Nỗi buồn thanh long, nỗi đau nghiệp đoàn

Thanh long Việt Nam rớt giá thảm hại, nhà vườn điêu đứng, phải kêu gọi giải cứu lại tái diễn một lần nữa cho thấy, sự bất ổn của thị trường nông sản Việt chủ yếu xuất phát từ nguyên nhân nội tại, cả tư duy của nhà sản xuất lẫn nhà quản lý.

Những ngày này, nhà vườn nhiều tỉnh miền Tây và thủ phủ thanh long Bình Thuận khóc ròng vì hàng rớt giá thảm hại. Giá thanh long đỏ từ 20.000 đồng/kg, nay bán tại vườn chỉ còn 2.000 - 3.000 đồng/kg. Có thông tin cho rằng, Trung Quốc ngừng mua là lý do khiến thanh long rớt giá thảm hại, song sự thực không hẳn như vậy.

.
.

Số liệu thống kê của Cục Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - NN&PTNT) cho thấy, trong số 1,5 triệu tấn thanh long tươi mà Việt Nam xuất khẩu năm 2017, có tới 1,3 triệu tấn được xuất sang Trung Quốc. Riêng 9 tháng đầu năm nay, cả nước xuất khẩu hơn 1,32 triệu tấn thanh long quả tươi sang thị trường này.

Thời điểm hiện tại, trung bình mỗi ngày, Việt Nam vẫn xuất khẩu khoảng 13.000 tấn thanh long quả tươi sang Trung Quốc. Điều này cho thấy, xuất khẩu thanh long sang Trung Quốc diễn ra khá bình thường, thậm chí còn tăng hơn so với năm trước. Vậy đâu là nguyên nhân khiến thanh long rớt giá?

Có thể thấy, trong vài năm gần đây, diện tích trồng thanh long tại Trung Quốc tăng mạnh và đã xấp xỉ với Việt Nam. Đi sau, nhưng do nắm bắt nhanh kỹ thuật canh tác và giống, năng suất lao động cao, Chính phủ Trung Quốc lại có nhiều chính sách hỗ trợ nông nghiệp, nên dù chi phí lao động đắt hơn, song tính tổng thể, chi phí trồng thanh long ở Trung Quốc vẫn thấp hơn Việt Nam. Do sản lượng lớn, giá rẻ, thời điểm thu hoạch lại trùng với Trung Quốc, nên không quá bất ngờ khi thanh long Việt Nam bị dội chợ và rớt giá thảm hại.  

Cũng như những lần trước, mỗi khi nông sản được mùa, mất giá, mũi dùi chỉ trích lại nhắm vào cơ quan quản lý nhà nước, đặc biệt là Bộ Công thương và Bộ NN&PTNT là đã không cảnh báo sớm cho người dân. Thế nhưng, thực tế nhiều năm nay, ngay cả khi Nhà nước cảnh báo, người dân vẫn đua nhau trồng theo kiểu tự phát. Cũng bởi vậy, diện tích “trái cây vàng” thanh long hiện vượt quy hoạch hàng chục ngàn héc – ta và có chiều hướng còn tăng khi người dân tại nhiều xã ở miền Tây Nam Bộ tiếp tục phá bỏ ruộng lúa để trồng thanh long. 

Có thể khẳng định rằng, nguyên nhân lớn nhất khiến thanh long rớt giá, bị ép giá không chỉ là chuyện đua nhau sản xuất bất chấp dự báo thị trường. Thanh long trong nước bị ép giá còn bởi khó khăn từ khâu thu mua lẫn vận chuyển trên chính đất Việt Nam vì thương nhân nước ngoài đứng đằng sau, chi phối gần như toàn bộ.

Một thương lái Việt Nam cay đắng cho hay, ông rất xót xa khi đứng nhìn thương lái nước ngoài thu mua, đóng gói, vận chuyển từ A tới Z một số nông sản Việt Nam với danh nghĩa đi du lịch. Nhiều thương lái Việt dù dư vốn, nhưng cũng không thể thu mua cho bà con vì đầu mối xuất khẩu do phía nước ngoài nắm trọn.  

Câu chuyện thanh long được mùa, rớt giá cho thấy, thị trường nông sản Việt Nam đang tồn tại nhiều lỗ hổng từ sản xuất tới tiêu thụ; công tác quản lý còn lỏng lẻo. Sự kết nối giữa nông dân với doanh nghiệp, giữa nông dân với nông dân chưa tốt, doanh nghiệp vận trong nước cũng chưa đủ mạnh để có thể liên kết vận chuyển hàng hóa, có thể bảo vệ lẫn nhau, qua đó hạn chế sự thao túng của doanh nghiệp ngoại.

Kinh nghiệm tại Thái Lan, Nhật Bản, Hàn Quốc... cho thấy, người dân trồng cây gì, nuôi con gì đều cần có hội, hiệp hội, hợp tác xã hay nghiệp đoàn đại diện cho mỗi ngành hàng đó. Chính các hợp tác xã, hiệp hội hay nghiệp đoàn này đứng ra lập kế hoạch sản xuất hàng năm và làm công tác thị trường, tiêu thụ sản phẩm. Còn ở Việt Nam, thị trường nông sản đang mạnh ai nấy làm, khiến nông sản luôn rơi vào cảnh được mùa mất giá.

Rõ ràng, để chấm dứt câu chuyện được mùa, mất giá không chỉ với thanh long, trước mắt, cùng với sự hỗ trợ của cơ quan quản lý, người nông dân phải tự đứng lên bảo vệ quyền lợi bằng cách thành lập hiệp hội, hợp tác xã của chính mình, chứ không phải của doanh nghiệp nào đó. Khi đã có tổ chức riêng của mình, người nông dân sẽ không chỉ nắm bắt thị trường tốt hơn, mà còn có lợi thế mặc cả cao hơn. Bên cạnh đó, người nông dân cũng phải thay đổi cách sản xuất, thay vì cách làm đại trà, hướng tới sản xuất theo quy trình sạch, liên kết với nhà sản xuất. Đây là yếu tố có thể giúp nhiều nhà vườn đứng vững trong cơn bão gi.

Hà Tâm
https://baodautu.vn