Xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu – Những vấn đề đặt ra?

Xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu – Những vấn đề đặt ra?
Theo chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Trung ương các Chương trình mục tiêu quốc gia, sau khi đạt chuẩn nông thôn mới (NTM), các tỉnh, thành phố sẽ tiếp tục xây dựng tiêu chí để xét, công nhận đạt chuẩn NTM nâng cao, sau đó, sẽ lựa chọn, công nhận địa phương đạt NTM kiểu mẫu, tạo hình mẫu để các địa phương khác học tập. Tuy nhiên, trong thời gian qua, do chưa ban hành tiêu chí NTM kiểu mẫu, chưa có cơ sở để định lượng, đánh giá xã NTM kiểu mẫu, nên một số tỉnh, thành phố đã chủ động xây dựng, ban hành tiêu chí xã NTM kiểu mẫu, Khu dân cư NTM kiểu mẫu… Vì vậy, cần đặt ra tiêu chí nhất định, phát triển nhưng phải gắn với bảo tồn gìn giữ nét văn hóa dân tộc, đây cũng là vấn đề cốt lõi mà chương trình NTM mong muốn các địa phương phát triển một cách bền vững.
Trường Tiểu học và trung học cơ sở Long Mỹ, Long Hồ, Vĩnh Long (ảnh : NTM)

Trường Tiểu học và trung học cơ sở Long Mỹ, Long Hồ, Vĩnh Long (ảnh : NTM)

KẾT QUẢ XÂY DỰNG NTM HIỆN NAY
Tính đến hết tháng 3/2018, cả nước đã có 3.289 xã đạt chuẩn NTM (chiếm khoảng 36,84% số xã), bình quân cả nước đạt 14,25 tiêu chí/xã; 49 đơn vị cấp huyện được công nhận đạt chuẩn, hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới; cả nước còn 121 xã đạt dưới 05 tiêu chí. Đây là kết quả tất yếu của quá trình chung sức, đồng lòng của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội, là thành quả của phong trào thi đua “Cả nước chung sức xây dựng NTM”.

Hơn 7 năm qua, Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM đã làm cho bộ mặt nhiều vùng nông thôn khang trang, xanh, sạch, đẹp hơn. Hạ tầng thiết yếu về giao thông, thủy lợi, văn hóa, y tế, giáo dục… được quan tâm đầu tư, nâng cấp, xây dựng. Sản xuất nông nghiệp tiếp tục phát triển, mang lại hiệu quả kinh tế và thu nhập cao. Số hộ nghèo giảm nhanh, đời sống vật chất và tinh thần của người dân nông thôn từng bước được cải thiện. Hệ thống chính trị cơ sở tiếp tục được củng cố.

Không dừng lại ở những thành tích đã đạt được, nhiều địa phương trong cả nước đã hết sức chủ động, sáng tạo, nâng cao chất lượng tiêu chí trong xây dựng NTM. Các tỉnh đã xây dựng ban hành tiêu chí và tổ chức thực hiện xây dựng xã NTM kiểu mẫu, khu dân cư NTM kiểu mẫu. Trong đó: Có 09 tỉnh, thành phố đã ban hành tiêu chí xã NTM kiểu mẫu, có 08 tỉnh, thành phố đã ban hành tiêu chí khu dân cư NTM kiểu mẫu. Đặc biệt, tỉnh Hà Tĩnh và Quảng Ninh là 02 địa phương đã ban hành tiêu chí vườn mẫu và đang tổ chức triển khai thực hiện tiêu biểu.

Sau 3 năm triển khai, cả nước đã có 15 xã của tỉnh Đồng Nai được công nhận xã NTM kiểu mẫu; 260 khu dân cư đã được công nhận khu dân cư NTM kiểu mẫu (trong đó, Hà Tĩnh có 210 khu dân cư; Quảng Nam có 30 khu dân cư; Lào Cai có 20 khu dân cư); 2.300 vườn mẫu tại Hà Tĩnh đã được công nhận đạt chuẩn. Riêng Hà Tĩnh là tỉnh tổ chức triển khai rất bài bản, đồng bộ và sáng tạo, ngoài việc xét, công nhận khu dân cư NTM kiểu mẫu, vườn mẫu, vừa qua, Hà Tĩnh đã tổ chức cuộc thi trên phạm vi toàn tỉnh để tôn vinh, khen thưởng những khu dân cư NTM kiểu mẫu, vườn mẫu tiêu biểu trên địa bàn tỉnh.

Nông thôn mới Bến Tre (ảnh: NTM)

Nông thôn mới Bến Tre (ảnh: NTM)

NHỮNG VẤN ĐỀ ĐẶT RA TRONG XÂY DỰNG NTM KIỂU MẪU
Quan điểm chỉ đạo xây dựng khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu ở các địa phương là coi trọng nâng cao chất lượng đời sống vật chất và giá trị hưởng thụ tinh thần của người dân. Khu dân cư NTM kiểu mẫu phải có thu nhập bình quân đầu người, trình độ dân trí, cơ sở hạ tầng, an ninh trật tự, môi trường, văn hóa – xã hội… cao hơn so với khu dân cư đạt chuẩn NTM đã được công nhận.
Do đó, điểm chung trong tổ chức thực hiện và các địa phương đã lựa chọn được các vấn đề có tính chất điểm nhấn để định hướng thực hiện, trọng tâm là: Tập trung phát triển sản xuất, mở rộng phát triển ngành nghề, giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập của người dân; giữ gìn bản sắc văn hóa nông thôn truyền thống; đề cao vai trò tự quản của cộng đồng; tập trung cho các giải pháp trong bảo vệ môi trường, xây dựng cảnh quan, thực hiện nếp sống văn minh, ứng xử văn hóa, tiến bộ; thực hiện tốt công tác quản lý và bảo đảm an ninh trật tự, an toàn xã hội… Đây đều là những nội dung cốt lõi trong chỉ đạo xây dựng NTM của Ban Chỉ đạo Trung ương hiện nay.

Vấn đề đặt ra cho các địa phương hiện nay là: Quy hoạch khu dân cư, cảnh quan, khu vườn mẫu ra sao? Trồng các loại cây gì? Để đảm bảo yếu tố bền vững, tạo được phong trào rộng lớn cho cộng đồng, các vấn đề đều liên quan đến vùng miền, khí hậu, thổ nhưỡng. Đây là những đề tài khoa học, các địa phương cũng đang có sự trăn trở, cần mời các chuyên gia về xác định xem có thể trồng được cây gì, hoa gì. Mỗi địa phương có đề xuất, kiến nghị, yêu cầu riêng, đảm bảo tính kinh tế, phù hợp với địa hình khí hậu, và hơn thế nữa là phải phù hợp với phong tục tập quán. Không thể để tình trạng cứ trồng – nhổ – chặt, điển hình như một số địa phương. Có những địa phương không có nghiên cứu, không lấy ý kiến của các nhà khoa học, không tham khảo kinh nghiệm của các nước cũng sẽ thất bại. Không thể để tình trạng kêu gọi người dân thay vì xây hàng hàng rào để trồng cây và khi trồng cây rồi thì ai chăm sóc. Nhiều nơi họ đòi hỏi trồng cây phải gắn với hiệu quả kinh tế. Do đó trước mắt chỉ có thể khuyến cáo, bên cạnh đó Ban chỉ đạo cũng sẽ phải đưa ra các mô hình mẫu và trên cơ sở đó họ có thể so sánh, lựa chọn.
Xuất phát từ kết quả thực tiễn triển khai thành công xây dựng khu dân cư NTM kiểu mẫu tại 08 tỉnh, thành phố; xây dựng vườn mẫu tại 02 tỉnh. Chương trình đặt ra những mục tiêu cần giải quyết:

– Thứ nhất, cần làm rõ quan điểm công nhận khu dân cư NTM kiểu mẫu là một cộng đồng toàn diện, là hình mẫu ở tất cả các lĩnh vực, hay chỉ xét, công nhận hình mẫu ở một lĩnh vực thực sự nổi trội của khu dân cư đó, mà nơi khác chưa có.
– Thứ hai, đề xuất điều kiện, tiêu chí xét, công nhận khu dân cư NTM kiểu mẫu như thế là phù hợp. Như cách triển khai của 08 tỉnh, thành phố hiện nay, thì việc xét một khu dân cư đạt chuẩn NTM kiểu mẫu cơ bản dựa trên những nội dung trọng tâm trong Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM, chỉ khác biệt là đưa ra các định mức của các chỉ tiêu, tiêu chí cao hơn. Như vậy, thực chất là tiêu chí NTM nâng cao, hay NTM kiểu mẫu?

– Thứ ba, để triển khai xây dựng Khu dân cư NTM kiểu mẫu, thì vai trò của các Bộ, ngành, các địa phương là đến đâu? Có nên quy định các tiêu chí xác định khu dân cư NTM kiểu mẫu chung cho các vùng, miền, hay để từng tỉnh, thành phố quy định trên cơ sở phù hợp với điều kiện thực tiễn của địa phương?

– Thứ tư, về xây dựng vườn mẫu, hiện nay, cả nước có 02 tỉnh (Hà Tĩnh và Quảng Ninh) đã xây dựng tiêu chí xác định vườn mẫu và tổ chức triển khai thực hiện, và cũng mới chỉ có tỉnh Hà Tĩnh xét, công nhận được 2.300 vườn mẫu. Vậy, tiêu chí vườn mẫu do các địa phương trên quy định đã phù hợp chưa? Để triển khai ở các tỉnh, thành phố khác thì cần đưa ra nội dung, cách thức như thế nào?

Cầu treo khu An Lạc 1, Xuân An, Yên Lập, Phú Thọ (ảnh: NTM)

Cầu treo khu An Lạc 1, Xuân An, Yên Lập, Phú Thọ (ảnh: NTM)

XÂY DỰNG NTM KIỂU MẪU CẦN BẢO TỒN VÀ TÔN TẠO GIÁ TRỊ TRUYỀN THỐNG
Định hướng trong những bước tiếp theo của Ban chỉ đạo sẽ xây dựng xã, huyện NTM kiểu mẫu. Phải đưa ra được những quy định về khu dân cư kiểu mẫu, cảnh quan, vườn mẫu giúp cho cộng đồng một cách khoa học, không nên tùy tiện làm theo ý thích cá nhân mà cần phải được sự chấp thuận của cả cộng đồng.

Hiện nay có rất nhiều xã, nhiều địa phương ở vùng khó khăn, nếu làm NTM ở cấp xã đòi hỏi nguồn lực rất lớn, rất lâu mới đạt được chuẩn, bởi vậy có thể lựa chọn khu dân cư, hay nói rộng hơn là cấp thôn, cấp bản, để tạo ra những chuyển biến trước mắt về cảnh quan, môi trường, nhận thức… không đòi hỏi nhiều kinh phí, góp phần thay đổi bộ mặt, không thể thực hiện trên bình diện toàn xã hay toàn huyện.

Vấn đề đặt ra: Làng và cảnh quan của nông thôn ở Việt Nam hiện nay rất đẹp và nguyên bản, có một số địa phương phát triển, tôn tạo làng thành mô hình điển hình, trở thành nơi đáng sống. Để có được những mô hình làng xanh – sạch – đẹp đó họ đang phải bỏ rất nhiều công sức, họ cũng cần phải có lợi ích, động lực để có kinh phí duy tu, bảo dưỡng hoặc thay thế chuyển đổi theo mùa vụ. Do đó, cần làm sao nhân rộng được các mô hình, tiếp theo là duy trì được sự bền vững và bảo tồn được nét đặc sắc văn hóa của các làng, hơn thế nữa tận dụng được những lợi thế để gắn với tuyến du lịch.

Vấn đề kiến trúc, cảnh quan hiện nay cần có một xu hướng nên duy trì, đó là quay trở về bản sắc xưa, những giá trị truyền thống, bên cạnh những đô thị ồn ã, ô nhiễm, khô cứng thì khi đi về nông thôn, mỗi vùng có một đặc trưng riêng giúp cho ta cảm thấy có sự cân bằng được cuộc sống.

Khu dân cư kiểu mẫu của Hà Tĩnh đã toát lên được 03 nội hàm mà hiện nay đang lấy là trọng tâm của chương trình NTM. Thứ nhất là vấn đề thúc đẩy phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân, thay vì để hoang khu vườn, với sự hỗ trợ của nhà nước, có thể trồng thêm một số cây tạo ra giá trị kinh tế. Thứ hai là vấn đề môi trường và cảnh quan. Khi làm một khu dân cư với khu vườn mẫu là đã tạo ra cảnh quan, nâng cao ý thức của người dân về sạch, đẹp. Đối với những nơi thời tiết khắc nghiệt, những khu vườn đó sẽ tạo ra được bóng mát, màu xanh, giảm sự khốc liệt của thời tiết. Thứ ba là gắn với văn hoá, khi hình thành được các khu dân cư, khu vườn kiểu mẫu là đã khôi phục được văn hoá. Tuy nhiên mới chỉ ở cấp cộng đồng, khác với quy mô cấp liên xã, liên huyện mà các tập đoàn đang triển khai sản xuất.

Ban chỉ đạo Trung ương cũng đánh giá cao về vấn đề triển khai điển hình khu dân cư, vườn mẫu chính là đã xác định được người dân làm chủ thể, từ đó nâng cao ý thức người dân, tạo ra được tinh thần cộng đồng. Từ đó sẽ góp phần xây dựng NTM bền vững, vì chúng ta đi vào những nội dung rất cụ thể, chi tiết ở cấp hộ gia đình và cộng đồng dân cư. Như vậy, với việc thúc đẩy phát triển khu dân cư kiểu mẫu, vườn mẫu vừa tác động trực tiếp đến 03 nội dung trọng tâm của chương trình NTM, vừa phát huy được nguyên tắc cốt lõi của thành công của chương trình NTM – đó là vai trò chủ thể của người dân; Phát động được tính cộng đồng, làng xóm gắn kết với nhau trong chương trình xây dựng NTM; Ý thức của người dân chuyển từ tự phát sang tự giác, từ việc chỉ lo cho nhà mình sang lo cho cộng đồng, đó là cái chuyển biến căn bản để xác định thực sự NTM có bền vững hay không. Trên cơ sở đó, hiện nay, cần thiết tổ chức Hội nghị toàn quốc nhằm chia sẻ kinh nghiệm của các tỉnh đã thực hiện thành công để nhân rộng trên cả nước. /.

Mục tiêu đến năm 2020 số xã đạt tiêu chuẩn NTM khoảng 50% (trong đó, mục tiêu phấn đấu của từng vùng, miền là: Miền núi phía Bắc: 28%; Đồng bằng sông Hồng: 80%; Bắc Trung Bộ: 59%; Duyên hải Nam Trung Bộ: 60%; Tây Nguyên 43%; Đông Nam Bộ: 80%; Đồng bằng sông Cửu Long: 51%); Khuyến khích mỗi tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phấn đấu có ít nhất 01 huyện đạt chuẩn NTM; bình quân cả nước đạt 15 tiêu chí/xã (trong đó, mục tiêu phấn đấu của từng vùng, miền là: Miền núi phía Bắc: 13,8; Đồng bằng sông Hồng: 18,0; Bắc Trung Bộ: 16,5; Duyên hải Nam Trung Bộ: 16,5; Tây Nguyên: 15,2; Đông Nam Bộ: 17,5; Đồng bằng sông Cửu Long: 16,6); cả nước không còn xã dưới 5 tiêu chí;Hiện nay đã có 09 tỉnh, thành phố đã ban hành tiêu chí xã NTM kiểu mẫu (gồm: Đồng Nai, Hà Tĩnh, Nghệ An, Quảng Ninh, Quảng Nam, TP. Hồ Chí Minh, Thái Nguyên, Ninh Bình, Quảng Trị). Có 08 tỉnh, thành phố đã ban hành tiêu chí khu dân cư NTM kiểu mẫu (gồm: Hà Tĩnh, Quảng Ninh, Quảng Nam, Thái Nguyên, Thanh Hóa, TP. Hồ Chí Minh, Lào Cai, Quảng Ngãi). 02 tỉnh ban hành tiêu chí vườn mẫu (Hà Tĩnh, Quảng Ninh).

 


Theo Nguyễn Minh Tiến, Cục Trưởng - Chánh Văn phòng Điều phối NTM Trung ương
Nguồn kientrucvietnam.org.vn