Xã Ninh Hiệp, huyện Gia Lâm: Nhiều khởi sắc trong xây dựng nông thôn mới

Xã Ninh Hiệp, huyện Gia Lâm: Nhiều khởi sắc trong xây dựng nông thôn mới
Là xã nằm ở khu vực cửa ngõ phía Bắc của huyện Gia Lâm (giáp Bắc Ninh) với đặc thù đất chật, người đông, tốc độ đô thị hóa nhanh, tuy nhiên sau 7 năm thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM), bộ mặt nông thôn xã Ninh Hiệp đã đổi thay toàn diện theo hướng văn minh, hiện đại.

Có được thành quả như vậy, theo lãnh đạo UBND xã Ninh Hiệp, là nhờ sự vào cuộc đồng bộ của cả hệ thống chính trị và sự tham gia hưởng ứng tích cực của người dân địa phương.

Triển khai bài bản
Ông Nguyễn Văn Tuấn – Chủ tịch UBND xã Ninh Hiệp cho biết, thực hiện đề án xây dựng NTM xã Ninh Hiệp giai đoạn 2011 – 2020, cuối năm 2016, Đảng bộ, chính quyền xã đã kiện toàn Ban Chỉ đạo và xây dựng kế hoạch thực hiện, trong đó phân công công việc cụ thể cho từng ban, ngành, đoàn thể, cụm dân cư.

Ban Chỉ đạo xây dựng NTM xã Ninh Hiệp xác định công tác tuyên truyền là đầu tiên và hết sức quan trọng. Từ đó, việc tuyên truyền được triển khai rộng rãi, thường xuyên, phong phú, đa dạng bằng nhiều hình thức như vừa tuyên truyền vừa vận động; tuyên truyền lồng ghép với các hoạt động sinh hoạt cộng đồng... UBND xã còn đề nghị cấp trên biểu dương, khen thưởng các gia đình, cá nhân điển hình có nhiều đóng góp trong xây dựng NTM và khuyến khích toàn dân hăng hái tham gia. Qua công tác tuyên truyền vận động, hầu hết cán bộ và Nhân dân trong xã đã nhận thức được vai trò, ý nghĩa, mục đích của phong trào và đề cao trách nhiệm của mình trong việc thực hiện xây dựng NTM.
Bên cạnh đó, công tác chỉ đạo phát triển sản xuất, ngành nghề nhằm nâng cao thu nhập cho người dân cũng được triển khai tích cực. Về sản xuất nông lâm nghiệp và thủy sản, xã chỉ đạo HTX dịch vụ nông nghiệp phối hợp với các ban ngành, đoàn thể tổ chức tập huấn, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật cho Nhân dân; tuyên truyền, vận động Nhân dân đưa các loại giống cây trồng có năng suất cao vào sản xuất. Công tác phòng chống dịch bệnh cho đàn gia súc, gia cầm được tập trung chỉ đạo. Thực hiện phương án chuyển đổi cơ cấu kinh tế, cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng bền vững phù hợp với nhu cầu, thị hiếu của thị trường.
Cùng với đó, xã Ninh Hiệp cũng đẩy mạnh hoạt động thương mại, dịch vụ. Về sản xuất công nghiệp - xây dựng, xã tạo điều kiện thuận lợi cho các hộ gia đình vay vốn, ứng dụng cơ giới hóa trong chế biến sản phẩm. Về nâng cao thu nhập, giảm nghèo cho người dân, xã tổ chức các lớp đào tạo nghề, giới thiệu việc làm. 
Nhờ tuyên truyền hiệu quả, từ năm 2011 – 2017, công tác huy động vốn của xã Ninh Hiệp đạt 580,325 tỷ đồng. Trong đó, nguồn vốn ngân sách Nhà nước là 557,647 tỷ đồng; nguồn huy động ngoài ngân sách là 31,678 tỷ đồng (vốn do Nhân dân đóng góp là 4,524 tỷ đồng; vốn đầu tư của DN, HTX, tổ chức kinh tế đạt 7 tỷ đồng; các nguồn vốn khác đạt hơn 20 tỷ đồng).

Đổi thay toàn diện
Đến Ninh Hiệp những ngày này, ai cũng không khỏi ngỡ ngàng về sự đổi thay của một vùng quê. Từ đầu làng đến cuối xóm, các con đường đều được trải nhựa hoặc bê tông sạch sẽ. Nhiều trường học được xây mới; cơ sở vật chất văn hóa, cơ sở hạ tầng thương mại được đầu tư. Đặc biệt, khu trung tâm của xã được xây dựng như một công viên hiện đại để người dân có thể đến đây nghỉ ngơi, thư giãn. 
Theo Chủ tịch UBND xã Ninh Hiệp Nguyễn Văn Tuấn, về giao thông, đến nay 100% đường làng ngõ xóm được đầu tư cải tạo, nâng cấp. 100% các trục đường xã, liên xã được nhựa hóa hoặc bê tông. Toàn bộ các tuyến giao thông chính trên địa bàn được cải tạo. Về thủy lợi, đã đầu tư hoàn thành 100% dự án tiêu thoát nước chính, đảm bảo tiêu thoát nước sinh hoạt của khu dân cư và sản xuất nông nghiệp. 100% cơ sở hạ tầng được xây mới phù hợp với các tiêu chuẩn, quy chuẩn an toàn trước thiên tai… 100% hộ dân được sử dụng điện thường xuyên, an toàn từ các nguồn.
Đến nay, xã đã có đủ trường ở 3 cấp mầm non, tiểu học, THCS đạt chuẩn quốc gia, đảm bảo tiêu chí giáo dục. Xã cũng được đầu tư xây mới Trung tâm văn hóa thể thao; 9/9 thôn đã có nhà văn hóa và khu vui chơi ở các vị trí phù hợp, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hóa, thể thao và các hoạt động cộng đồng. Về cơ sở hạ tầng thương mại nông thôn, xã đã xây dựng phương án chuyển đổi mô hình tổ chức quản lý, kinh doanh khai thác chợ Nành, đồng thời hướng dẫn các hộ kinh doanh sắp xếp gian hàng đảm bảo an toàn trật tự, văn minh… Trên địa bàn xã không còn nhà tạm, nhà dột nát; 100% hộ dân có nhà ở đạt tiêu chuẩn của Bộ Xây dựng. Năm 2017, thu nhập bình quân đầu người tại xã Ninh Hiệp ước đạt 55,2 triệu đồng/người/năm, số hộ nghèo chỉ còn 27 hộ (khoảng 0,6%). 100% số người trong độ tuổi lao động có việc làm.
Sau 7 năm triển khai xây dựng NTM, đến cuối năm 2017, xã Ninh Hiệp đã có 16/19 tiêu chí đạt, chỉ còn 3/19 tiêu chí cơ bản đạt. Chương trình xây dựng NTM trên địa bàn xã đã đạt mục tiêu đề ra và được UBND TP Hà Nội cấp Bằng công nhận đạt chuẩn NTM.
Năm 2018, cùng với việc hoàn thành các mục tiêu kinh tế - xã hội, Ninh Hiệp phấn đấu sẽ hoàn thành và giữ vững 19/19 tiêu chí NTM. Trong đó, duy trì, giữ vững, tiếp tục nâng cấp 16/19 tiêu chí đạt; phấn đấu đạt đối với 3 tiêu chí còn lại là: Y tế, môi trường và an toàn thực phẩm, hệ thống chính trị và tiếp cận pháp luật.

16/19 tiêu chí NTM đã đạt của xã Ninh Hiệp gồm: Quy hoạch; Giao thông; Thủy lợi; Điện; Trường học; Cơ sở vật chất văn hóa; Cơ sở hạ tầng thương mại nông thôn; Thông tin và tuyên truyền; Nhà ở dân cư; Thu nhập; Tỷ lệ hộ nghèo; Lao động có việc làm; Tổ chức sản xuất; Giáo dục; Văn hóa; Quốc phòng và an ninh. 3/19 tiêu chí cơ bản đạt là: Y tế; Môi trường và an toàn thực phẩm; Hệ thống chính trị và tiếp cận pháp luật.


Theo: Nam Bắc/kinhtedothi.vn