Hỗ trợ nông dân góp phần xây dựng nông thôn mới (Tiếp theo và hết)

Bài 2: Hỗ trợ bằng những cách làm cụ thể - Hiện nay, các cấp Hội Nông dân đã phối hợp Ngân hàng Chính sách xã hội thực hiện ủy thác cho các hộ nghèo và các đối tượng chính sách. Tính đến nay, các cấp Hội đang quản lý 59.422 tổ tiết kiệm và vay vốn với hơn hai triệu thành viên, dư nợ là 53.794 tỷ đồng, tăng hơn 3.000 tỷ đồng so với năm 2016. Tuy nhiên, để xây dựng nông thôn mới (NTM) thành công vẫn còn rất nhiều khó khăn, thử thách.
Nông dân xã Pom Lót, huyện Ðiện Biên, tỉnh Ðiện Biên phát triển vùng chuyên canh rau màu, giúp nâng cao thu nhập. Ảnh: XUÂN TƯ

Kiên trì vượt khó

Trong thực tế triển khai cuộc vận động xây dựng NTM và công tác giúp nông dân vay vốn phát triển sản xuất, một số địa phương đã và đang gặp không ít khó khăn, trở ngại. Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Ðình Khánh Vân, Phó Chủ tịch phụ trách Hội Nông dân TP Ðà Nẵng cho rằng, công tác xây dựng NTM vẫn còn nặng về đầu tư vốn để xây dựng cơ sở vật chất. Việc đầu tư phát triển sản xuất, tuy đã có nhiều mô hình hiệu quả, song việc nhân rộng còn chậm.

Các hợp tác xã chưa thực hiện được vai trò là cầu nối để liên kết giữa nông dân với doanh nghiệp trong tổ chức sản xuất và tiêu thụ sản phẩm dẫn đến quy mô sản xuất nông nghiệp còn nhỏ lẻ, manh mún, hiệu quả chưa cao. Ở một số nơi, tình trạng ô nhiễm môi trường chưa được giải quyết hiệu quả, công tác thu gom rác thải chưa đồng bộ, phương tiện thu gom còn thiếu, ý thức bảo vệ môi trường của người dân chưa cao…

Tại huyện Hòa Vang, một số cấp ủy, cán bộ, đảng viên và người dân còn nhận thức hạn chế về chương trình xây dựng NTM, vẫn còn tư tưởng trông chờ, ỷ lại Nhà nước, chưa phát huy được vai trò chủ thể của cộng đồng dân cư. Công tác lãnh đạo, chỉ đạo điều hành còn lúng túng. Tuy chương trình xây dựng NTM được người dân kỳ vọng, song nguồn lực trong dân còn hạn chế, việc thu hút doanh nghiệp đầu tư trong lĩnh vực này còn khó khăn, vốn hỗ trợ thực hiện chương trình rất lớn nhưng vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu. Nhiều cơ chế chính sách được ban hành tương đối đầy đủ nhưng kinh phí tổ chức thực hiện còn hạn hẹp như phát triển rừng, nâng cao hiệu quả kinh tế trang trại, hợp tác xã… cho nên ảnh hưởng không nhỏ đến việc nâng cao đời sống vật chất tinh thần cho dân cư nông thôn.

Lãnh đạo UBND huyện Hòa Vang xác định việc thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM gắn với cơ cấu lại ngành nông nghiệp là trọng tâm, then chốt. Phó Chủ tịch UBND huyện Hòa Vang Ðặng Phú Hành cho rằng: Rất cần tiếp tục đẩy mạnh công cuộc xây dựng NTM, phát triển sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn theo chuỗi từ sản xuất đến chế biến, tiêu thụ nhằm nâng cao giá trị hàng hóa, bảo đảm an toàn thực phẩm, hướng đến phát triển nông nghiệp bền vững, nông thôn kiểu mẫu, nâng cao thu nhập và đời sống, tinh thần cho người lao động trong ngành nông nghiệp huyện. Ðể đạt được mục tiêu nêu trên, cần sự kiên trì, quyết liệt vượt qua những khó khăn trong sản xuất nông nghiệp của cả người nông dân và các cấp chính quyền.

Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh An Giang Châu Văn Ly cho biết, người nông dân đang đối mặt nhiều khó khăn và để vượt qua cần sự kiên trì nhưng không thụ động. Ðiểm nghẽn lớn nhất hiện nay là sự thiếu gắn kết chặt chẽ giữa địa phương và các đơn vị triển khai thực hiện phong trào NTM. Tâm lý vốn phải rót cho đủ, ỷ lại Nhà nước và sự thiếu mạnh mẽ của không ít cán bộ một vài nơi gây tâm lý e ngại; chưa tận dụng tốt công tác triển khai của các đoàn thể để phát huy ý kiến, đóng góp của người dân, hội viên. Chưa kể, công tác tuyên truyền trong xây dựng NTM cần phải đi đôi với kiểm tra, nhắc nhở. Một khi nhận thức của người dân được nâng cao, mô hình sản xuất được hình thành, phát triển và thu nhập cùng đời sống người nông dân chuyển biến tích cực thì mới bảo đảm các tiêu chí trong xây dựng NTM được bền vững.

Tại Ðiện Biên, một trong những khó khăn lớn nhất là nguồn vốn hỗ trợ của Hội Nông dân không nhiều trong khi không phải hội viên nào cũng có sẵn vốn, cho nên việc đầu tư của nông dân nhỏ lẻ, manh mún. Sản phẩm nông dân làm ra lại luôn trong cảnh được mùa - mất giá hoặc thường xuyên bị thiên tai, dịch bệnh. Chính vì thế, tốc độ tăng trưởng vốn chậm, quy mô không lớn. Việc huy động vốn tại địa phương rất khó khăn và mãi đến năm 2015 mới được UBND tỉnh cấp một tỷ đồng xây dựng Quỹ Hỗ trợ nông dân (HTND) tỉnh; thực tế thì không phải cấp nào, ngành nào cũng quan tâm dành nguồn hỗ trợ nông dân.

Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Ðiện Biên Cao Thị Tuyết Lan cho biết thêm, trong số mười huyện, thị xã, thành phố toàn tỉnh hiện mới có duy nhất huyện Tủa Chùa cấp kinh phí cho Hội Nông dân huyện để hình thành nguồn Quỹ HTND huyện, với số tiền 500 triệu đồng. Toàn tỉnh có 130 cơ sở hội thì đến nay mới có mười cơ sở hội xây dựng được nguồn quỹ 487 triệu đồng; trong khi nguồn vốn ủy thác từ Trung ương chưa đáp ứng nguyện vọng của nông dân thì địa phương cũng không thể huy động nguồn xã hội hóa. Thực trạng này, không chỉ khiến Hội hoạt động khó khăn mà những dự định của hội viên nông dân cũng bị “bó”.

Trong khi Ðiện Biên đang triển khai nhiều chính sách hỗ trợ thực hiện đề án cơ cấu lại sản xuất nông nghiệp, thì hội viên nông dân càng khó được hỗ trợ. Bởi theo quy định, để được hỗ trợ phải đáp ứng các điều kiện: diện tích từ 100 ha trở lên, có dây chuyền, máy móc, nhà xưởng để sản xuất, chế biến nông - lâm sản, trong khi nông dân lại là những hộ kinh doanh cá thể chỉ có mô hình kinh tế nhỏ lẻ, tầm ảnh hưởng chưa sâu rộng cho nên không được hỗ trợ. Vì thế, chính sách hỗ trợ nông nghiệp ở địa phương có thể vào “túi” vài doanh nghiệp, doanh nhân.

Cần nhiều cách làm hay

“Muốn xây dựng NTM bền vững phải bắt đầu từ việc nâng cao đời sống cho nông dân. Ðể làm được việc này đòi hỏi phải củng cố vững chắc Quỹ HTND, cần quan tâm hơn nữa đến sản xuất nông nghiệp, xóa bỏ hình thức hợp tác xã kiểu cũ bằng mô hình hợp tác xã kiểu mới có sự liên kết chặt chẽ”. Ðó là khẳng định của ông Lều Vũ Ðiều, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nông dân Việt Nam. Bởi khi người dân tham gia hợp tác xã sẽ được vay vốn, được đầu tư sản xuất và có nơi tiêu thụ hàng hóa nông sản, đời sống được cải thiện, có tích lũy, họ sẽ tự động đóng góp tích cực vào việc chỉnh trang nhà cửa, đường làng, ngõ xóm. Hiện nay, phần lớn nông dân còn nghèo, chính vì vậy việc huy động nguồn lực từ các hội viên rất khó khăn. T.Ư Hội Nông dân Việt Nam đang phát động trong hội viên kêu gọi sự ủng hộ đóng góp từ các hộ nông dân có con em đi làm ăn xa.

Trả lời câu hỏi của chúng tôi về kết quả thực chất của xây dựng NTM, đồng chí Lều Vũ Ðiều cho biết: Ðể mục tiêu xây dựng NTM thực chất có hiệu quả, cần chấm dứt ngay việc “chạy thành tích”. Ông Ðiều cho rằng, vẫn còn tình trạng “nợ” công trình khi công bố hoàn thành các chỉ tiêu xây dựng NTM, hoặc có nơi đã hoàn thành nhưng không dám công bố, nơi khác lại nợ đọng xây dựng cơ bản không có khả năng trả, đánh giá chất lượng tiêu chí còn xuê xoa. Tình trạng ô nhiễm môi trường vẫn đang là vấn đề bức xúc của người dân nông thôn, nhất là ở những địa phương có tốc độ đô thị hóa nhanh và công nghiệp phát triển. Hệ thống hạ tầng nông thôn đầu tư chưa đồng đều, thiếu đồng bộ, nhất là hạ tầng về giao thông nông thôn, thủy lợi, điện phục vụ sản xuất.

Trong thực tế, người nông dân đang phải đối mặt rất nhiều khó khăn, trong đó đáng nói nhất là, nguồn vốn để phát triển sản xuất. Ðể góp phần giải quyết nguồn vốn cho người dân, cần đẩy mạnh tuyên truyền để lãnh đạo hội các cấp ở địa phương nhận thức đúng tầm quan trọng, giá trị hoạt động của Quỹ HTND. Chính phủ cần có cơ chế bổ sung cho Quỹ HTND, bởi theo quy chế, khi nông dân muốn vay vốn ngân hàng phát triển sản xuất không phải thế chấp, nhưng thực tế, khi đi vay các ngân hàng đều đòi hỏi có tài sản bảo đảm. Chính vì vậy, phải mạnh dạn chuyển đổi từ sản xuất quy mô nhỏ lẻ, sang sản xuất liên kết tập thể, phát huy vai trò hợp tác xã liên kết kiểu mới phù hợp vùng, miền, qua đó phát huy được thế mạnh của địa phương và thông qua mô hình hợp tác xã, nông dân dễ vay vốn, được đầu tư kỹ thuật, phân bón chất lượng. Ðầu tư cho các doanh nghiệp để từ đó các doanh nghiệp hỗ trợ trở lại về tiêu thụ sản phẩm và chuyển giao khoa học - kỹ thuật cho nông dân. Ðẩy mạnh công tác tiếp thị, giới thiệu sản phẩm của nông dân trên thị trường quốc tế. Có định hướng cụ thể về các loại nông sản theo thời vụ để tránh tình trạng nông dân đua nhau trồng, chăn nuôi một loại, khi bị tư thương chèn ép không bán được phải đổ bỏ…

Chẳng hạn, xã Pom Lót, huyện Ðiện Biên (tỉnh Ðiện Biên) là xã lòng chảo, địa bàn rộng nhưng mặt bằng dân trí không đồng đều, nhất là trong một bộ phận không nhỏ hội viên nông dân còn tư tưởng trông chờ sự hỗ trợ của Nhà nước và chính quyền các cấp, cho nên mấy năm trước việc triển khai phong trào xây dựng NTM trong nông dân rất khó khăn. Song hai năm trở lại đây, căn cứ nội dung từng tiêu chí, điều kiện chung của toàn thể hội viên nông dân xã Pom Lót, Hội Nông dân đã chủ động đăng ký với Ðảng ủy, UBND xã đảm nhiệm ba tiêu chí: Giữ gìn vệ sinh môi trường; bảo đảm an ninh - trật tự địa bàn; nâng cao đời sống, thu nhập hội viên nông dân và phối hợp chính quyền hoàn thiện tiêu chí về giao thông nông thôn.

Triển khai đến hội viên các tiêu chí đó, Hội Nông dân xã Pom Lót đồng thời triển khai cụ thể cách làm phù hợp điều kiện từng thôn, bản. Hiểu được nội dung từng tiêu chí, ý nghĩa lớn lao của chương trình NTM, nhiều hội viên nông dân ở Pom Lót đã tự nguyện đóng góp hàng trăm triệu đồng đầu tư làm đường nội đồng và đường dân sinh.

Ðưa chúng tôi đi thăm tuyến đường thôn Ðội 5 mới hoàn thành hồi cuối năm 2017, ông Nguyễn Văn Thắng, hội viên Chi hội nông dân thôn Ðội 5, phấn khởi cho biết: Chiều dài tuyến đường gần 300 m, phục vụ hơn 100 gia đình trong thôn nhưng chỉ cần 30 gia đình ủng hộ đã đủ kinh phí làm đường. Quá trình vận động, Chi hội nông dân thôn Ðội 5 nhận được sự ủng hộ nhiệt tình từ nông dân; người góp của người góp công, ai cũng đề nghị làm đường phải rộng thêm để người dân đi lại thuận tiện. Tại thôn Ðội 5 có nhiều đoạn đường đã được hoàn thành từ sự ủng hộ của nông dân, như: đường liên thôn, đường nội đồng; tổng kinh phí nông dân tự nguyện đóng góp lên đến gần hai tỷ đồng.

Nhờ sự tham gia, đóng góp tích cực của các cấp Hội Nông dân tại các tỉnh, TP Ðà Nẵng, An Giang, Bạc Liêu, Ðiện Biên, đến nay nhiều xã tại các địa phương đã được công nhận đạt chuẩn NTM. Nông dân đẩy mạnh liên kết, tìm tòi những mô hình sản xuất mới mang lại hiệu quả kinh tế, ngày càng có nhiều hộ nông dân đạt danh hiệu Nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp. Cùng với đó, giao thông nông thôn phát triển, tạo điều kiện cho việc đi lại, giao thương, vận chuyển hàng hóa góp phần phát triển kinh tế - xã hội ở các địa phương, làm thay đổi diện mạo nông thôn, làm cho làng quê ngày càng khởi sắc đi lên…

5 năm qua, các cấp Hội Nông dân đã hướng dẫn tổ chức thành lập được 14.682 mô hình kinh tế tập thể, trong đó có 1.029 hợp tác xã kiểu mới. Ðến nay, cả nước có hơn 110 nghìn mô hình kinh tế tập thể do Hội Nông dân hướng dẫn thành lập. Ngoài ra, còn thành lập và duy trì hoạt động hơn 80 nghìn tổ vay vốn đầu tư sản xuất, kinh doanh và hơn năm nghìn doanh nghiệp trong nông nghiệp. Các hộ nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp, hằng năm giúp hơn 790 nghìn hộ nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn về cây, giống, máy móc, vật tư nông nghiệp, ngày công lao động và tiêu thụ sản phẩm…

 

* Bài 1: Thành công từ sự ủng hộ của nông dân

Theo TRỊNH SƠN, LÊ LAN và DUY TRỊ/nhandan.com.vn