Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Đổi mới tư duy, tổ chức lại sản xuất nông nghiệp

Sáng 4-1, tại Hà Nội, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) tổ chức Hội nghị trực tuyến tổng kết năm 2017 và triển khai kế hoạch năm 2018 ngành NN-PTNT. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Bộ trưởng NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường đồng chủ trì hội nghị; đại diện lãnh đạo các bộ, ban, ngành, cơ quan T.Ư, hiệp hội, tập đoàn, doanh nghiệp (DN) dự.
Thủ tướng Chính phủ phát biểu tại Hội nghị Tổng kết năm 2017 của ngành nông nghiệp ngày 4-1.

Báo cáo tại hội nghị, Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) Nguyễn Xuân Cường cho biết: Trong năm 2017, ngành nông nghiệp đã trải qua rất nhiều khó khăn, thách thức. Biến đổi khí hậu phức tạp gây nhiều hình thái thời tiết dị thường, thiên tai bão lũ xảy ra liên tiếp, kéo dài trên khắp cả nước, gây thiệt hại lớn đến kết cấu hạ tầng, sản xuất và đời sống của nhân dân.

Thị trường tiêu thụ nông sản tiếp tục phải đối mặt với nhiều rào cản thương mại, cạnh tranh gay gắt bởi nhiều quốc gia đẩy mạnh xuất khẩu nông sản và áp dụng nhiều chính sách bảo hộ. Dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi luôn tiềm ẩn nguy cơ bùng phát. Sức sản xuất khá lớn, trong khi vẫn dựa trên hình thức quy mô hộ nhỏ lẻ, phân tán.

Tuy nhiên nhờ sự chỉ đạo kịp thời, triển khai đồng bộ các giải pháp, ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn đã đạt được những kết quả đáng mừng. Tổng kim ngạch xuất khẩu toàn ngành ước đạt 36,37 tỷ USD, tăng 4,19 tỷ USD (13,0%) so với năm 2016; thặng dư thương mại đạt 8,55 tỷ USD, tăng khoảng 1,1 tỷ USD so với năm 2016.

Trong năm 2017, Bộ NN-PTNT đã tập trung chỉ đạo phát triển thị trường, tháo gỡ nhiều rào cản, vướng mắc cho xuất khẩu và tăng cường các hoạt động xúc tiến thương mại trong nước. Vì vậy, trừ mặt hàng thịt heo chín tháng đầu năm tồn kho nhiều, giá giảm thì hầu hết các loại nông sản được tiêu thụ kịp thời, giá ở mức có lợi cho nông dân, xuất khẩu tăng mạnh.

Hội nghị trực tuyến tổng kết năm 2017 và triển khai kế hoạch năm 2018 của ngành nông nghiệp.

Phát biểu ý kiến chỉ đạo hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, Đảng, Nhà nước luôn quan tâm đến nông nghiệp, nông thôn (NN-NT), nông dân; nhấn mạnh vai trò, đóng góp của ngành đối với sự phát triển kinh tế-xã hội của đất nước. Biểu dương nỗ lực của ngành NN-PTNT năm qua, Thủ tướng lưu ý, thành tích trên chỉ mới là bước đầu, ngành vẫn còn nhiều bất cập, cần tập trung tìm giải pháp khắc phục.

Định hướng nhiệm vụ năm 2018, Thủ tướng yêu cầu phải tạo chuyển biến rõ nét hơn, thực chất hơn trong cơ cấu lại ngành nông nghiệp và nhắc lại con số, chỉ tiêu cụ thể đối với ngành nông nghiệp mà Hội nghị Chính phủ với địa phương cuối năm 2017 đã “chốt” như tăng trưởng khu vực nông nghiệp đạt 3%; xuất khẩu phải đạt khoảng 40 tỷ USD chứ không phải 38 tỷ USD mà báo cáo của Bộ NN-PTNT đưa ra tại hội nghị này.

Để thực hiện thành công kế hoạch năm 2018, Thủ tướng yêu cầu ngành NN-PTNT và các địa phương ngay từ đầu năm tổ chức triển khai đồng bộ các Nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, nhất là Nghị quyết 01/NQ-CP với phương châm 10 chữ: Kỷ cương, liêm chính, hành động, sáng tạo, hiệu quả. Các địa phương và ngành NN-PTNT phải xây dựng hệ thống chỉ tiêu cụ thể để phục vụ hiệu quả công tác chỉ đạo, điều hành của toàn ngành. Thủ tướng yêu cầu “phải biến từ định hướng thành bảng số liệu cụ thể trong chỉ đạo, chứ không phải chỉ nói chung chung”, trên cơ sở đó để đánh giá việc hoàn thành nhiệm vụ hay không. Phải quan tâm xử lý đồng bộ một bước những vấn đề bức xúc mà NN-NT đặt ra, như vấn đề “nước, phân, cần, giống”. Đầu vào nông nghiệp phải quản lý tốt, nâng cấp tốt, không để tình trạng phân bón giả tràn lan. Đầu ra là thị trường và tổ chức sản xuất phải đặc biệt quan tâm.

Nêu bật bài học lớn rút ra từ kết quả đạt được năm 2017 là sự vào cuộc tích cực của các bộ, ngành, địa phương, Thủ tướng nhấn mạnh, trong NN-NT thì vấn đề vào cuộc của tất cả các cấp, các ngành, địa phương rất quan trọng, không thì chủ trương nằm trên giấy. Chính phủ hành động thì Bộ NN-PTNT, các sở, viện, trường phải hành động. Đổi mới tư duy, tổ chức lại sản xuất nông nghiệp theo hướng phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp sạch, thông minh. Phải tạo chuyển biến rõ nét và thực chất hơn nữa cơ cấu lại ngành gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng. Nhân rộng những mô hình sáng tạo, cách làm hay của nhiều địa phương, doanh nghiệp và nông dân như mô hình hội quán ở Đồng Tháp, tích tụ ruộng đất, thu hút đầu tư doanh nghiệp, ứng dụng công nghệ cao ở các tỉnh Hà Nam, Thái Bình, Long An, An Giang… Quyết liệt ngăn chặn việc khai thác hải sản trái phép, không khai báo, không quản lý… để “chúng ta thoát thẻ vàng (của EU) ngay trong năm nay, ngay trong sáu tháng đầu năm, là rất quan trọng”. Thực hiện nghiêm chủ trương đóng cửa rừng tự nhiên, quản lý chặt chẽ hơn nữa việc đổi đất rừng sang các mục đích sử dụng khác.

Về chi phí vận chuyển, chi phí logistics còn nhiều vấn đề, cần được tổ chức lại, Thủ tướng đề nghị Bộ Công thương, Bộ Giao thông vận tải cùng Bộ NN-PTNT, các địa phương bàn kỹ, đề xuất giải pháp phù hợp, sớm báo cáo Thủ tướng Chính phủ. Tăng cường cải cách hành chính, cải cách thể chế, cải thiện môi trường đầu tư trong nông nghiệp, phải sát dân, sát cơ sở hơn.

 

Nhấn mạnh tầm quan trọng của hội nhập khi Việt Nam đang tham gia các Hiệp định Thương mại tự do thế hệ mới, Thủ tướng nêu rõ tầm quan trọng của chủ trương mở cửa để hội nhập thị trường lớn này, cùng với thị trường trong nước 100 triệu dân. Do đó, ngành nông nghiệp và các địa phương cần phải tổ chức tốt nguồn hàng với sản phẩm tốt, chất lượng tốt, an toàn thực phẩm để giữ vững thị trường. Phải xử lý nghiêm những vụ việc làm ăn gian dối, ảnh hưởng uy tín hàng nông sản xuất khẩu. Các địa phương phải chủ động, sáng tạo, quyết liệt, tìm lợi thế để phát triển. Hoàn thiện thể chế tín dụng nông nghiệp, xuất nhập khẩu, cơ cấu tín dụng phục vụ cho nông nghiệp, nông thôn tốt hơn. Thủ tướng cũng lưu ý, các tỉnh phải chăm lo Tết cho nông dân, tiếp tục khắc phục hậu quả thiên tai...


Theo Thanh Giang - Thanh Trà - Trần Hải/nhandan.com.vn