Hà Tĩnh - năm đột phá về cải cách hành chính

Hà Tĩnh - năm đột phá về cải cách hành chính
Thời gian qua, Hà Tĩnh luôn xác định cải cách hành chính (CCHC) là đột phá chiến lược, là nhiệm vụ trọng tâm trong thu hút đầu tư, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Với tư duy minh bạch, cầu thị, chính quyền đã nhận diện đầy đủ thách thức, xây dựng lộ trình bài bản để từ đó triển khai từng đầu công việc nhằm tạo sự đột phá thực chất...
 

Đổi mới để hút đầu tư

Trung tâm HCC không giải quyết việc thay cho các sở, ngành, mà là cơ quan độc lập giúp người dân, doanh nghiệp giám sát chất lượng công vụ. Để khắc phục những tồn tại và nâng cao chất lượng, thời gian tới Trung tâm sẽ sáp nhập vào Trung tâm Hỗ trợ phát triển doanh nghiệp và xúc tiến đầu tư tỉnh; đồng thời bố trí đủ biên chế để Trung tâm hoạt động hiệu quả theo phương châm “Lấy sự hài lòng của người dân làm thước đo hoạt động”…

Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh ĐẶNG QUỐC KHÁNH

Nguồn lực từ bên ngoài là không giới hạn, nhưng làm sao nắn dòng tiền chảy về phía mình lại là việc không hề dễ dàng. Bởi vậy, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Hà Tĩnh Nguyễn Thị Nữ Y đặt vấn đề, muốn nhà đầu tư chú ý đến mình thì không có cách nào khác bộ máy công quyền phải tạo được thiện cảm, coi doanh nghiệp như người thân khi mời gọi và tiếp xúc họ.

“Bộ phận thứ hai ngay sau khi nhà đầu tư gặp lãnh đạo tỉnh chính là nhóm cán bộ tại các sở, ngành. Doanh nghiệp quyết tâm hay chán nản đều nằm ở nhóm cán bộ này cả. Vì vậy, lãnh đạo Hà Tĩnh nhiều nhiệm kỳ nay đã nhận ra yếu điểm từ CCHC và trăn trở, mặc định coi đây là nhiệm vụ chính trị quan trọng của bộ máy”, bà Nữ Y nêu rõ. “Lâu nay Hà Tĩnh đã thực hiện quyết liệt cắt giảm 1/3 thành phần hồ sơ và giảm 1/2 thời gian xử lý tại cơ chế một cửa để thuận lợi cho tổ chức, cá nhân giao dịch. Song song với đó, ứng dụng công nghệ thông tin được đẩy mạnh với mục tiêu, công dân ở bất kỳ đâu cũng có thể tìm hiểu được dịch vụ công và tiến hành các thao tác theo yêu cầu”.

Cơ chế một cửa quả thật đã giúp chất lượng công vụ được nâng lên một bậc. Tuy nhiên, một cửa được chỉ ra vẫn nhiều… con dấu. Mà nhiều dấu cũng đồng nghĩa với thời gian chờ đợi chưa giảm ngay được. Mà với doanh nghiệp, thời gian chính là tiền bạc. Doanh nghiệp nào sốt ruột vẫn tìm đến cán bộ, và ở ngóc ngách nào đó, chi phí không chính thức và không minh bạch lại tăng lên. Hơn nữa, tỉnh cũng nhận thấy tất cả những nhiệm vụ trong công tác cải cách hành chính sẽ khó thực hiện nếu không đi đôi với nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức gắn với kỷ cương hành chính. Để kinh tế - xã hội tăng trưởng nhanh và bền vững hơn, Hà Tĩnh cần đột phá đúng nghĩa về CCHC. Vấn đề đặt ra là làm thế nào để tổ chức bộ máy hành chính đi vào đúng quỹ đạo, ít tầng nấc, bớt gặp gỡ sở, ngành nhưng vẫn bảo đảm quản lý nhà nước trên mọi mặt của đời sống xã hội và trong thực hiện các nhiệm vụ dịch vụ công.


Trung tâm hành chính công tỉnh Hà Tĩnh ra đời là bước đợt phá về cải cách hành chính

Từ suy nghĩ thống nhất trên, cộng thêm cách làm của rất nhiều “ngôi sao” CCHC như Quảng Ninh, Đà Nẵng… tiếp tục trở thành những gợi ý quý giá giúp hành trang CCHC của Hà Tĩnh đầy đặn thêm. Cái gì bạn làm tốt thì ta phải học, đó là nhận thức rõ ràng. Mô hình Trung tâm Hành chính công (HCC) được nhận lệnh phải sớm ra đời và có những khác biệt trong công tác chỉ đạo và tổ chức thực hiện.

Trung tâm Hành chính công là đột phá

Năm 2016, trong lúc sự cố môi trường biển ập đến và gây nhiều xáo trộn đến đời sống chính trị và xã hội của Hà Tĩnh, UBND tỉnh vẫn kiên định với CCHC khi phê duyệt Đề án thành lập Trung tâm HCC. Khác biệt nhất là dù thuộc Văn phòng UBND tỉnh nhưng trực tiếp Chủ tịch UBND tỉnh sẽ chỉ đạo và giải quyết những công việc khi cấp bách. Chủ tịch UBND tỉnh Đặng Quốc Khánh khẳng định, mục tiêu của tỉnh là hướng tới xây dựng một nền hành chính phục vụ, thân thiện và trách nhiệm. UBND tỉnh và các đơn trị trực thuộc phải vào cuộc với tinh thần đó. Tham vọng của lãnh đạo tỉnh là trong tương lai, sẽ tách các hoạt động cung ứng dịch vụ công với các hoạt động công quyền; đổi mới nội dung và phương thức hoạt động hướng vào phục vụ nhân dân, doanh nghiệp.

“Đưa Trung tâm HCC tỉnh đi vào hoạt động tháng 7.2017 là quyết tâm lớn của cả hệ thống chính trị trong toàn tỉnh, là bước đột phá trong tiến trình hiện đại hóa nền hành chính. Trọng tâm là nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước trong cải cách hành chính, xây dựng nền hành chính phục vụ, tăng tính công khai, minh bạch, thu hút đầu tư, góp phần phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững”, Chủ tịch UBND tỉnh Đặng Quốc Khánh lý giải. Cũng như nhiều địa phương khác, Trung tâm là đầu mối tập trung để các sở, ban, ngành, các cơ quan trung ương đóng trên địa bàn tỉnh tiếp nhận và phối hợp giải quyết thủ tục hành chính. Cán bộ, công chức làm việc tại Trung tâm đã được lựa chọn, sàng lọc kỹ, yêu cầu cao về chuyên môn, nghiệp vụ cũng như phẩm chất, đạo đức nghề nghiệp.

Sau 6 tháng hoạt động, Trung tâm đã giải quyết hàng chục nghìn hồ sơ (bình quân trên 200 hồ sơ/ngày) cho 1.070 thủ tục hành chính của 18 cơ quan, đơn vị. Chỉ có một số thủ tục hành chính không đưa vào do có tính đặc thù hoặc đang giao cho các đơn vị sự nghiệp tự chủ giải quyết. Các đơn vị nhận nhiều hồ sơ nhất là ngành tư pháp, giao thông - vận tải, lao động, thương binh và xã hội... với tỷ lệ giải quyết trước và đúng hạn chiếm 99,22%. Còn sớm để đánh giá sự thành công tuyệt đối, nhưng rõ ràng sự hiện diện của Trung tâm HCC đang tạo ra tinh thần đổi mới mạnh mẽ tại địa phương. 

Theo Lê Tùng/daibieunhandan.vn