Xây dựng nông thôn mới ở Quảng Nam: Duy Phú ngày càng... trù phú

Những năm qua, xã Duy Phú (Duy Xuyên, Quảng Nam) luôn quan tâm đầu tư cơ sở hạ tầng, nhờ đó đã tạo được nhiều chuyển biến mạnh mẽ và giúp cho diện mạo của xã ngày càng khang trang hơn. Hạ tầng được đầu tư đã góp phần phát triển kinh tế - xã hội và cũng là bước đệm quan trọng giúp Duy Phú đẩy mạnh việc xây dựng nông thôn mới (NTM).

Tạo đột phá từ hạ tầng

Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Ngọc Tiến – Chủ tịch UBND xã Duy Phú cho biết: Sau hơn 6 năm triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, diện mạo và cơ sở hạ tầng của xã Duy Phú đã thay đổi mạnh mẽ và dần hoàn thiện. Điều đáng mừng là đời sống và thu nhập của người dân trong xã tăng lên đáng kể.

 xay dung nong thon moi o quang nam: duy phu ngay cang... tru phu hinh anh 1

Người dân Duy Phú tích cực đóng góp ngày công, hiến đất để làm đường giao thông nông thôn.  Ảnh: T.H

“Đến nay xã Duy Phú đã hoàn thành 13/19 tiêu chí NTM. Năm 2018 xã dự kiến hoàn thiện thêm 2 tiêu chí gồm: Tổ chức sản xuất, môi trường và an toàn thực phẩm. Phấn đấu đến hết năm 2020, Duy Phú sẽ hoàn thành 19/19 tiêu chí”.

Ông Nguyễn Ngọc Tiến

Theo ông Tiến, với phương châm Nhà nước và nhân dân cùng làm, đến nay địa phương đã bê tông hóa được 13,3km đường giao thông trục xã, liên xã; 2,79km đường trục thôn, liên thôn; 9,47km đường ngõ xóm; 4,7km đường trục chính giao thông nội đồng. Về thủy lợi cũng được đầu tư nhiều, diện tích đất sản xuất nông nghiệp được chủ động nước tưới là 270/310ha, đạt 87%. Nhìn chung hệ thống giao thông nông thôn cơ bản đã đáp ứng nhu cầu đi lại của nhân dân; các công trình công cộng, phục vụ sản xuất, dân sinh được đầu tư đã thúc đẩy lưu thông hàng hóa và phát triển sản xuất cho bà con.

Bện cạnh việc đầu tư giao thông, thủy lợi thì hàng loạt các công trình phúc lợi khác được xã quan tâm đầu tư như sân vận động, nhà văn hóa, trường học, chợ… Thời gian qua, bằng nhiều nguồn vốn huy động, xã Duy Phú đã tiến hành xây mới và nâng cấp tất cả 5 nhà sinh hoạt văn hóa thôn; các trường học trên địa bàn gồm mẫu giáo, tiểu học, THCS đều được xây dựng khang trang, chất lượng dạy học không ngừng nâng cao. Đến nay, cả 3 trường đều được công nhận đạt chuẩn quốc gia mức độ 1. Trạm Y tế xã cũng được xây dựng mới, đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh ban đầu cho nhân dân. Trong khi đó, chợ Cổng số 5 cũng được đầu tư nâng cấp, đảm bảo phục vụ việc kinh doanh, buôn bán của cả trăm hộ tiểu thương.

Ông Trần Sáu - Trưởng thôn Mỹ Sơn vui mừng chia sẻ: “Ngày trước, điều kiện đi lại của người dân địa phương hết sức khó khăn với những con đường đất lầy lội, nay đã được thay thế bằng những con đường nhựa hoặc bê tông phẳng lỳ. Hạ tầng, giao thông được đầu tư đồng bộ đã tạo nên diện mạo mới cho thôn, đời sống vật chất và tinh thần của người dân ngày một nâng cao. Bà con nhân dân rất phấn khởi vì sự phát triển của quê hương mình...”.

Phấn đấu 2020 hoàn thành NTM

Ông Tiến cho hay, để nâng cao đời sống người dân, thời gian qua xã Duy Phú đã tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất và chăn nuôi; khuyến khích người dân phát triển những loại cây, con có giá trị kinh tế cao. Nhiều hộ dân đã chủ động đổi mới tư duy, năng động hơn trong phát triển kinh tế để vươn lên thoát nghèo.

Đặc biệt đã hình thành nhiều mô hình sản xuất mang lại hiệu quả, cho thu nhập cao. Về sản xuất lúa, mỗi vụ mùa nông dân xã Duy Phú gieo sạ 231ha lúa, tất cả đều chủ động nước tưới. Nhờ đẩy mạnh việc chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật, đưa nhiều giống lúa mới về canh tác nên năng suất không ngừng tăng lên, từ 54 tạ/ha (năm 2012) tăng lên khoảng 60 tạ/ha (năm 2018). Mô hình trồng rừng cũng cho hiệu quả không kém, toàn xã hiện có 2.800ha rừng, trong đó đất rừng sản xuất là 390ha và tất cả đều được phủ xanh bởi cây keo nguyên liệu, với hơn 50% số hộ có rừng. Trung bình rừng trồng khoảng 5 năm cho thu hoạch 1 lứa, nhờ vậy cuộc sống của nhiều gia đình khấm khá hẳn lên.

Bên cạnh đó, xã cũng chuyển diện tích đất lúa kém hiệu quả gần 30ha sang trồng sen kết hợp với nuôi cá và ốc. Ngoài ra, mô hình trồng tiêu được xã đẩy mạnh trong những năm gần đây, hiện đã có trên 15.000 choái tiêu, tập trung nhiều nhất ở 3 thôn Trung Sơn, Mỹ Sơn, Bàn Sơn.

Theo Trần Hậu (danviet.vn)