Còn nhiều trở ngại trong giải quyết việc làm cho lao động nông thôn

Nông thôn Việt Nam có nguồn lao động dồi dào và tiềm năng, là nơi cung cấp và hậu thuẫn đắc lực về nguồn nhân lực cho các khu đô thị và khu công nghiệp. Tuy nhiên, tỷ lệ thiếu việc làm của khu vực nông thôn còn cao, đây là một trong những thách thức lớn trong việc giải quyết bài toán lao động - việc làm của khu vực nông thôn.
 

Lao động trong khu vực nông nghiệp, nông thôn chiếm tỷ lệ lớn trong lực lượng
 lao động cả nước (Ảnh: thainguyen.gov.vn)


Bài toán việc làm ở khu vực nông thôn

Theo Báo cáo nghiên cứu việc làm tại nông thôn do Văn phòng Hỗ trợ Tư vấn Phản biện và Giám định Xã hội (OSEC) thuộc Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (VUSTA) thực hiện phân tích: Lao động trong khu vực nông nghiệp, nông thôn hiện vẫn chiếm tỷ lệ lớn, chiếm tới 71,1% lực lượng lao động cả nước. Lực lượng lao động khu vực nông thôn hiện nay khá trẻ do có tỷ lệ các nhóm tuổi 15-29 chiếm tới 1/3 tổng dân số trong độ tuổi lao động.

Tuy nhiên, tỷ lệ thiếu việc làm của khu vực nông thôn còn cao, đây là một trong những thách thức lớn trong việc giải quyết bài toán lao động-việc làm của khu vực nông thôn. Những thách thức này gia tăng khi thực tế hiện nay, phần lớn lao động nông thôn mặc dù có đủ việc làm, thậm chí làm việc nhiều giờ ở khu vực nông thôn nhưng vẫn rất khó khăn trong việc cải thiện thu nhập. Trong khi đó, các điều kiện để cải thiện năng suất lao động cho khu vực này chưa hoặc đang diễn ra chậm chạp do chất lượng lao động nông thôn còn thấp.

Chất lượng lao động hạn chế cũng đã trở thành lực cản đối với quá trình chuyển dịch cơ cấu lao động, đặc biệt là khả năng rút lao động nông thôn ra khỏi ngành nông nghiệp. Chất lượng lao động thấp ảnh hưởng trực tiếp tới năng suất lao động xã hội, đồng thời tạo ra những rào cản đối với việc thu hút đầu tư của khu vực nông nghiệp, nông thôn cũng như giải quyết vấn đề việc làm cho người lao động.

Mặt khác, ước tính Việt Nam đang có khoảng 20 chính sách khác nhau liên quan tới vấn đề lao động, việc làm ở khu vực nông thôn, được coi là tương đối hoàn chỉnh để phát triển một thị trường lao động năng động, hiệu quả nhưng trên thực tế, các chính sách về lao động việc làm vẫn còn tồn tại những bất cập, hạn chế đôi khi cản trở trực tiếp tới việc phát triển thị trường lao động.

Đào tạo nghề - giải pháp quan trọng hàng đầu

Đào tạo nghề cho lao động nông thôn được coi là một trong những giải pháp quan trọng hàng đầu để nâng cao chất lượng lao động cho khu vực này. Trong đó, Đề án đào tạo mỗi năm 1 triệu lao động nông thôn nói riêng đến năm 2020 được kỳ vọng sẽ tạo ra những thay đổi cả về chất và lượng đối với lao động nông thôn nói chung và lực lượng lao động Việt Nam nói riêng.

Sau 2 năm thực hiện Đề án, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Phạm Thị Hải Chuyền, Phó trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương thực hiện Đề án 1956 đánh giá: Mặc dù đã có được những kết quả bước đầu hết sức quan trọng, nhưng công tác dạy nghề cho lao động nông thôn trong 2 năm qua mới chủ yếu tập trung vào các mô hình thí điểm, việc đào tạo mở rộng ở các địa phương vẫn còn có hạn chế, yếu kém: còn tình trạng nghề đào tạo chưa phù hợp với nhu cầu, điều kiện của người học, chưa gắn chặt với kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và nhu cầu sử dụng lao động của doanh nghiệp. Nhiều xã chưa hoàn thành quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội. Không đạt chỉ tiêu về số lượng dạy nghề cho lao động nông thôn (chỉ đạt 87%). Có 9 tỉnh, thành không đạt mục tiêu tỷ lệ lao động nông thôn học nghề có việc làm theo mục tiêu của Đề án.

Còn theo phân tích của Văn phòng Hỗ trợ Tư vấn Phản biện và Giám định Xã hội, thì xã hội hóa các hoạt động đào tạo nghề là một trong những chủ trương quan trọng nhằm nâng cao hiệu quả đào tạo nghề, tuy nhiên rất nhiều các cơ sở sử dụng lao động hiện nay tỏ ra không mặn mà với các chính sách này bởi chính sách xã hội hóa chưa thực sự có tính “thu hút”. Công tác tuyên truyền, định hướng nghề nghiệp cho lao động nông thôn hiện nay cần phải được quan tâm đúng mức bởi rất nhiều lao động ở nông thôn hiện nay thiếu định hướng về nghề nghiệp.

Bên cạnh đó, thông tin về thị trường lao động tiếp tục là một thách thức trong quá trình đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm tại nhiều địa phương. Tại nhiều địa phương sự gắn kết giữa các cơ sở đào tạo với các cơ sở sử dụng lao động là rất hạn chế, số lao động được đào tạo theo nhu cầu của doanh nghiệp là rất thấp…

Theo đánh giá từ Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, thực tế cho thấy, để thực hiện Đề án có hiệu quả, phải huy động sự tham gia, chỉ đạo tích cực, hiệu quả của các Bộ có liên quan trong việc xây dựng quy hoạch, kế hoạch phát triển ngành, lĩnh vực; huy động sự tham gia của doanh nghiệp, nông dân sản xuất giỏi trong việc xác định nhu cầu, tổ chức dạy nghề, tổ chức lao động sản xuất, bao tiêu sản phẩm hàng hóa…; cần huy động tất cả các loại hình cơ sở đào tạo tham gia dạy nghề cho lao động nông thôn; huy động những người sản xuẩt giỏi, thợ lành nghề trong các doanh nghiệp, nghệ nhân trong các làng nghề… tham gia dạy nghề cho lao động nông thôn.

Đào tạo nghề cho lao động nông thôn là một chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước và có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong thực hiện thắng lợi Nghị quyết về nông nghiệp, nông thôn, nông dân. Việc thực hiện thành công đề án này chắc chắn sẽ tạo nên động lực và nền tảng vững chắc trong việc thực hiện mục tiêu nông nghiệp – nông thôn theo hướng công nghiệp hóa – hiện đại hóa.
Theo Kim Thanh