Ngàn năm rạng tiếng Lê Khôi

(Baohatinh.vn) - Ngự trên núi Nam Giới, đền thờ Chiêu Trưng Đại vương Lê Khôi (Hà Tĩnh) nổi tiếng là một trong bốn ngôi đền đẹp nhất xứ An Tĩnh xưa. Lễ tế giỗ ông hàng năm - lễ hội lớn bậc nhất, đậm dấu ấn lịch sử và bản sắc văn hóa dân tộc ở khu vực Cửa Sót. “Lễ hội đền Chiêu Trưng” mới đây được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia càng khẳng định điều đó.
Tại lễ tế Chiêu Trưng Đại vương, các đoàn rước của các xã sẽ đi bằng thuyền từ ngoài biển hướng vào đền - đây là nét văn hóa đặc sắc riêng biệt của lễ hội này. Ảnh: Tư liệu

Sử vàng mãi mãi còn ghi

Tướng Lê Khôi là một trong những người đầu tiên tham gia nghĩa quân Lam Sơn, có công lớn trong sự nghiệp đánh đuổi giặc Minh giành lại độc lập và được xếp vào hàng ngũ khai quốc công thần. Năm 1446, sau khi đánh thắng giặc Chiêm trở về, đến vùng biển Cửa Sót, ông không may lâm bệnh nặng và mất tại đây.

Tích xưa kể lại, trên đường đưa linh cữu ông trở về, khi quân lính dừng nghỉ ở núi Long Ngâm thì có một đàn mối phủ lên linh cữu ông tạo thành ngôi mộ. Năm 1463, vua cho dựng bia, lập đền thờ ông tại đó và năm 1487, ông được gia phong là Chiêu Trưng Đại vương, ngày mùng 3 tháng 5 âm lịch hàng năm giao cho dân địa phương các làng Mai Phụ, Vĩnh Tuy (Thạch Hải), Kim Đôi (Thạch Kim) tế lễ.

Ngàn năm rạng tiếng Lê KhôiNghi lễ linh thiêng là biểu hiện sống động của sự giữ gìn và lưu truyền các giá trị lịch sử văn hóa của vùng biển cửa. Ảnh tư liệu

Đại vương Lê Khôi với bản lĩnh, tài năng của mình đã ghi danh vào những trang sử vàng son của dân tộc. Và núi Nam Giới cùng biển Cửa Sót may mắn là nơi "lưu giữ" danh nhân lịch sử ấy. Ông Nguyễn Trí Sơn – nguyên Giám đốc Bảo tàng Hà Tĩnh cho biết: “Đền Chiêu Trưng với những nghi lễ linh thiêng là biểu hiện sống động của sự giữ gìn và lưu truyền các giá trị lịch sử không chỉ riêng ông mà còn là lịch sử văn hóa của dân tộc, của vùng biển Cửa Sót”.

Đền thờ chính Chiêu Trưng Đại vương Lê Khôi trên núi Long Ngâm là một công trình kiến trúc cổ. Trải qua hơn 500 năm, đến nay vẫn giữ gìn nguyên trạng, hàng năm được tu bổ, tôn tạo. Đền thờ cũng được nhiều nhà nghiên cứu lịch sử đánh giá cao về nội hàm thông tin lịch sử có trong từng hạng mục. Ngoài đền chính, ở các làng xung quanh đều có đền thờ vọng, tuy có nơi đã xây mới nhưng những di sản vật thể được nhân dân lưu giữ lại đều có giá trị và ý nghĩa lịch sử rất lớn.

Tỏa bóng vào đời sống văn hóa hiện đại

Lễ tế giỗ Lê Khôi do các xã Thạch Kim, Thạch Bàn, Thạch Hải, Thạch Bắc (Mai Phụ nay) phối hợp tổ chức dần dần đã thoát khỏi hình thức một nghi lễ đơn thuần, trở thành tín ngưỡng dân gian độc đáo của vùng sông nước. Lễ giỗ cũng dần dần được nhân dân thêm vào phần hội, tạo nên không gian sinh hoạt văn hóa độc đáo của nhân dân vùng biển cửa cho đến tận ngày nay.

Ngàn năm rạng tiếng Lê KhôiTrong ngày chính lễ, chủ tế, đội tế lễ sẽ cùng nhau cử hành các nghi lễ trước sự chứng kiến của đông đảo nhân dân nhằm tỏ lòng tri ân với tiền nhân. Ảnh tư liệu

Ông Nguyễn Hùng Vỹ, Trưởng phòng Văn hóa - Thể thao huyện Thạch Hà cho biết: “Lễ hội không chỉ là dịp để nhân dân tỏ lòng tưởng nhớ, tri ân đến vị danh tướng tài ba, mà còn tưởng nhớ tổ tiên trong công cuộc xây dựng, mở mang bờ cõi. Mặc dù, ngày nay, theo sự biến đổi của đời sống xã hội, việc sắm sửa lễ vật có nhiều thay đổi, nhưng chúng tôi vẫn luôn tuyên truyền để nhân dân giữ được nguyên bản nội dung và hình thức các nghi lễ cúng rước”.

Tại vùng Nam Giới, lễ tế giỗ Lê Khôi đã trở thành nghi lễ thiêng liêng của chung các làng, các xã. Xã nào cũng nghiêm cẩn chuẩn bị và tổ chức các đoàn rước lễ vật bằng thuyền. Các thuyền lễ từ ngoài cửa sông tiến vào đền thờ cũng chính là đặc điểm độc đáo làm nên giá trị riêng có của lễ hội đền Chiêu Trưng.

Ngàn năm rạng tiếng Lê KhôiTrong suốt quá trình diễn ra lễ hội, người dân sẽ được tham gia các hoạt động vui chơi giải trí đậm văn hóa dân gian. Ảnh Huy Tùng

Cũng chính trong các hoạt động cúng tế, vui chơi, những phong tục tập quán, thế giới quan của người dân vùng biển cửa được thể hiện sinh động, cụ thể. Nhờ đó, các giá trị văn hóa tinh thần được lưu giữ, phát huy trong đời sống các thế hệ kế tiếp.

Ông Phạm Minh Hưng (thôn Giang Hà, xã Thạch Kim) cho biết: “Lễ hội đền Chiêu Trưng từ lâu đã trở thành một lễ hội lớn của người dân chúng tôi. Đó không chỉ là nơi chúng tôi thể hiện lòng biết ơn tiền nhân mà còn là nơi gửi gắm niềm tin, hy vọng về một cuộc sống tốt lành hơn”.

Lễ hội đền Chiêu Trưng với những hoạt động lễ nghi và những trò chơi dân gian đặc sắc đã trở thành nơi gìn giữ, lưu truyền các giá trị lịch sử, văn hóa của dân tộc và quê hương. Bên cạnh đó, cả phần lễ và phần hội cũng có sự tiếp thu những yếu tố hiện đại mới. Sự tỏa bóng của văn hóa truyền thống tới đời sống hiện đại đã khiến lễ hội đền Chiêu Trưng thành nơi giao hòa của văn hóa truyền thống và hiện đại, vừa giữ lại được những phong tục cổ xưa, vừa bổ sung thêm những yếu tố mới phù hợp với nhu cầu của nhân dân hiện nay.

http://baohatinh.vn/

  •