Cần có chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu cấp huyện

Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, đến cuối năm 2017, cả nước có 3.069 xã (34,4%) được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới.
Khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu thôn Nam Trà, xã Hương Trà, huyện Hương Khê

“Cần có chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu cấp huyện, hoàn thiện các tiêu chí liên quan đến thôn bản nông thôn mới; gắn các Chương trình mục tiêu quốc gia Xây dựng nông thôn mới và Giảm nghèo bền vững với tái cơ cấu sản xuất ngành nông nghiệp, phát triển kinh tế hợp tác, phát triển chuỗi giá trị, chương trình mỗi xã một sản phẩm; tập trung giải quyết nợ đọng xây dựng cơ bản, năm 2018 giải quyết cơ bản các nợ đọng còn tồn đọng trước đây và không phát sinh nợ đọng mới” – Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã nhấn mạnh như vậy tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết các chương trình mục tiêu quốc gia năm 2017 và triển khai các nhiệm vụ trọng tâm năm 2018 diễn ra mới đây. 

Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia Xây dựng nông thôn mới, đến cuối năm 2017, cả nước có 3.069 xã (34,4%) được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó, đã có 492 xã được công nhận đạt chuẩn theo Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới giai đoạn 2016-2020 (vượt mục tiêu năm 2017), tăng 712 xã so với cuối năm 2016. Còn 113 xã dưới 5 tiêu chí, giảm 144 xã so với cuối năm 2016. Có 43 đơn vị cấp huyện thuộc 24 tỉnh, thành phố đạt chuẩn nông thôn mới, tăng 13 huyện so với cuối năm 2016. 

Bằng các giải pháp quyết liệt, tính đến hết tháng 11/2017, tổng số nợ xây dựng cơ bản thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới còn khoảng 5.142 tỷ đồng (giảm 10.076 tỷ đồng, tương đương 66% so với tháng 1/2016), trong đó, 27 tỉnh không có nợ xây dựng cơ bản. 

Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững, đến cuối năm 2017, tỷ lệ hộ nghèo bình quân cả nước giảm còn khoảng 6,72% (giảm 1,51% so với cuối năm 2016). Trong đó, bình quân tỷ lệ hộ nghèo ở các huyện nghèo giảm khoảng 5% so với cuối năm 2016; hộ nghèo ở các xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo, các xã đặc biệt khó khăn, xã biên giới, xã an toàn khu vùng dân tộc và miền núi giảm khoảng 3-4% so với cuối năm 2016. Có 10/291 xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo thoát khỏi tình trạng đặc biệt khó khăn. 

Nhìn nhận về việc thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho rằng kết quả đạt được là toàn diện, hoàn thành và vượt mức tất cả các chỉ tiêu theo Nghị quyết của Quốc hội và Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao, góp phần quan trọng để cả nước hoàn thành toàn diện chỉ tiêu kinh tế, xã hội năm 2017. Khung phát luật, thể chế cho giai đoạn 2016 – 2020 đã cơ bản hoàn thành. Bộ máy chỉ đạo hoạt động thông suốt từ trung ương đến địa phương. Trong triển khai Chương trình, đã có nhiều mô hình mới, cách làm hay, gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp, phát triển kinh tế - xã hội, sinh kế bền vững, lồng ghép với các chương trình mục tiêu khác; huy động được nguồn lực cao, sơ bộ gần 400.000 tỷ đồng… 

Nhấn mạnh nhiệm vụ năm 2018, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho biết, mục tiêu đặt ra là phấn đấu cả nước có ít nhất 39% số xã đạt chuẩn nông thôn mới, giảm số xã đạt dưới 5 tiêu chí xuống dưới 60 xã; giảm nghèo bình quân là 1,5% (riêng các huyện nghèo, xã nghèo giảm 4%/năm; hộ nghèo dân tộc thiểu số giảm 3-4%/năm) theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều giai đoạn 2016-2020. 

Đưa ra phương châm cho năm 2018 là “chủ động, quyết tâm, quyết liệt, sáng tạo và hiệu quả”, Phó Thủ tướng cho rằng bài học về tính chủ động là rất quan trọng, kinh nghiệm ở đâu có sự chủ động lớn thì ở đó làm tốt, có nhiều cách làm hay, mô hình tốt. Không chỉ đạt kết quả mà còn phải đảm bảo tính bền vững, bên cạnh chỉ tiêu số lượng phải nhấn mạnh chỉ tiêu chất lượng: sinh kế, đời sống vật chất, văn hóa, văn minh, an toàn của đồng bào dân tộc, nông dân, nông thôn. Phó Thủ tướng đề nghị các bộ tiếp tục hoàn thiện thể chế, trong đó đôn đốc để sớm ký văn bản liên quan đến xác định huyện nghèo.

Theo Thanh Vân/daidoanket.vn