Mỗi ngày cung cấp ra thị trường hơn 1 tấn rau sạch các loại, chị Đạt đã thu lời hơn một tỷ đồng/năm, trở thành tỷ phú trên đất Long Hà.

Mỗi ngày cung cấp ra thị trường hơn 1 tấn rau sạch các loại, chị Đạt đã thu lời hơn một tỷ đồng/năm, trở thành tỷ phú trên đất Long Hà.
Hệ thống các trang trại, gia trại ở Bắc Ninh cung cấp khối lượng hàng hoá lớn, giá trị sản xuất chiếm xấp xỉ 35% tổng giá trị của ngành nông nghiệp tỉnh, giải quyết việc làm cho gần 40.000 lao động nông thôn.

Thực hiện chủ trương thúc đẩy phát triển nông nghiệp theo hướng tích tụ ruộng đất, tận dụng lợi thế gần sông, diện tích đất bãi lớn, nhiều hộ nông dân trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh đã mạnh dạn phát triển kinh tế theo hướng tập trung, quy mô lớn.

Toàn tỉnh Bắc Ninh hiện có 3.300 trang trại, gia trại; trong đó 167 trang trại đạt các tiêu chí mới theo quy định của Bộ NN&PTNT, có 15 trang trại trồng trọt; 83 trang trại chăn nuôi; 30 trang trại nuôi trồng thủy sản; 29 trang trại sản xuất kinh doanh tổng hợp.

Đặc biệt sự mạnh dạn trong việc sản xuất theo chuỗi giá trị, ứng dụng khoa học công nghệ vào trồng trọt, sản xuất chăn nuôi đã góp phần đem lại giá trị kinh tế cao, đồng thời tạo được chỗ đứng vững chắc cho sản phẩm nông nghiệp.

Anh Phạm Văn Sơn, thôn Huề Đông, xã Đại Lai, huyện Gia Bình, chủ trang trại 5 ha cho biết, vào thời điểm trước năm 2010, đây là diện tích đất làm lò gạch của huyện Gia Bình được gia đình nhận thầu và quy hoạch, cải tạo thành trang trại.

Sau 6 năm nỗ lực, hiện trang trại của anh có hơn 3 ha trồng ổi, 1 ha trồng nhãn muộn và hơn 1 ha ao nuôi thả cá. Đến nay, 3 ha ổi đang cho thu hoạch rộ.

Với chất đất bãi phù sa tơi xốp, trồng cây ăn quả cho chất lượng quả ngon, ít sâu bệnh, dự kiến năm 2017, gia đình anh thu 50 tấn ổi, 10 tấn cá, 5 tấn gà ta thả vườn.

Cũng ngay trên vùng đất bãi Gia Bình, mô hình chăn nuôi lợn hữu cơ bằng nguồn thức ăn thừa của Công ty Sam Sung tại Khu công nghiệp Yên Phong đang được Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp tổng hợp Đông Bình thực hiện rất hiệu quả.

Mỗi ngày trang trại tiếp nhận 4 tấn thức ăn thừa để tận dụng làm thức ăn hữu cơ cho 500 đầu lợn.

Nguồn thức ăn này sau khi được vận chuyển về trang trại được loại bỏ rác, tạp chất và cho vào xay nhỏ, sau đó được xử lý bằng men vi sinh cho lợn ăn hàng ngày.

Ông Nguyễn Chí Hải, Giám đốc Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp tổng hợp Đông Bình cho biết, ngoài việc tiết kiệm được chi phí thức ăn cho lợn, cái được lớn nữa đó là toàn bộ số lợn được nuôi hữu cơ nên chất lượng thịt ngon, sạch, không có chất kích thích, tăng trưởng nên người tiêu dùng hoàn toàn yên tâm.

Ý định của ông Hải sẽ xây dựng hệ thống cửa hàng chuyên cung cấp thịt lợn sạch cho người tiêu dùng.

Ảnh minh họa

Đến nay, tỉnh Bắc Ninh bước đầu hình thành các vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; mô hình chuỗi giá trị từ “sản xuất giống-thức ăn-gia công-thu mua- chế biến- phân phối” hiệu quả đang được áp dụng và nhân rộng.

Hạ tầng phục vụ sản xuất nông nghiệp như: hệ thống đê điều, hệ thống tưới tiêu, cơ sở sản xuất giống cây trồng, vật nuôi; các nhà máy chế biến thức ăn chăn nuôi, giết mổ, chế biến gia súc gia cầm được cải tạo, nâng cấp và đầu tư mới hiện đại.

Công tác dồn điền đổi thửa cơ bản được hoàn thành, góp phần không nhỏ trong việc chuyển dịch cơ cấu phát triển nông nghiệp theo hướng hiện đại.

Nhiều vùng sản xuất có quy mô lớn, hàng hóa đạt chất lượng cao được hình thành ở Bắc Ninh không chỉ đưa giá trị sản xuất trên một đơn vị diện tích đất canh tác đạt từ 144-167 triệu đồng/ha mà còn đảm bảo giữ ổn định an ninh lương thực.

Năm 2016, tổng giá trị sản xuất nông, lâm, thủy sản đạt gần 8.500 tỷ đồng (theo giá so sánh năm 2010) là yếu tố quan trọng góp phần mở ra triển vọng cho sản xuất nông nghiệp của tỉnh theo hướng hàng hóa giá trị cao với nhiều vùng chuyên canh và thu hút các dự án đầu tư vào lĩnh vực này.

Nông nghiệp các địa phương trong tỉnh cũng đang dần có sự chuyển đổi từ sản xuất nhỏ lẻ sang sản xuất hàng hóa, hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung như: vùng rau xanh 300 triệu đồng/ha/năm ở khu vực thị xã Từ Sơn, các huyện Tiên Du, Yên Phong, Thuận Thành, thành phố Bắc Ninh; vùng hoa cây cảnh trên 500 triệu/năm tại Tiên Du, thị xã Từ Sơn, thành phố Bắc Ninh; vùng hành tỏi 150 triệu đồng/ha tại huyện Gia Bình, Lương Tài; vùng cà rốt 120 triệu đồng /ha tại Gia Bình, Lương Tài; vùng khoai tây từ 70-90 triệu đồng/ha tại Quế Võ, Yên Phong; vùng bí xanh, bí đỏ 60-70 triệu đồng/ha tại Lương Tài, Gia Bình.

Sản xuất an toàn cũng đang được tỉnh dần mở rộng. Đến nay, tỉnh có 3 cơ sở được chứng nhận đủ điều kiện đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm với tổng diện tích 19,5 ha; 8 cơ sở được cấp giấy chứng nhận VietGAP với tổng diện tích 82,6 ha; trong đó có 3 cơ sở sản xuất lúa VietGAP (70 ha), 5 cơ sở sản xuất rau VietGAP (12,6ha).

 
(Nguồn tin:TTXVN)