Hỗ trợ nông dân góp phần xây dựng nông thôn mới (Kỳ 1)

Xây dựng nông thôn mới (NTM) là chủ trương lớn của Ðảng và Nhà nước, đòi hỏi sự tham gia nỗ lực tích cực của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội. Với vai trò là thành viên Ban chỉ đạo xây dựng NTM, thời gian qua, T.Ư Hội Nông dân Việt Nam đã chỉ đạo các cấp hội thường xuyên đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, nâng cao vai trò trách nhiệm của Hội trong các phong trào nông dân và xây dựng NTM.
Nông dân huyện Phước Long (Bạc Liêu) làm đường giao thông nông thôn.

Nhiều hoạt động hỗ trợ nông dân trong sản xuất, đời sống đã được triển khai, dù còn những khó khăn, hạn chế nhưng đã thu được những kết quả quan trọng bước đầu.

Bài 1: Thành công từ sự ủng hộ của nông dân

Ðến hết năm 2017, cả nước có 2.884 xã được công nhận đạt chuẩn NTM, tăng 524 xã so với cuối năm 2016; 43 đơn vị cấp huyện được công nhận đạt chuẩn NTM, tăng 13 huyện. Nhiệm vụ xóa đói, giảm nghèo, an sinh xã hội được quan tâm thực hiện; tỷ lệ hộ nghèo cả nước giảm bình quân gần 2%/năm, tỷ lệ hộ nghèo ở nông thôn ước khoảng 7,4%. Có được thành quả như hiện nay, Hội Nông dân các cấp chủ động đổi mới, sáng tạo trong công tác chỉ đạo, tạo ra nhiều nguồn lực hỗ trợ nông dân qua đó tạo động lực để nông dân hăng hái hưởng ứng phát triển kinh tế, xã hội - xây dựng NTM.

Tận tâm với nông thôn mới

Ở thôn Hương Lam, xã Hòa Khương, huyện Hòa Vang (TP Ðà Nẵng), chuyện nông dân hiến đất ở, đất vườn làm đường từ lâu đã trở thành "chuyện thường ngày ở huyện". Nhờ sự đồng thuận của nhân dân, toàn bộ đường ngõ hẻm ở thôn đã được mở rộng từ 1,5 m lên 2 m và đường trục chính từ 3,5 m lên đến 5,5 m trải bê-tông phẳng lỳ. Hai bên đường, những dãy nhà ngói kiên cố cùng đường điện chạy đến từng hộ, từng bước làm thay đổi cuộc sống của người dân.

Ông Ngô Văn Nho, 71 tuổi, một trong những người dân tích cực hưởng ứng phong trào hiến đất làm đường cho biết, con đường này trước kia nhỏ và thường xuyên lầy lội, đi lại còn khó khăn huống chi là xe ra, vào thu mua nông sản. Ðời sống của hơn 450 hộ dân rất vất vả, chủ yếu sống trong những ngôi nhà lợp mái lá. Không có chợ, ai có gì đem ngay ra đường bán. Rác sinh hoạt hằng ngày không có nơi tập kết. Mùa mưa, đường sá lầy lội, rác, nước thải sinh hoạt được đổ và chảy thẳng ra ao, hồ… Nhưng ngày nay, đường làng, ngõ xóm đã phong quang, sạch đẹp, không còn hiện tượng rác, nước thải đổ ra đường hoặc ao, hồ. Tất cả các hộ dân đã được dùng nước sạch, thôn đã có trạm y tế, hai trường mầm non, tiểu học đạt chuẩn quốc gia… Tất cả là nhờ cuộc vận động xây dựng NTM.

Ông Lê Cao Chiến, Chi hội trưởng Chi hội Nông dân thôn Hương Lam cho biết: "Vai trò của nhân dân được phát huy rất lớn và hơn 5 năm qua, người dân đã hiến hơn 222.000 m2 đất, đóng góp hơn 55.577 ngày công. Trong đó, có gia đình hiến 300 m2 đất ruộng, riêng gia đình ông Ngô Văn Nho hiến 250 m2 để xây dựng đường giao thông, nhà văn hóa, các mô hình sản xuất…". Song song với các hoạt động nêu trên, Hội Nông dân TP Ðà Nẵng vận động các hội viên tham gia và duy trì phong trào Ngày Chủ nhật xanh - sạch - đẹp, với mô hình "Thôn không rác", đồng loạt ra quân dọn vệ sinh trong khu vực gia đình, đường làng, ngõ xóm và trên các tuyến đường chi hội đảm nhận; khơi thông dòng chảy, nạo vét kênh mương, hồ ao. Hội Nông dân các xã Hòa Khương, Hòa Phước tích cực hưởng ứng tuần lễ "Hội viên nông dân TP Ðà Nẵng nói không với túi, bao ni-lông"; mô hình thu gom rác thải, thuốc bảo vệ thực vật trên đồng ruộng nhằm nâng cao hiệu quả bảo vệ môi trường do thành phố phát động.

Tại xã Mỹ Hòa Hưng (TP Long Xuyên, An Giang), xã điểm đầu tiên của thành phố đạt chuẩn quốc gia xây dựng NTM, Chủ tịch Hội Nông dân xã Trần Anh Châu cho biết: Mỹ Hòa Hưng ngày nay đang chuyển mình mạnh mẽ, nhất là sau khi xã đạt được chuẩn NTM năm 2015. Có được điều đó là nhờ phát huy tốt vai trò của nông dân. Theo đó, tất cả các tuyến giao thông toàn xã đã hoàn thiện láng nhựa. Cầu đã làm bằng bê-tông hoàn chỉnh. Các tuyến đường ra cánh đồng ngày trước giờ cũng được người dân hùn nhau làm bằng bê-tông. Xã đã có nhiều mô hình từ thiện, kinh doanh, mang lại nguồn thu nhập khá cao như hợp tác xã rau an toàn công nghệ cao, làng du lịch homestay, khu nhà vườn sinh thái... Xã Mỹ Hòa Hưng đã thật sự thay da đổi thịt từ hơn chục năm qua.

Dẫn chúng tôi đến thăm mô hình làng du lịch homestay đầu tiên của An Giang với những ngôi nhà cổ, vườn hoa kiểng xanh mướt, anh Tôn Thất Ðính, Chủ nhiệm Tổ du lịch cộng đồng nông dân xã Mỹ Hòa Hưng chia sẻ: "Chúng tôi làm du lịch cộng đồng đã được hơn mười năm qua; mỗi tháng đón bình quân khoảng 50 khách/hộ. Làm du lịch kết hợp làm vườn, trồng xoài, làm rẫy... cho nên đời sống người dân rất khá". Bước chuyển mình từ kết hợp nông nghiệp với du lịch cộng đồng mang lại nguồn thu nhập bình quân mỗi hộ hàng trăm triệu đồng/năm; có những hộ nông dân thu nhập bình quân lên đến 1,5 tỷ đồng/năm.

Ở TP Bạc Liêu (tỉnh Bạc Liêu), cuộc vận động xây dựng NTM những năm qua luôn được các cấp Hội Nông dân quan tâm bằng những công việc cụ thể. Ðiển hình là Hội Nông dân xã ven biển Hiệp Thành đã phối hợp UBND xã vận động người dân thành lập câu lạc bộ "Hội viên nông dân với môi trường" với nhiệm vụ thu gom rác dọc theo các tuyến đường chính của xã và vận động người dân trồng hàng rào cây xanh, phát quang bụi rậm để tạo mỹ quan cho xóm, ấp. Từ phong trào này, hiện nay tuyến đường từ ấp Giồng Nhãn A đến trung tâm xã Hiệp Thành được người dân trồng hoa và cây xanh.

Tháo gỡ khó khăn về đồng vốn

Ðể tạo điều kiện giúp các hội viên phát triển kinh tế, Hội Nông dân TP Ðà Nẵng đã chỉ đạo Hội Nông dân huyện Hòa Vang xúc tiến xây dựng đề án tổ chức và hoạt động của Quỹ Hỗ trợ nông dân (HTND), thành lập Quỹ HTND huyện và xúc tiến các hoạt động cho vay vốn từ nguồn vốn Quỹ các cấp. Ðến nay, nguồn vốn quỹ HTND huyện dư nợ hơn tám tỷ đồng, đã triển khai cho vay 63 dự án, với 596 hộ vay hơn 12 tỷ đồng. Tích cực tranh thủ sự hỗ trợ từ các nguồn của thành phố và huyện, Hội Nông dân huyện Hòa Vang và các xã đã chủ động liên hệ và tiếp nhận giúp đỡ về giống, vật tư nông nghiệp, cây, con giống cho hội viên nông dân. Ðiển hình như dự án sản xuất lúa hữu cơ 74 ha, dự án nuôi gà đồi đệm lót sinh học, nuôi cua thương phẩm, rau sạch, thôn an toàn dịch bệnh. Cũng từ hỗ trợ của các nguồn vốn, Hội đã đứng ra phối hợp tổ chức tập huấn chuyển giao khoa học - kỹ thuật, dạy nghề cho hội viên về cách chăn nuôi, trồng và chế biến rau an toàn, trồng và chế biến nấm, xử lý bã thải trồng nấm làm phân vi sinh.

Các chương trình, dự án phát triển sản xuất có hiệu quả đã góp phần nâng thu nhập bình quân từ 15 triệu đồng năm 2010 lên 31 triệu đồng/người năm 2016. Kinh tế phát triển, tạo hướng kinh doanh mới đã và đang trở thành điểm sáng trong phong trào giúp nông dân làm giàu chính đáng, góp phần làm xanh, sạch, đẹp môi trường nông thôn. Trước đây, gia đình anh Trần Phước Sơn, ở tổ 5, thôn Hương Lam là một trong những hộ nghèo vì không có vốn. Sau khi tìm hiểu về khả năng của gia đình, Quỹ HTND huyện cho gia đình anh Sơn vay 30 triệu đồng. Từ nguồn vốn này, anh Sơn đầu tư nuôi lợn và làm nấm. Gia đình anh Lê Cao Bình, ở tổ 3, cùng thôn cũng thuộc diện hộ nghèo, cũng được Quỹ hỗ trợ cho vay 50 triệu đồng đầu tư làm bún và nuôi lợn. Sau ba năm chăm chỉ làm ăn, anh Sơn và anh Bình đã có khởi đầu đáng mừng. Ðến nay, các anh có tiền xây lại nhà cửa khang trang hơn, đầu tư máy móc, chuồng trại chăn nuôi, làm nhà vệ sinh hợp tiêu chuẩn, làm bể bi-ô-ga lấy khí đun nấu, mua sắm được một số đồ dùng thiết yếu phục vụ sinh hoạt hằng ngày, con cái được đến trường và có một phần tích lũy để trả vốn vay.

Cũng quan tâm về nguồn vốn giúp nông dân phát triển sản xuất, tỉnh Ðiện Biên đã có 9 trong số 10 huyện, thị xã, thành phố thành lập được Ban Ðiều hành Quỹ HTND có tư cách pháp nhân, có tài khoản, có con dấu riêng để hoạt động; 5 trong số 10 huyện thành lập được Quỹ HTND cấp huyện. Từ nguồn ủy thác từ T.Ư Hội Nông dân Việt Nam và vốn huy động từ địa phương, hiện nay Quỹ HTND tỉnh Ðiện Biên có nguồn 11,687 tỷ đồng để hỗ trợ nông dân vay vốn thực hiện các mô hình. Bà Cao Thị Tuyết Lan, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Ðiện Biên cho biết: Nguồn vốn nêu trên đã được Hội Nông dân quản lý hiệu quả; đều dành toàn bộ để hỗ trợ nông dân. Hơn 5 năm qua, Hội Nông dân tỉnh Ðiện Biên đã hỗ trợ hơn 500 lượt hộ nông dân vay vốn với lũy kế gần 18 tỷ đồng. Ðiển hình như dự án chăn nuôi trâu bò sinh sản của Hội Nông dân xã Thanh Luông (huyện Ðiện Biên). Ðể tạo điều kiện giúp đỡ hội viên và nông dân, năm 2014, Hội Nông dân xã đã nhận ủy thác nguồn vốn vay quỹ HTND tỉnh số vốn 850 triệu đồng xây dựng dự án nuôi trâu sinh sản cho 25 hội viên nông dân vay vốn mua 52 con trâu chăn thả. Cùng với đó, Hội Nông dân xã phối hợp Trung tâm Khuyến nông tổ chức phổ biến kiến thức chăm sóc, tiêm chủng cho gia súc gia cầm, bảo vệ đàn vật nuôi đến hội viên nông dân. Ðến tháng 8-2017 đàn trâu đã phát triển được 106 con (tăng 54 con so với ban đầu).

Ông Vàng Văn Rơi, bản Quảng Lâm, xã Quảng Lâm (huyện Mường Nhé), từng là hộ nghèo phải chạy ăn từng bữa. Năm 2007, được Hội Nông dân huyện Mường Nhé giúp vay 30 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách xã hội huyện, ông đã đầu tư mua trâu sinh sản, lấy sức kéo để khai hoang ruộng trồng lúa nước, nương ngô kết hợp nuôi lợn thịt, gia cầm để tăng thu nhập. Nhờ chịu khó sản xuất, trồng trọt, chăn nuôi gia đình ông đã từng bước thoát khỏi cảnh đói nghèo và có nguồn thu nhập ổn định. Không chỉ trả hết số nợ đã vay, ông còn xây dựng được ngôi nhà khang trang, có vốn để đầu tư mua thêm máy móc phục vụ sản xuất.

(Còn nữa) 

Tính đến hết tháng 4-2018, tổng nguồn vốn toàn hệ thống Hội Nông dân Việt Nam đạt 2.857,2 tỷ đồng; trong đó quỹ T.Ư đạt 677, 683 tỷ đồng; quỹ địa phương đạt 2.179,5 tỷ đồng đã giúp nông dân liên kết, hợp tác tương trợ giúp đỡ lẫn nhau trong chuyển dịch cơ cấu cây trồng và vật nuôi, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống, góp phần tích cực xây dựng nông thôn mới và ổn định chính trị, an ninh, trật tự ở nông thôn.

Theo TRỊNH SƠN, LÊ LAN và DUY TRỊ/nhandan.com.vn