy giúp người dân tiêu thụ lúa gạo hoặc đứng ra thu mua cho bà con để không bị tư thương ép giá mỗi khi được mùa. Còn theo ông Nguyễn Văn Lên ở xã Xuân Phương (TX Sông Cầu), HTX nên tập hợp các hộ dân để cùng sản xuất lớn, theo kiểu không còn bờ bao manh mún, tự cấp tự túc nữa mà quy hoạch thành từng công đoạn sản xuất. Từ đó, HTX cùng với các hộ tạo ra sản phẩm chất lượng đạt chuẩn và HTX đảm nhận luôn vai trò tiêu thụ. Đó mới được gọi là HTX kiểu mới.

 

Các HTX gắn liền với sản xuất nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới và cũng là mắt xích quan trọng của tái cơ cấu ngành Nông nghiệp. Ông Trần Hưng Lợi, Phó Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn (Sở NN-PTNT), cho biết: Phú Yên hướng tới một nền nông nghiệp phát triển bền vững theo hướng chất lượng cao, sản phẩm sạch, hài hòa với môi trường sinh thái. Tỉnh chủ trương hình thành các vùng chuyên canh tập trung, sản xuất bằng công nghệ, máy móc, chế biến sau thu hoạch và tổ chức tiêu thụ hàng hóa cho nông dân. Khi đó, các HTX chính là nơi tập hợp các hộ dân nhỏ lẻ vào cùng sản xuất tập trung trên một cánh đồng lớn. Các HTX cũng là đơn vị quản lý chế biến và đại diện đứng ra hợp đồng với các đơn vị tiêu thụ trong và ngoài tỉnh. Toàn bộ chuỗi liên kết từ sản xuất, chế biến đến tiêu thụ nông sản sẽ do các HTX quản lý.

 

Thực tế nhiều khó khăn

 

Theo Ban chỉ đạo đổi mới phát triển kinh tế tập thể tỉnh, toàn tỉnh đã chọn được 7 HTX làm mô hình điểm, gồm HTX Dịch vụ nông nghiệp tổng hợp Hòa Thành Tây (huyện Đông Hòa), HTX Nông nghiệp kinh doanh dịch vụ Hòa Phong (huyện Tây Hòa), HTX Dịch vụ nông nghiệp Bình Kiến 2 (TP Tuy Hòa), HTX Dịch vụ nông nghiệp Hòa Định Tây (huyện Phú Hòa), HTX Nông nghiệp An Ninh Tây (huyện Tuy An), HTX Sản xuất dịch vụ nông nghiệp Xuân Sơn Nam (huyện Đồng Xuân), HTX Nông nghiệp Xuân Thọ 2 (TX Sông Cầu). Các HTX này sẽ hoạt động theo đúng Luật HTX 2012. Nghĩa là người dân tự nguyện vào HTX thông qua góp vốn để cùng sản xuất dưới sự hỗ trợ của HTX nhưng hiệu quả kinh tế thì hưởng theo lao động và số lượng vốn góp. Hướng đi là vậy nhưng nhiều HTX hiện không huy động được vốn góp mới. Phần lớn thành viên góp vốn có giá trị thấp, từ vài chục ngàn đến vài trăm ngàn. Số ít thành viên góp vốn có giá trị trên 1 triệu đồng và những thành viên này chủ yếu góp tham gia vào các dịch vụ kinh doanh như xăng dầu, xây dựng…

 

Nhìn vào những HTX được chọn làm mô hình điểm cho thấy khả năng tự chủ trong sản xuất và tiêu thụ còn rất hạn chế. Ông Bùi Văn Sang, Giám đốc HTX Sản xuất dịch vụ nông nghiệp Xuân Sơn Nam, cho biết: Tất cả dịch vụ tại HTX tuy có tạo ra lãi hàng năm nhưng để quy hoạch thành chuỗi liên kết sản xuất thì không biết tới khi nào mới thực hiện được. Còn theo ông Nguyễn Hoàng Phố, Giám đốc HTX Nông nghiệp An Ninh Tây, HTX mới chỉ làm tốt dịch vụ phục vụ sản xuất, còn khâu chế biến và tiêu thụ nông sản thì các hộ dân vẫn tự túc.

 

Thiếu vốn chính là nguyên nhân của những hạn chế này. Thời gian qua, các HTX trông chờ vào nguồn vốn hỗ trợ từ các cấp nhưng vẫn không thấy. Theo ông Lê Ngọc Cửu, Giám đốc HTX Nông nghiệp kinh doanh dịch vụ Hòa Phong, HTX quản lý làng nghề trồng dâu nuôi tằm nhiều năm nay. HTX mong có vốn hỗ trợ để xây dựng thành chuỗi liên kết sản xuất cho sản phẩm kén tằm, rượu nhộng tằm; cụ thể là vốn từ Quyết định 2261 của Thủ tướng Chính phủ để được hỗ trợ xúc tiến thương mại mở rộng thị trường và ứng dụng khoa học, kỹ thuật, công nghệ mới. Nhưng HTX chờ gần 3 năm nay mà vẫn chưa có vốn.

 

Luật HTX 2012 và Nghị định 193 của Thủ tướng Chính phủ đã chỉ ra cho các HTX con đường đi và đích đến trong tương lai. Nhưng làm thế nào để các HTX đến được thì còn quá nhiều khó khăn. Chỉ nói riêng việc xây dựng được chuỗi liên kết tại các HTX, khâu đầu tư máy móc cho chế biến cần rất nhiều vốn, trong khi đó HTX không có vốn, chờ vốn hỗ trợ thì cũng không biết tới khi nào. Không sản xuất và chế biến tốt, HTX lấy đâu ra sản phẩm đủ chất lượng để hợp tác tiêu thụ với các đơn vị.

 

Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh Lê Thanh Lam

 

Theo MINH DUYÊN/baophuyen.com.vn