Nâng cao chất lượng, hiệu quả tham gia xây dựng nông thôn mới của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam

Nâng cao chất lượng, hiệu quả tham gia xây dựng nông thôn mới của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam
Chiều 28/12, tọa đàm Giải pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả tham gia xây dựng nông thôn mới của Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam đã diễn ra tại Hà Nội.
Phát biểu tại toạ đàm, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Trương Thị Ngọc Ánh nêu rõ: Xây dựng nông thôn mới là chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước đang được cả hệ thống chính trị từ Trung ương đến các địa phương triển khai thực hiện. 

Kết quả xây dựng nông thôn mới đã từng bước làm thay đổi sâu sắc mọi bình diện xã hội trên địa bàn nông thôn, rút ngắn khoảng cách chênh lệch về mức sống và chất lượng đời sống giữa nông thôn và thành thị. 

Giai đoạn 2016-2020 đánh dấu giai đoạn 2 trong lộ trình xây dựng nông thôn mới trên địa bàn cả nước với mục tiêu tổng quan là xây dựng nông thôn mới để nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân; kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội phù hợp; cơ cấu kinh tế và các hình thức tổ chức sản xuất hợp lý, gắn phát triển nông thôn mới với đô thị; xã hội nông thôn dân chủ, bình đẳng, ổn định, giàu bản sắc văn hóa dân tộc; môi trường sinh thái được bảo vệ; quốc phòng an ninh được giữ vững. 
Đường giao thông trên xã đảo An Hải, huyện Lý Sơn (Quảng Ngãi) đã được bê tông hóa trên 70%. Ảnh: Quý Trung/TTXVN
Năm 2017, kết quả xây dựng nông thôn mới trên địa bàn cả nước có những kết quả tích cực, hướng đến sự phát triển bền vững. Tính đến cuối tháng 11/2017, trên địa bàn cả nước đã có 2.884 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới (đạt 32,30%), tăng 524 xã (bằng 5,87%) so với cuối năm 2016. 

Trong đó, có trên 305 xã được công nhận đạt chuẩn theo Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới giai đoạn 2016 -2020, vượt mục tiêu đề ra trong năm 2017 có ít nhất 31% xã đạt chuẩn. Tiêu chí bình quân trên địa bàn xã đạt 13,69 tiêu chí/xã, còn 176 xã dưới 5 tiêu chí, giảm 81 xã so với cuối năm 2016. 

Đối với cấp huyện, đến hết ngày 15/12/2017, cả nước có 43 đơn vị cấp huyện thuộc 24 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, tăng 13 huyện so với cuối năm 2016, vượt 5 đơn vị cấp huyện so với mục tiêu năm 2017. 

Các đại biểu đánh giá MTTQ Việt Nam và các tổ chức thành viên ngày càng thể hiện vai trò quan trọng trong xây dựng nông thôn mới. Thông qua các cuộc vận động, các phong trào thi đua do MTTQ Việt Nam và các tổ chức thành viên phát động, kết quả xây dựng nông thôn mới ở các địa phương từng bước đi vào thực chất, đem lại nhiều lợi ích thiết thực trong đời sống nhân dân. 

Nhân dân tích cực tham gia liên kết, xâu chuỗi sản xuất theo mô hình hợp tác xã kiểu mới; tích cực ứng dụng công nghệ, nâng cao giá trị sản phẩm; tham gia bảo vệ môi trường gắn với phát huy các giá trị văn hóa, giúp nhau phát triển kinh tế gia đình... 
 

 

Điển hình như mô hình xây dựng nông thôn mới gắn với sản xuất nông nghiệp sạch, theo chuỗi liên kết tại Hà Nội, Hà Nam, Bắc Giang, Hòa Bình, Lâm Đồng; mô hình làng hoa, làng nghề gắn với du lịch homestay ở Hà Giang, Thanh Hóa, Hà Tĩnh, Đồng Nai...; mô hình khu dân cư nhà mẫu, vườn mẫu tại Hà Tĩnh... đã đem lại hiệu quả thực chất trong xây dựng nông thôn mới ở các địa phương... 

Để tiếp tục thực hiện tốt việc xây dựng nông thôn mới trong giai đoạn tiếp theo, các đại biểu đề nghị Trung ương sớm ban hành Bộ tiêu chí quốc gia xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu và Bộ tiêu chí khu dân cư kiểu mẫu để các xã đạt chuẩn nông thôn mới có căn cứ thực hiện; xem xét, xây dựng và ban hành thêm các quy định, cơ chế thu hút các doanh nghiệp đầu tư mạnh mẽ vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn; quy định hành lang pháp lý trong sản xuất, thu mua, chế biến các sản phẩm nông, lâm, thủy sản để giải quyết đầu ra cho nông dân. 

Bên cạnh đó, Trung ương cần nghiên cứu ban hành cơ chế đặc thù trong hoán đổi quỹ đất công cho người dân trên cơ sở Luật Đất đai để có mặt bằng phục vụ xây dựng hạ tầng nông thôn; đơn giản hóa các thủ tục trong việc đầu tư xây dựng, giải ngân và quyết toán phần vốn Nhà nước hỗ trợ những công trình công cộng do dân cư tổ chức thực hiện. 

Ngoài ra, nhằm nâng cao vai trò tham gia của MTTQ Việt Nam trong việc xây dựng nông thôn mới, các đại biểu đề xuất cần tiếp tục triển khai nghiêm túc, bài bản, sáng tạo việc đánh giá sự hài lòng của người dân đối với kết quả xây dựng nông thôn mới - đây là hoạt động trọng tâm của MTTQ Việt Nam các cấp tham gia xây dựng nông thôn mới, nhằm góp phần nâng cao vai trò, trách nhiệm của MTTQ Việt Nam trong công tác này...
 

 

Phúc Hằng (TTXVN)