Sắc mới ở thôn vùng cao Hương Sơn

Sắc mới ở thôn vùng cao Hương Sơn
Là một sơn thôn hẻo lánh của xã Sơn Tây, huyện Hương Sơn (Hà Tĩnh) nhưng trên hành trình thực hiện công cuộc “tam nông”, các tiềm năng thôn Trung Lưu đang được đánh thức, đời sống của người dân ngày càng ấm no, sung túc, bộ mặt có nhiều đổi thay...

Sắc mới ở thôn vùng cao Hương SơnTrồng chè - một trong những cây chủ lực để phát triển kinh tế, mang lại thu nhập ổn định cho người dân thôn Trung Lưu

Đến Trung Lưu vào một ngày nắng nóng, gần 10 giờ trưa, khi mọi người đã lục tục kéo nhau từ ngoài đồng trở về, chúng tôi vẫn bắt gặp Phó Chủ tịch UBND xã Sơn Tây, Phan Xuân Anh và trưởng thôn Nguyễn Sỹ Hùng tranh thủ đến từng hộ gia đình có nhu cầu mở rộng diện tích trồng chè để hướng dẫn bà con làm hồ sơ.

Do mấy năm gần đây, cây chè “bén duyên” trên đất của thôn, mang về nguồn thu nhập ổn định và cao hơn các loại cây khác nên bà con rất phấn khởi, tập trung chuyển đổi ruộng đất, mở rộng vùng nguyên liệu cho Xí nghiệp chè Tây Sơn. Chỉ tính riêng năm nay, thôn sẽ mở rộng thêm 2 ha trên đất màu kém hiệu quả và hiện các hộ đang khẩn trương xây dựng kế hoạch, đăng ký danh sách...

"Nếu trước đây, 21 ha đất màu của thôn đều được 130 hộ dùng để sản xuất lạc, đậu thì nay đã có 17 ha được chuyển sang trồng chè, một số dùng để trồng cỏ phục vụ chăn nuôi, đất sản xuất màu không còn nhiều. Hiện nay, toàn thôn có 14,5 ha chè cho sản phẩm, năm 2017 thu hoạch được 204 tấn chè búp, mang về nguồn thu khoảng 1,4 tỷ đồng..." - Trưởng thôn Nguyễn Sỹ Hùng hồ hởi chia sẻ.

Sắc mới ở thôn vùng cao Hương SơnPhó Chủ tịch UBND xã Sơn Tây, Phan Xuân Anh (áo đỏ) tham quan vườn cam 1 ha đã cho quả của trưởng thôn Nguyễn Sỹ Hùng. Vườn cam năm này ngoái cho thu nhập trên 200 triệu đồng, năm nay đậu quả nhiều hơn, dự kiến sẽ cho thu nhập vượt trội

Ngoài việc phát triển cây chè, người dân thôn Trung Lưu đã biết tận dụng tiềm năng, lợi thế đất rừng và định hướng phát triển các loại sản phẩm chủ lực của huyện, xã để có hướng đi phù hợp. Trung Lưu hiện còn có 1 tổ hợp tác chăn nuôi 120 con trâu bò, đàn hươu 150 con và 7 mô hình trồng cây ăn quả, trong đó có những mô hình bước đầu cho thu nhập trên 200 triệu đồng/năm. Ngoài ra, các hộ trong thôn còn nhận 140 ha rừng khoanh nuôi, 110 ha rừng trồng, mỗi năm có khoảng 15-20 ha keo cho khai thác, mang về nguồn thu từ 700 triệu - 1 tỷ đồng/năm...

Sắc mới ở thôn vùng cao Hương SơnLợi thế đồi rừng đã được người dân Trung Lưu trồng keo nguyên liệu

Bên ấm chè xanh đậm đà, trưởng thôn Nguyễn Sỹ Hùng nhớ lại: “Trung Lưu là một thôn được bao bọc bởi núi đồi và sông ngòi hiểm trở. Cách đây mấy năm thôi, việc đi lại buộc phải dựa vào con đò ngang, cách biệt với trung tâm xã, mỗi khi mưa lũ về người dân chỉ biết ngồi trong nhà nhìn ra, có lúc gần nửa tháng trời. Dù rất siêng năng, cần cù nhưng sản xuất kém phát triển, phương thức canh tác nghèo nàn, tư duy làm ăn lạc hậu, chủ yếu dựa vào rừng tự nhiên để sống qua ngày, con em phải nghỉ học để phụ giúp gia đình kiếm sống nên dân trí thấp”.

Sắc mới ở thôn vùng cao Hương SơnCầu Trung Lưu đưa vào sử dụng đã mang đến niềm vui lớn cho người dân nơi đây; chấm dứt cảnh trắc trở giao thông, địa bàn cô lập, thông thương bế tắc, thúc đẩy KT-XH của thôn phát triển..

“Thế nhưng, với sự cần cù, ham học hỏi, đặc biệt là lựa chọn hướng làm ăn phù hợp nên đời sống của người dân hiện đã thay đổi tích cực. Hiện nay thu nhập bình quân đầu người của người dân Trung Lưu đã đạt 37 triệu đồng/năm, chỉ còn 4 hộ nghèo và 6 hộ cận nghèo là những ông già, bà lão. Từ chỗ cơm không đủ ăn, mặc không đủ ấm, nay nhiều nhà đã có thu nhập từ 200-400 triệu đồng/năm và số hộ giàu đang ngày càng tăng lên nhanh chóng. Đường sá đã cơ bản được cứng hóa, thông thương thuận lợi, các tiện nghi hiện đại được mua sắm nhiều, đời sống tinh thần được nâng lên rõ rệt...” - ông Hùng cho biết thêm.

Tác giả bài viết: Theo baohatinh.vn